Thị trường bất động sản TP.HCM đang “lâm nguy”?

Tại TP.HCM, từ tháng 10.2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Tháng 3/2019, lãnh đạo TP.HCM và cơ quan có thẩm quyền của T.Ư đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.

Theo một báo cáo của HoREA, cả TP.HCMnăm 2019 chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương tỷ lệ 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, tương đương 80%. 

Cũng trong năm qua, TP.HCM có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư “đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, giảm 14,1% so với năm 2018, bao gồm: căn hộ cao cấp 15.758 căn, chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 67,1%; căn hộ trung cấp có 5.284 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 22,5%; căn hộ bình dân có 2.395 căn, chỉ còn chiếm tỷ lệ 10,2%. 

Số lượng dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại Quận 9 (9 dự án), Quận 7 (8 dự án), Quận 2 (6 dự án), Huyện Bình Chánh (4 dự án). Năm 2019, không có dự án nhà ở xã hội mới và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Theo ông Châu, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng; các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt, nên chưa đảm bảo tính công bằng.

Do vậy, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Cung ít đẩy giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15 – 20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại Q.9 (TP.HCM) có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. 

Một hệ quả có thể thấy được là số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Không chỉ bị ách tắt bởi thủ tục pháp lý, thị trường BĐS TP.HCM còn đang trong tình thế “lâm nguy” bởi cơn dịch virus corona đang “càn quét”. Theo ông Châu, đây là một giai đoạn hết sức khác thường của thị trường BĐS cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng. So với nhiều năm trước, thời điểm sau Tết âm lịch là mọi doanh nghiệp đều ra quân rầm rộ, các kế hoạch giới thiệu, bán hàng được tổ chức rình rang. Tuy nhiên, năm nay toàn bộ thị trường vắng lặng, doanh nghiệp địa ốc huỷ bỏ toàn bộ các kế hoạch ra mắt, giới thiệu, quảng bá dự án do lo sợ sự lây lan của virus corona.

“Không chỉ vậy, tâm lý khách hàng, người mua nhà và nhà đầu tư hiện nay xuống rất thấp. Thị trường đã thiếu nguồn cung cho người có nhu cầu thật một cách trầm trọng, nay thêm cơn dịch corona làm mọi khách hàng dường như không muốn ra đường, tránh những nơi đông người, không có một chút động lực tìm hiểu dự án”, ông Châu nói.

Còn theo bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, tâm lý khách hàng trong thời điểm này sẽ e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ nên các doanh nghiệp chỉ còn cách chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và bán hàng. Các sự kiện bán hàng không thuận lợi khi tổ chức thì thay vào bằng giải pháp công nghệ để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin ngay tại nhà. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư có thể hạ nhiệt nhưng nhu cầu nhà ở vẫn tăng trưởng ổn định vì vậy cần tập trung vào giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu an cư bao gồm đầu tư cho hạ tầng, tiện ích và đảm bảo tiến độ xây dựng bàn giao nhà.

“Hy vọng dịch corona sẽ không lây lan quá rộng và trong vòng kiểm soát được. Giờ chỉ chờ đợi trong khoảng 10 ngày nữa sẽ đánh giá được rõ hơn tình hình”, bà Hương cho biết thêm.

Nhìn ở khía cạnh vĩ mô, bà Hương cho rằng Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ và tổng lực tháo gỡ các nút thắt đang làm chậm lại đà phát triển của thị trường, gây lãng phí nguồn lực xã hội và không năm bắt được cơ hội tăng tốc nhanh từ lợi thế phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp địa ốc TP.HCM không phải là không có quỹ đất, không có dự án để đầu tư nhưng do vướng hàng loạt thủ tục pháp lý nên mọi thứ đều đình trệ.

Tin liên quan