Thảo luận tại Quốc hội, các vấn đề về minh mạch thông tin đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… tiếp tục là vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, bồi thường giải phóng mặt bằng và giá đất là hai vấn đề đang được người dân cả nước quan tâm nhất hiện nay do nó có ảnh hưởng sát sườn đến quyền và lợi ích của người dân.
Không phủ nhận việc dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có những bước tiến mới trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định của dự thảo luật vẫn còn rất nhiều điểm chưa thoả đáng.
Theo đại biểu Lê Minh Hoan (đoàn tỉnh Đồng Tháp), trong dự thảo luật nêu nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất “đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất. Đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản.
Ông Hoan cho rằng, hai vấn đề người dân quan tâm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng nếu muốn “có cuộc sống tốt hơn” sau khi đất được thu hồi là giá đất thu hồi và hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này trong dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng về quyền lợi của người dân.
Về giá đất, theo vị đại biểu này, quy định của dự thảo luật, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành bảng giá đất trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường. Song, trong quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu bởi việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất mà phải căn cứ theo giá đất cụ thể trên thị trường.
“Cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại”, vị đại biểu này khẳng định và đề xuất, lãnh đạo địa phương cần đến từng hộ dân khảo sát, sau đó mới tiến hành áp đơn giá đền bù.
Đặc biệt, giá đền bù giải phóng mặt bằng không chỉ là đơn giá của địa phương mà cần lưu ý việc tính theo chênh lệch địa tô, có như vậy mới đảm bảo được lợi ích chính đáng của người dân sau thu hồi đất.
Góp ý đối với nội dung về thu hồi đất, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, một số quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể; chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Dự thảo luật còn có nhiều vấn đề phức tạp cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi và thực hiện hiệu quả.
Về giá đất cụ thể, đại biểu cho rằng, nếu tính giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất thì tất cả các dự án khi thu hồi đất đều phải xác định giá đất cụ thể trước khi thu hồi. Nếu trong cùng một khu vực cấp huyện nhưng giá đất bồi thường mỗi dự án khác nhau sẽ không công bằng đối với người sử dụng đất hoặc gây khiếu kiện.
Do đó, bà Vân đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng giá tính tiền bồi thường đất nông nghiệp tính theo bảng giá; bồi thường đất ở, đất phi nông nghiệp tính theo giá cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi.
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”. Dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định về hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất” đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW để rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đó là chưa kể đến việc xây dựng bảng giá đất tại các địa phương là quá trình lâu dài, rất phức tạp và khó khăn trong thực hiện. Theo ông Bảo, việc xây dựng bảng giá đất lần đầu theo quy định của dự thảo luật cần cân nhắc khả năng thực tế của địa phương đáp ứng được yêu cầu của luật và chờ các văn bản dưới luật sau khi luật được ban hành.
Việc thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt bảng giá đất… cần thời gian thực hiện, có thể gây lúng túng trong việc áp dụng giá đất theo bảng giá của địa phương do không xây dựng kịp bảng giá đất.
Vì vậy, ông Bảo đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất.
Bên cạnh đó, luật hiện hành chưa có quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, dễ phát sinh tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được. Do vậy, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng bổ sung thêm quy định công bố công khai thông tin kịp thời về giao đất, cho thuê đất hay giao đất cho tổ chức và cá nhân trong quản lý đất đai để đảm bảo thông tin minh bạch đến người dân, doanh nghiệp.
Về vấn đề thứ hai liên quan đến việc hỗ trợ tái định cư, theo đại biểu Lê Minh Hoan, dự thảo luật cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán… của người bị thu hồi đất. Bên cạnh việc bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giúp cho cuộc sống của người bị thu hồi đất tốt hơn.
Đối với quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Đỗ Đức Duy (đoàn tỉnh Yên Bái) cũng cho rằng, dự thảo Luật chỉ có quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân, nhưng chưa có quy định về việc hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ tái định cư. Do đó, dự thảo có quy định đầy đủ, hoàn thiện hơn để người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi di rời.
Bên cạnh đó, dự luật cần xem xét bổ sung thêm quy định về hỗ trợ cho nhóm người bị hạn chế khả năng lao động như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, hộ gia đình nghèo, người già neo đơn… sau khi bị thu hồi đất.