“Sức bật” từ chủ đầu tư mới

(DĐDN)- Thị trường bất động sản đang chứng kiến cuộc cạnh tranh sôi động nhưng cũng rất khốc liệt giữa các chủ đầu tư mới và những tên tuổi đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Cách đây hơn 1 năm, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hải Đăng – một thương hiệu lớn trong ngành xây lắp và triển khai các công trình hạ tầng giao thông công bố sự lấn sân của mình sang lĩnh vực bất động sản bằng dự án quy mô lớn tại Mỹ Đình với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.

Những gương mặt đầy tham vọng

Khi dự án được công bố nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ với một doanh nghiệp “non choẹt” về kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở lại chưa có tiếng tăm tại thị trường Hà Nội. Chậm mà chắc, sau 1 năm công bố dự án, Hải Đăng đã chứng minh bước đi “thần tốc” của mình bằng việc bán hết sạch giai đoạn 1 dự án Mon City với gần 900 căn hộ chung cư và 147 căn nhà phố thương mại.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khủng hoảng và đang tăng trưởng mạnh mẽ, những gương mặt mới đầy tham vọng và “tay ngang” như Hải Đăng không phải là hiếm. Bằng chứng là ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiGroup, một DN chỉ hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, sản xuất xi măng, bảo hiểm, chứng khoán đã chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại khách sạn Kim Liên với diện tích khoảng 3,5 ha, giờ đây tên tuổi của DN này lại gắn liền với nhiều dự án bất động sản.

Theo nguồn tin của DĐDN, ông chủ của ThaiGroup còn được biết đến với dự án khách sạn 5 sao có giá trị đầu tư 165 triệu USD tại trung tâm Hà Nội, khu nghỉ dưỡng hạng xa xỉ Enclave tại Phú Quốc, và một số dự án khác có quy mô nhỏ ở Hưng Yên, Hà Nam, Hà Tĩnh…

Theo tiết lộ của bầu Thụy, DN của ông đã “giải cứu” hàng loạt dự án bị “đắp chiếu” do các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. “Lúc mua giá rẻ, giờ những dự án của ông có giá gấp 3 – 4 lần so với vốn ban đầu”.

Cuộc “tay ngang” trên thị trường bất động sản không chỉ tồn tại phía Bắc mà cũng đang diễn ra tại phía Nam bằng việc Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cầu đường đã thành lập một công ty con chuyên đầu tư bất động sản vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. DN này cho biết đang hoàn tất thủ tục để đầu tư vào 3 dự án lớn tại TP HCM.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trường Hải nổi tiếng với ngành ô tô đã quyết định rót hàng nghìn tỷ để đầu tư vào Khu đô thị Sala (Thủ Thiêm, TP HCM). Hay ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã “tái xuất” lĩnh vực địa ốc khi khởi công dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Sở dĩ các DN này có được bước đầu thành công do tích lũy được nguồn vốn dồi dào trước khi tham gia vào thị trường bất động sản. Chính nguồn tiền tự có, không dựa dẫm ngân hàng khiến các DN tự tin “làm thật, ăn thật”. Cũng có không ít các DN tận dụng thời điểm thị trường bất động sản đóng băng để mua lại những dự án dở dang của các chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Khi thị trường khởi sắc cũng là lúc các DN “tay ngang” này đổ tiền “đánh thức” các dự án và tạo được niềm tin trên thị trường.

Và những cựu binh bị lu mờ

Thị trường bất động sản đã hình thành thế hệ các nhà đầu tư mới với những kế hoạch chiếm lĩnh thị trường bài bản hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, không ít “cựu binh” dần lu mờ. Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường bất động sản như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) hay Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) hầu như vắng bóng trên thị trường bất động sản mấy năm qua hoặc có xuất hiện thì tình hình kinh doanh cũng èo uột.

Công ty Sông Đà – Thăng Long sau khi thành công với dự án khu đô thị Văn Khê lại “chìm nghỉm” trong dự án Usilk City. DN này đã thu hàng ngàn tỷ đồng tiền mua căn hộ ứng trước của khách hàng nhưng cho đến nay Sông Đà – Thăng Long mới đang hoàn thành 3 trong tổng số 13 tòa nhà của dự án Usilk City. Cách đây 3 tháng, công ty này buộc phải chuyển nhượng một tòa nhà cho Công ty cổ phần Hải Phát Thủ đô.

Tương tự ở phía Nam, Vạn Phát Hưng và Phát Đạt giờ đây hoàn toàn lép vế so với những tên tuổi mới nổi như Novaland hay Khang Điền.

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản được thành lập trong 5 tháng đầu năm thì gần 70% doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng hoạt động.

Chính bản thân các doanh nghiệp thua lỗ nhìn nhận, bất động sản là một thị trường nặng tính may rủi mà sự thành công chưa chắc đến từ DN có năng lực tài chính. Quan trọng là cách làm thương hiệu và cách đối mặt với khủng hoảng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang bước ra khỏi thời kỳ suy thoái trong vòng 5 năm gần đây, trong đó thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ phục hồi và bắt đầu một giai đoạn bùng nổ, ít nhất là trong vòng 7 năm tới. Do đó, bất động sản không còn là “cuộc dạo chơi” của các chủ đầu tư. Sức ép đổi mới đang được cụ thể hóa trong từng dự án bất động sản, mà ở đó mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình.

JLL: Thị trường bất động sản Việt Nam đã ‘nề nếp’ và ‘bền vững’ hơn

 Lưu Vân

Tin liên quan