Những ngày qua, làng bóng đá Việt xôn xao trước thông tin Công Vinh bày tỏ tham vọng sở hữu một CLB đủ sức chinh chiến tại V.League. Thực hư câu chuyện này ra sao, chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chờ. Tuy nhiên có một sự thật rằng để gây dựng được một đội bóng đủ sức tham dự sân chơi chuyên nghiệp là điều không đơn giản.
Cách đây 15 năm, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử – điển lạnh, lắp ráp xe máy có tên Đỗ Quang Hiển quyết định đầu tư vào bóng đá . Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đang trong những năm đầu chuyển đổi sang mô hình “chuyên nghiệp”. Các ông bầu thường chọn cách tiếp quản lại một đội bóng tầm trung, rồi chi không tiếc tiền để đưa CLB đó trở thành thế lực ở V.League.
Bầu Đức hay bầu Thắng đã rất thành công với cách làm này ở HAGL và ĐTLA. Nhưng ở Hà Nội , bầu Hiển lại chọn hướng đi khác.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2006 khi bầu Hiển tìm gặp cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà để bàn bạc về ý tưởng của mình. Theo đó, ông muốn gây dựng một đội bóng hoàn toàn mới, có bản sắc, truyền thống, sẵn sàng đi từng bước từ giải hạng Ba lên V.League, thay vì bơm tiền ồ ạt để sớm có được danh hiệu.
Và bầu Hiển thực sự đã tìm đúng người, khi Triệu Quang Hà với xuất phát điểm từ lò Thể Công từ lâu cũng đã thấm nhuần triết lý kế thừa, xây dựng bản sắc cho đội bóng.
“Theo kế hoạch, đội bóng Hà Nội T&T sẽ được thành lập và bắt đầu tham dự từ giải hạng Ba. Ngay ngày đầu khi bàn với anh Hiển, tôi đã trình bày rằng làm sao phải xây dựng được một đội bóng có truyền thống, như thế mới lâu dài được và rồi dần dần người hâm mộ sẽ đến với mình.
Tôi từng trải qua môi trường Thể Công, có thể học hỏi mô hình, cách đào tạo để áp dụng vào Hà Nội T&T. Thời điểm thành lập đội, tôi đã suy nghĩ mình phải xây dựng hệ thống đào tạo trẻ ngay. Song song với việc đưa CLB phát triển thì đó cũng là điều phải thực hiện. Trong suy nghĩ của tôi, đó là một con đường đi đúng đắn”.
HLV Triệu Quang Hà.
“Nhiều nơi ông chủ đầu tư vào bóng đá chỉ nghĩ đến đội một thôi mà không để ý tới đào tạo trẻ. Họ thích có một đội chuyên nghiệp để đá được ở V.League, nhưng không nghĩ rằng cơ sở quan trọng nhất của đội bóng phải là hệ thống đào tạo trẻ. Đó là điều sẽ mang đến màu cờ sắc áo, truyền thống của CLB.
Có điều không phải ông bầu nào cũng đồng ý với cách làm như vậy. Bởi làm bóng đá thì cần thành tích. Nếu không có thành tích thì HLV mất ghế. Nhưng lúc ấy tôi tự tin bàn với bầu Hiển một kế hoạch rất rõ ràng, dài hơi như vậy”, cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà hồi tưởng lại.
Đội hình Hà Nội T&T mùa giải 2008.
Ngày ấy, để thành lập được đội bóng Hà Nội T&T, HLV Triệu Quang Hà đã phải đi khắp Quảng Ninh, Hải Phòng, rồi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển chọn cầu thủ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những khó khăn đầu tiên.
“Thời điểm đó mọi thứ không hề dễ dàng, vì đội mới chỉ ở hạng Ba thôi mà. Tôi đi thuê một cái nhà dân cho anh em. Ngôi nhà đó có 7 tầng, gần 30 thành viên của đội sống chung tại đó. Nói chung là khá chật. Đội tập trên một cái sân đất ở gần đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Còn ăn uống thì sang quán cơm bình dân ở cạnh nhà.
Ngoài ra, có những cầu thủ đá phong trào rất hay, nhưng khi vào ăn ở tập trung thì lại khó. Họ đang tự do thoải mái ở ngoài, khi vào môi trường lúc nào cũng phải gò vào kỷ luật khiến họ không dễ theo được, rồi bỏ.
Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng đi tập ở sân Nhổn, Mỹ Đình, rồi cả sân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Phải di chuyển khá nhiều. Về sau tôi thấy bên quận Tây Hồ mới làm một cái sân bóng, nên đề xuất với bầu Hiển để di chuyển đội về đó. Cả đội tập luyện tại đó và ở dưới gầm khán đài luôn”, HLV Triệu Quang Hà kể lại.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ những chuyện đó là khó khăn. Trong thời điểm đó, mô hình của mình mới, bầu Hiển cũng không phải không có khả năng tài chính nhưng cách làm của anh ấy khác.
Bầu Hiển không đưa ra những điều kiện tốt ngay, nhưng cũng là người rất phóng khoáng. Mỗi khi Hà Nội T&T lên hạng, chúng tôi đều có thưởng. Hơn nữa, có sự khó khăn về cơ sở vật chất nhưng mình vượt qua được những điều như thế mới là đáng quý”.
Và quả thực trong hoàn cảnh chỉ là một tân binh của bóng đá Việt, nhưng Hà Nội T&T lại thi đấu vô cùng ấn tượng, liên tiếp thăng hạng và chỉ sau 2 năm đã giành quyền lên chơi tại giải hạng Nhất.
Đến thời điểm đó, bầu Hiển mới bắt đầu có sự đầu tư mạnh tay hơn khi đưa về những danh thủ như Dương Hồng Sơn, Phạm Như Thuần, Văn Sĩ Sơn, Nguyễn Thành Long Giang, và các ngoại binh chất lượng như Casiano, Cristiano Roland, Maxwell. Kết quả là mùa giải 2008 còn chưa khép lại, Hà Nội T&T đã sớm giành vé lên chơi tại V.League.
Lịch sử V.League từng chứng kiến nhiều “đại gia” chợt đến rồi chợt đi. Còn với Hà Nội FC, cách làm đúng đắn của bầu Hiển đang giúp đội bóng này trở thành thế lực hàng đầu, với mô hình bền vững.
Song song với việc đầu tư đội một, bầu Hiển cũng rất sát sao trong việc xây dựng hệ thống đào tạo trẻ. Bởi như kế hoạch đã vạch ra ngay từ đầu, phải có hệ thống đào tạo trẻ vững chắc thì mới tạo nên được truyền thống, bản sắc cho đội bóng.
“Chúng tôi phải đi tuyển ở các tỉnh, cứ mùa hè là đi. Hầu như các đội đá giải U11 toàn quốc tôi đều đến để lấy cầu thủ. Ví dụ như ở Thái Bình, trước lứa Văn Hậu thì tôi tuyển được 3 lứa ở đó rồi. Văn Hậu là lứa thứ 4. Tôi nghĩ Hà Nội FC bây giờ có hệ thống như Thể Công ngày xưa và hầu như các cầu thủ đều có nền tảng kỹ thuật tốt.
Như Thể Công của bọn tôi ngày trước, khi lên đội một đều biết rằng sẽ chơi kiểm soát bóng, không chơi bóng dài mà phải kỹ thuật. Lối chơi của Hà Nội FC bây giờ cũng vậy, và nó đã được xây dựng trong rất nhiều năm.
Các cầu thủ trẻ hiểu điều đó. Và hệ thống đào tạo cũng sẽ hướng các em cần học về kỹ thuật và cách chơi bóng nhỏ ra sao. Nhờ thế, những cầu thủ trẻ dù mới lên đội một nhưng cũng phần nào quen được cái guồng đó rồi”, HLV Triệu Quang Hà bày tỏ.
Sau nhiều năm thi đấu và tham gia công tác huấn luyện, Triệu Quang Hà hiện đang chuyển hướng sang kinh doanh. Tuy nhiên ông vẫn luôn dõi theo những diễn biến của bóng đá Việt Nam.
Dù sau này HLV Triệu Quang Hà không còn gắn bó với Hà Nội T&T (hiện là Hà Nội FC), nhưng những triết lý mà ông và bầu Hiển đặt ra từ ngày đầu vẫn luôn được duy trì.
Từ Thành Lương, Văn Quyết rồi Hùng Dũng, Đức Huy, Duy Mạnh, cho đến những Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu, Việt Anh…, Hà Nội FC luôn có những thế hệ tiếp nối nhau, mang đến thành công cho đội bóng.
Dù không xây dựng học viện, trung tâm bóng đá như HAGL, Viettel hay PVF, nhưng rõ ràng cách làm theo hướng phát triển những trung tâm vệ tinh của bầu Hiển và Hà Nội FC cũng đã mang lại hiệu quả. Với bóng đá Việt Nam, những mô hình mang tính dài hơi như vậy sẽ đóng góp rất nhiều cho thành tích chung của đội tuyển.
Pháp luật và bạn đọc