Trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào miền sơn cước
Từ bao đời nay, người Tày, Nùng, Dao Chỉ, Sán Dìu, Pà Thẻn, Cao Lan… đã chọn mảnh đất trù phú, được bồi đắp bởi sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy làm nơi sinh sống. Họ lập nên những bản làng ven sông hoặc nương nhờ đồi núi điệp trùng để an cư hòa thuận cùng các dân tộc khác.
Mỗi dân tộc tại Tuyên Quang sở hữu chiều sâu văn hóa riêng, thể hiện qua niềm tin tín ngưỡng, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, lễ hội… đậm đà bản sắc. Người Tày, Nùng giản dị với màu áo chàm; người Dao nổi bật với sắc đỏ trên áo váy và những đường nét hoa văn tỉ mỉ; người Cao Lan lại sở hữu kỹ thuật cắt nối cầu kỳ và điểm nhấn duyên dáng từ dây đai, viền áo.
Chị Quỳnh Anh, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Mình rất ấn tượng với các trang phục dân tộc. Nếu tìm hiểu kỹ thì từng hoa văn đều kể một câu chuyện truyền thuyết hay thói quen sinh hoạt xưa. Đặc biệt là khi mặc thử váy áo, đeo vòng bạc của người Dao thì thấy bản thân tự dưng lại đẹp hơn, hồn nhiên hơn, giống như các cô gái sinh ra ở đây vậy”.
Bên cạnh trải nghiệm “hóa thân” trong trang phục truyền thống, nhiều du khách còn bày tỏ niềm thích thú khi được hòa mình vào nếp sinh hoạt của người Tuyên Quang. “Tôi ở homestay nhà sàn của người Tày thấy thoải mái, sáng dậy ăn xôi ngũ sắc rồi cùng xay lúa, hái chè cùng gia đình. Bữa trưa có gạo kén Tân Trào dẻo thơm ăn cùng mấy món như cá suối, trám kho thịt, rau rừng… đơn giản mà rất ngon”, anh Quang Minh, một du khách yêu thích ẩm thực chia sẻ.
Chuỗi lễ hội truyền thống được tổ chức quanh năm
Đến Tuyên Quang vào bất cứ thời điểm nào trong năm, du khách đều dễ dàng cảm nhận tấm lòng hiếu khách, chân thật cùng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng địa phương. Không chỉ sẵn lòng mời những món ăn ngon nhất, người dân nơi đây còn sẵn sàng chào đón du khách tham gia các hoạt động văn hóa – lễ hội độc đáo. Điển hình như ở Lễ hội Hát then – Bơi mảng, Lễ hội Cầu May – Cầu Mùa tại Đình Tân Trào, lễ hội Lồng Tồng (người Tày), lễ hội Cấp Sắc (người Dao), lễ hội Gầu Tào (người Mông)… thể hiện niềm tin tín ngưỡng, sự hòa hợp âm dương hay khát vọng của người dân về một cuộc sống no đủ, may mắn.
Các lễ hội này mang đến không gian trải nghiệm văn hóa ấn tượng từ hình thức cho tới tiếng hát, lời ca. Để lại trong lòng du khách là hình ảnh cô gái Tày hát then, chơi đàn tính trên dòng sông Phó Đáy hiền hòa; điệu múa nhảy lửa huyền bí của người dân tộc Pà Thẻn hay những âm thanh trầm bổng của điệu hát Páo Dung, Sình Ca của cộng đồng Dao Chỉ, Cao Lan…
Sắp tới đây, du khách không cần đi hết bản làng tại Tuyên Quang để trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc. Nhận thấy chất liệu văn hóa bản địa dồi dào, cộng với sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khách du lịch, Tập đoàn Flamingo Holdings đã dồn tâm huyết để xây dựng Flamingo Tân Trào Resort với thiết kế và chuỗi lễ hội đậm đà bản sắc.
“Lần đầu tiên tại Tuyên Quang sẽ có một quần thể nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hóa – lịch sử quy mô lớn. Nơi đây sẽ như một Thành Tuyên thu nhỏ, hội tụ vẻ đẹp văn hóa các dân tộc, kể lại trang sử hào hùng của ông cha ta đồng thời xâu chuỗi và phát huy các lễ hội truyền thống”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Flamingo Tân Trào Resort dự kiến sẽ là nơi phát triển những lễ hội địa phương trở thành trải nghiệm mãn nhãn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia, góp phần quảng bá du lịch Tuyên Quang. Từ đó, dự án cũng được cho là sẽ trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa sinh lời đầy hứa hẹn cho những nhà đầu tư nhanh nhạy, tiên phong nắm bắt thời cơ.
Khởi công từ tháng 10/2022, đến nay, dự án Flamingo Tân Trào Resort đã hoàn thiện thi công phần hạ tầng khung, bước vào giai đoạn 2 xây dựng phần thô hàng trăm căn shophouse và khách sạn nghỉ dưỡng.