Những ngày giáp Tết, nhìn người người vội vã thu gói đồ đạc, mua vé tàu, xe để về quê, anh Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, quê ở Bắc Giang) lại dưng dưng nước mắt. Bắt đầu câu chuyện của mình bằng những kí ức buồn, anh Hùng không giấu được những mặn chát của cuộc đời mình khi một tay anh ẵm cô con gái mới 3 tháng tuổi lên Hà Nội kiếm sống.
“Gà trống nuôi con”, 4 năm vật vạ khắp các phố phường Hà Nội
Gần đây, khi câu chuyện của hai bố con được nhiều người biết đến và giúp đỡ, cuộc sống của anh Hùng phần nào đã vơi đi vất vả nhưng với anh đó mới là sự khởi đầu cho một tương lai thật sự kiên trì, vất vả phía trước.
Căn nhà trọ 10m2 anh Hùng thuê ở Nhổn là nơi chui ra chui vào của hai bố con anh trong hơn 4 năm sống ở Hà Nội.
“Cũng may nhờ có mọi người giúp đỡ nên hiện giờ tôi đã có một chiếc xe máy cũ để đi làm. Lại có một đơn vị hỗ trợ mổ mắt, rồi có thêm nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ cho con đi học.
Những điều này với tôi mà nói đó là điều chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ nhận được. Bao năm cố gắng nhưng mọi dự định đều phải dang dở vì hết chuyện này tới chuyện khác ập tới“, anh Hùng nghẹn ngào.
Thiếu bàn tay người phụ nữ nên mọi thứ trong nhà không được ngăn nắp như bao gia đình khác. Ông bố sớm tối cùng đứa con gái lang thang khắp Hà Nội mưu sinh chẳng còn thời gian để kịp dọn dẹp mọi thứ.
Nhận được niềm vui lớn, hai bố con chỉ biết nói lời cảm ơn, duy chỉ có việc con gái chưa được đi học khiến anh còn trăn trở trong lòng.
“Hiện có nhiều người ngỏ lời muốn giúp cháu đi học nhưng vì quãng đường di chuyển xa với lại tôi vừa mổ mắt, không thể đưa con đi học nên không yên tâm được.
Có hai anh chị không phải giáo viên ngỏ ý muốn đến đưa cháu đi học mỗi ngày, nhưng tôi xin phép từ chối tại mình cũng không quen biết gì họ nên trong lòng cũng hơi lăn tăn.
Đợi đến khi mắt tôi khỏi hẳn, tôi làm được giấy tờ cho cháu ở quê, có khi cố gắng xin cho con học ở trường gần nhà để tiện đưa đón, chăm sóc con khi cần“, anh Hùng chia sẻ.
May mắn sau khi được mọi người biết tới, anh Hùng đã nhận được tài trợ để mổ hai mắt.
Số phận đã đẩy đưa anh từ một người đàn ông vốn hạnh phúc khi bên mình có một người vợ hiền lành, bỗng chốc trở thành một ông bố đơn thân, sống cảnh gà trống nuôi con gần 5 năm qua. Từ ngày vợ mất vì bệnh, nhà ngoại ở Hải Phòng cũng còn nhiều khó khăn, anh cắn răng bế con gái được hơn 3 tháng lên Hà Nội kiếm sống.
Ngày ấy anh làm đủ nghề, từ rửa bát, đánh giày cho đến bơm vá xe chỉ để có tiền mua sữa, mua bỉm cho con. Mới đó mà cũng đã hơn 4 năm.
Cuộc đời với người đàn ông 41 tuổi một mình gà trống nuôi con trải qua đủ thứ khó khăn trong cuộc sống nhưng anh luôn tự nhủ còn sức khoẻ thì vẫn có thể kiếm sống nuôi con.
“Khi hai bố con mới lên đây thật sự rất vất vả vì con còn nhỏ mà mình lại không có kinh nghiệm chăm con. Dần dần phải tự học từng tí một để nuôi con.
Thấy tôi lủi thủi vất vả chăm con, có người cũng khuyên hay cho con để người khác nuôi, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Con mình đẻ ra, mình không chăm con thì ai chăm, vất vả nữa cũng được. Từ đó, bố con cứ rau cháo nuôi nhau“, anh Hùng chia sẻ.
“Tôi có thể làm đủ thứ nghề chứ không bao giờ có ý nghĩ đi ăn xin để nuôi con”, anh Hùng chia sẻ.
Những ngày đầu năm, Covid-19 diễn biến phức tạp khiến anh không có thu nhập, số tiền cố gắng tích góp anh lại dè sẻn lấy ra tiêu. Có những ngày hai bố con phải ôm nhau ngủ ngoài đường vì không đủ tiền đóng tiền nhà trọ.
“Có đợt chẳng kiếm ra được đồng nào, cũng chẳng ai thuê mình làm gì. Có hôm đến hạn đóng tiền nhà, bố con tôi phải ra chỗ Vincom ngủ tạm, đến hôm sau cố gắng xoay xở được tiền mới dám trở về phòng trọ.
Cũng may ngày ấy còn có gạo, trứng, mắm được ủng hộ nên cũng không lo“, anh nghẹn ngào.
Khi vừa hết cách ly xã hội, hi vọng đi làm kiếm sống của anh Hùng vừa mới nhen nhóm thì hai bố con anh gặp tai nạn. Chiếc ô tô tông vào hai bố con nhanh chóng chạy mất. Còn 8 triệu đồng anh tích góp định mua chiếc xe máy buộc lòng phải đem đóng viện phí rồi mua thuốc thang cho con. Không biết chữ, chuyện ký giấy tờ nhập viện cho con cũng khó khăn đủ đường.
Nói về những ngày sắp tới, anh Hùng lại phấn khởi khi giờ đây anh được mọi người giúp đỡ mua tặng anh chiếc xe để chạy xe ôm kiếm sống.
“Ra Tết khi mắt khỏi tôi có thể chạy xe ôm hoặc tìm công việc phù hợp. Lo xong thủ tục ở trên quê thì có thể cho con đi học. Mình đã không biết chữ rồi, giờ không thể để con cũng vậy“.
“Tết người ta có nhà để về, bố con tôi có ai đâu”
Gần Tết, căn phòng trọ rộng chừng 10 m2 tại đường Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) của hai bố con vẫn đơn sơ như mọi năm.
Căn phòng trọ anh thuê với giá 500 nghìn đồng/tháng, bên trong đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc giường tuềnh toàng. Quần áo bọc to, bọc nhỏ nằm ngổn ngang dưới đất, chiếc bàn xập xệ đặt bếp ga mini với rổ bát nhỏ.
Năm nay lại thêm một năm hai bố con ăn Tết ngoài đường.
“Tết nhất của bố con tôi chỉ có vậy thôi, bánh chưng thì được cho, tiền lo ăn từng bữa còn chẳng có, nói gì đến chuyện sắm cho con bộ quần áo mới, hay cây đào, cây quất về bày biện.
Ở nhà thuê thì chỉ có vậy thôi, mà không ở đây thì ở đâu, cũng muốn cho con một tổ ấm tử tế nhưng làm gì có nhà mà về“.
Ngồi trong căn phòng mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng rồi nghĩ về những ngày tháng đã qua ông bố đơn thân chỉ biết thở dài: “Người ta còn có nhà để về chứ bố con tôi còn có ai đâu. Mẹ tôi mất rồi, nhà ở quê cũng không có, đằng ngoại cũng khó khăn, anh em thì kín giả nhất phận nên thôi, cứ quanh quẩn ở Hà Nội. Ấy thế mà tôi và con gái đã đón 4 cái Tết ở đây rồi. Bảo là quen thì khó nhưng giờ hoàn cảnh mình vậy thì chỉ biết động viên bản thân cố gắng.
Khổ mấy nhưng tôi tự dặn lòng không bao giờ vì khổ mà đi xin ăn cả. Mình còn sức khỏe thì vẫn lo được cho con“, anh Hùng thở dài.
Cô bé Trang với góc đam mê nhỏ của mình.
Những ngày Tết, mọi năm hai bố con anh lại đạp xe lên phố để đánh giày, nhưng cũng chẳng được mấy vì không có khách. Đến mùng 4,5 anh lại mang bọc chân chống cao su cho xe máy ra bán để quên đi nỗi buồn đến khi trời sẩm tối thì về.
“Mấy ngày tết của hai bố con cũng chẳng khác mấy ngày thường, thậm chí còn buồn tủi hơn. Nhiều khi cũng muốn con được như người ta mà chẳng được. Mấy ngày Tết giỏi lắm bỏ ra được vài chục là vui lắm rồi, không có khách mấy nhưng đi làm mình quên đi được nhiều cái buồn tủi“, anh Hùng tâm sự.
Năm mới tới, cô bé sẽ được đến trường, sẽ được nuôi những ước mơ nhỏ của mình.
Nhìn cô con gái đang chăm chú tô màu, anh Hùng tếu táo “Năm nào cũng được ăn Tết bên con gái thì năm đấy với tôi đó là cái Tết to“, nhưng nói là vậy, còn tương lại phía trước ra sao anh cũng không dám nói trước.
Anh tin với đôi mắt vừa được phẫu thuật anh sẽ kiếm được một công việc tốt hơn, con gái anh sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, có cơ hội được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa.
Pháp luật & Bạn đọc