Sau một bữa ăn lẩu cùng bạn, tôi nhận ra 3 sự thật về hôn nhân!

Có người từng nói, hôn nhân giống như ăn lẩu!

Trước khi ăn thì đầy chờ đợi, bảo muốn ăn cái này, muốn ăn cái kia. Lúc ăn thì náo nhiệt, cả phòng đầy ắp người, ồn ào vui vẻ. Nhưng đến khi ăn xong, mọi việc lại như cũ, ai về nhà nấy.

Xét về một khía cạnh nào đó, chân tướng của hôn nhân đúng thật rất giống một nồi lẩu.

1. Chọn nước dùng phù hợp cũng như chọn người. Nước dùng không ngon, đồ ăn coi như phí. Người không hợp, coi như hủy cả đời

Mỗi người đều có một khẩu vị riêng, lúc đi ăn lẩu, có người thì ăn được lẩu kim chi chua cay, có người dù tí vị cay cũng không nuốt nổi…

Sai khẩu vị, dù nước dùng có ngon thế nào cũng vô ích, vì họ không thể ăn được. Hôn nhân cũng vậy, chọn sai người, chỉ phí hoài thời gian và tình cảm.

Ai cũng bảo: “Tìm được người thì lo mà lấy, để muộn có mà ế!” Thế nếu nghe lời các dì, lấy người không phù hợp, khi bản thân họ không hạnh phúc, mấy dì có giúp được gì không? Hay lại tiếp tục đi bàn tán về chuyện gia đình của người ta?

Dì tôi là một người phụ nữ rất lương thiện, nhưng thời xưa, 22 tuổi chưa lấy chồng đã bị xem là “gái ế”. Dì bị ông bà ngoại sắp xếp gả cho một người cùng quê.

Người chồng này của dì rất bất tài, chỉ biết ăn trộm tiền dì đi bán rau để đánh bài, nhậu nhẹt.

Mới hơn 35 tuổi mà tóc dì đã bạc trắng, nét mặt sầu lo, mệt mỏi.

Đến năm ngoái, dì lấy hết can đảm ly hôn. Sau này, dì quen được một chú giao hàng. Chú không giỏi ăn nói, nhưng tình yêu của chú đều thể hiện qua hành động. Những lúc rảnh rỗi, chú thường qua phụ dì dọn hàng, mời khách, mua bánh và hoa tặng cho dì…

Nhờ có chú, dì trở nên trẻ đẹp hơn trước rất nhiều, nụ cười đầy vui vẻ.

Như câu mà Buffett từng nói: “Quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, chính là chọn ai để kết hôn.”

Một nửa kia mà chọn đúng, cả hai sẽ cùng nhau tiến bộ, chọn sai người, chỉ có thể kéo nhau xuống vực sâu.

Sau một bữa ăn lẩu cùng bạn, tôi nhận ra 3 sự thật về hôn nhân! - Ảnh 1.

2. Điều chỉnh gia vị, hòa hợp từ những điều vụn vặt

Gần đây, một cư dân mạng chia sẻ về trải nghiệm mệt mỏi nhất của mình trong hôn nhân:

Hôm nọ, hai vợ chồng họ ra ngoài công tác, người chồng uống say mèm, nên cô ấy phải lái xe. Đi được giữa đường, người chồng liền chỉ trỏ chê vợ mình lái xe không thành thạo.

Người vợ đang mệt, nghe thế liền bực mình nói: “Anh giỏi thì anh lái!”

Người đàn ông đang say cũng hùng hồn: “Lái thì lái!”

Thế là cô ấy vứt chìa khóa lại rồi bỏ đi, không nói câu nào, ngay khi người chồng về cũng chưa thấy vợ đâu. Anh ta cho rằng vợ nhỏ nhen, hay nóng nảy, không biết nhường nhịn.

Một người bạn gọi điện cho cô ấy hỏi thăm, cô ấy mới tủi thân nói, bản thân vì sợ anh ta say rượu lái xe sẽ nguy hiểm nên mới giành lái, cũng sợ anh ta chóng mặt nên lái chậm để anh ta nghỉ ngơi, cô có thể tha thứ việc anh ta uống rượu không chừng mực, nhưng không ngờ anh ta lại chẳng hiểu cô chút nào.

Chồng cô rất dễ khen người khác, nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn người vợ là cô lại chỉ phàn nàn đủ loại khuyết điểm, dù cô cố gắng thế nào…

Vì con cái, cô nhịn anh đã lâu, nhưng chẳng ai chịu hiểu nỗi khổ tâm của cô.

Thực tế, mất 2, 3 năm để xây xong ngôi nhà; nhưng chỉ cần 2, 3 ngày đã có thể phá hủy một gia đình.

Không ai là hoàn mỹ, khi quyết tâm kết hôn, chúng ta nên bao dung khuyết điểm của người bạn đời. Muốn cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc, sự vun đắp tình cảm phải xuất phát từ hai bên, chứ không phải chỉ một người chấp nhận nhịn, một người thì cứ lấn lướt…

Người dù có hiền đến đâu, khi tích tụ quá nhiều điều vụn vặt gây phiền lòng sẽ khiến họ có ngày phải bùng nổ để giải tỏa dồn nén bấy lâu.

Nước lẩu phải biết thêm nguyên liệu thì mới ngon. Hôn nhân phải biết biến điều tầm thường thành niềm vui thì mới tồn tại mãi mãi.

Sau một bữa ăn lẩu cùng bạn, tôi nhận ra 3 sự thật về hôn nhân! - Ảnh 2.

3. Ăn lẩu, mỗi người có một thói quen

Ăn lẩu, có người thích ăn rau mùi, ăn nội tạng, có người lại cực kì ghét chúng…

Nếu muốn mọi người đều có thể ăn uống vui vẻ cùng nhau, nên biết tôn trọng sở thích của đối phương.

Nếu đã hứa sống cùng nhau trọn đời, vậy hãy học cách ghi nhớ và tôn trọn thói quen sinh hoạt của họ.

Rất nhiều cặp vợ chồng mỗi ngày đều cãi nhau chỉ vì những vấn đề nhỏ như:

“Em không thích trong phở có hành, nhưng anh thích ăn hành.”

“Anh thích xem bóng đá thì lên phòng mà xem điện thoại, bây giờ có chương trình mua sắm em thích và đợi từ tuần trước…”

Những vấn đề này tuy nhỏ, nhưng lâu dài sẽ trở thành “tổn thương mãn tính”.

Thực ra, người trưởng thành ai cũng vậy, gặp chuyện to tát lại bình tĩnh vượt qua, nhưng có khi bật khóc chỉ vì chuyện vặt vãnh.

Trong danh bạ bạn bè hiện tại, tôi rất ngưỡng mộ một cặp đôi. Họ cái gì cũng khác nhau, từ sở thích, thói quen đến khẩu vị ăn uống. Tuy nhiên, vì tinh thần sẵn sàng tôn trọng đối phương dù là chi tiết nhỏ nhất. Cuộc hôn nhân của họ đã diễn ra êm đềm và vô cùng hạnh phúc…

Họ cho đối phương không gian, lựa chọn riêng. Không ép đối phương vì mình mà phải từ bỏ yêu thích.

Cả hai cùng nhau nắm tay tìm hiểu, cùng nhau lùi một bước, tạo sự hài hòa nhưng khác biệt, chứ không phải chỉ có sự hy sinh từ một phía.


Empathy

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan