Tết năm nay tuy khác nhưng tình vẫn vậy…

Tết của tôi năm nay bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Là ngày mọi nhà theo truyền thống dân tộc Việt Nam sẽ tiễn ông Táo về trời, báo cáo chuyện gia chủ trong một năm qua. Còn tôi lại đi tiểu phẫu răng khôn. Ai cũng bảo gan lắm khi phẫu thuật vào ngày thần linh vậy. Và ơn giời, mọi thứ suôn sẻ. Mẹ không an tâm để tôi mổ một mình. Cũng là một điều khác lạ so với mọi năm. Các năm trước thì tầm 26-27 Tết, tôi sẽ về quê, mẹ ở nhà. Năm nay hai người được đoàn viên sớm hơn.

Kỹ tính vì sợ chảy máu hố mổ nên hai mẹ con đã ở Sài Gòn thêm vài ngày đến 28 Tết cắt chỉ xong mới về quê. Hỡi ôi, điều chẳng ai muốn đã trở lại: Các ca COVID-19 mới bùng phát đợt mới tại TP HCM. Cứ mỗi ngày thành phố lại có thêm vài ca đến hàng chục ca nhiễm mới phát hiện, khoanh vùng cách ly đến cả 50 điểm khắp các quận nội đô. Diễn biến rất nhanh. Những địa điểm, hàng quán quen thuộc vào danh sách đỏ. Các thông tin ấy dồn dập đến. 

Chưa kể bạn bè tôi có quê ở vùng có ca nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh liên tục chia sẻ tin “Tết này khó về!”. Mấy đứa em, mấy đứa cháu ở quê cũng nghỉ học sớm, đứa ở Sài Gòn cũng về nhà vì lịch nghỉ học phòng dịch. Cứ rỉ rả như thế đến đêm 27 Tết tôi và mẹ đều phập phồng lo sợ đến không ngủ được vì lo nghĩ biết đâu chỗ mình ở bị cách ly. Chỉ tính những tháng cuối năm 2020, tôi đã 4 lần lấy mẫu SARS-CoV-2, do về từ nơi có dịch, chủ động do lo lắng khi ho và phẫu thuật cắt amidan. May mắn đều âm tính. Tôi thức trắng cả đêm. 

Tết năm nay tuy khác nhưng tình vẫn vậy... - Ảnh 1.

Tác giả Dy Khoa và mẹ.

Sáng 28 Tết, tôi và mẹ tất tả sửa soạn, gom đồ vào viện thật sớm. Không khí khác hẳn tuần trước đó. Vắng lặng. Tâm lý mọi người đều đã bị ảnh hưởng ít nhiều nên cũng hạn chế thăm khám. Khung cảnh ảm đạm này tương tự cho cả năm 2020 của ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi lượng bệnh nhân đến thăm khám giảm mạnh so với mọi năm. Bác sĩ của tôi đang cân nhắc có nên hay không về Bến Tre – quê của cô – vì dịch bùng lại.

Sau khoảng 30 phút, hai mẹ con bắt đầu hành trình bằng xe riêng vì cũng ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng. Và phương tiện cá nhân cũng là lọi hình được nhiều người sử dụng nhất trong đợt dịch Tết năm nay. Các bến xe, ga tàu, cảng hàng không đều vắng hoe; lượng người trả vé tăng mạnh làm cho nhiều doanh nghiệp vận tải bị hụt dòng tiền mặt lớn.

Về đến quê, đến nhà vào những ngày cuối năm cảm xúc cũng khác lắm. Nhưng sự háo hức, đón chờ vẫn vẹn nguyên. Những người còn phải điều trị, trong khu vực cách ly hẳn sẽ ngóng trông một cái Tết đoàn viên lắm!

Đi chợ ngày cận Tết năm nay đã khác so với mọi năm. Sạp thịt, hàng rau vẫn đông người. Ngày Tết vẫn phải tươm tất đủ đầy để dâng cúng tổ tiên như ý nghĩa vốn dĩ của nó. Những chậu hoa trang trí không còn là lựa chọn hàng đầu nữa. Giờ nhà có nhà không. Đến chiều 30 Tết những chậu hoa cuối cùng được thu dọn. Hỏi ra mới biết các thương buôn nhập hàng ít hơn vì chung nỗi “lo cái ăn, cái mặc trước đã” – một chú bán hoa nói với tôi.

Thu nhập năm qua của tôi cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều nhưng cũng ráng lo Tết ấm êm. Bàn cúng gia tiên bày biện đủ các món đặc trưng như được định khung theo hướng vừa đủ ăn, không thừa mứa hoặc ăn gì cúng nấy. Tinh thần sống với dịch như sống trong thời chiến được phát huy mạnh mẽ hơn.

Tết năm nay tuy khác nhưng tình vẫn vậy... - Ảnh 2.

Mùng 1 Tết hai mẹ con vẫn duy trì đi lễ chùa như mọi năm. Nhưng có khác. Chúng tôi hạn chế vào chánh điện, chỉ thực hiện nghi lễ bên ngoài. Cũng cố gắng di chuyển thật nhanh, tránh tiếp xúc chen lấn. Như vậy lại hay. Tôi khám phá được nhiều ngóc ngách, ngôi chùa thú vị ở quê mình mà trước đó chưa có dịp đến. Các chùa chiềng ít khách viếng hơn mọi lần rất nhiều.

Gia đình lớn đoàn tụ cũng khác. Không phải cả một đại gia đình với mấy chục thành viên cùng lúc nữa mà thay vào đó là ít người hơn. Ý thức cao hơn là nhà có người lớn tuổi đang có bệnh nền như tiểu đường đã ở nhà và từ chối đón khách. “Tết mà, ra đường cho vui”, cái suy nghĩ này đã không còn hợp thời COVID-19. Cũng Tết COVID-19 mà dù không gặp nhau nhưng tình thân vẫn vun đầy qua những cuộc gọi có hình. Những câu chúc, bao lì xì online là cánh tay nối dài trong mùa hạn chế tiếp xúc.

Cố gắng Tết bình yên để sau Tết chúng ta được quyền trở lại với cuộc sống bình thường.


Dy Khoa

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan