Quay lại đầu tư địa ốc, Tập đoàn Hoa Sen có “đá chéo sân”?

(DĐDN)- Khái niệm đa ngành từng được nhiều doanh nghiệp quy mô tập đoàn coi trọng, hiện đang trở lại với hàng loạt điển hình “đá chéo sân”. Nhưng khác với thời đa ngành tràn lan, những bài học quá khứ khiến các doanh nghiệp giờ đây đã thận trọng hơn rất nhiều.

Một trong những trường hợp mở rộng “đá chéo” năm 2016 được giới chuyên môn đánh giá cao là sự đầu tư của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG-HoSE) vào lĩnh vực bất động sản – du lịch.

Vì sao được đánh giá cao? Câu trả lời nằm ở yếu tố tầm nhìn chiến lược, trong đó có lợi thế đầu tư và mức độ đầu tư.

Nói về chiến lược, Hoa Sen là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tôn thép, dẫn đầu về thị phần tôn (tôn lạnh, tôn mạ, tôn kẽm…) trong cả nước.

Việc một doanh nghiệp vật liệu xây dựng “lấn sân” địa ốc thực tế không “đá chéo sân” một cách quá “trái khoáy” mà nên được gọi là bước mở rộng đầu tư các ngành nghề có liên quan, tận dụng lợi thế đầu tư để phát triển và cạnh tranh, nâng cao sức hỗ trợ bán chéo sản phẩm cho từng ngành hàng đầu tư. Đây là bước đi thông thường mà nhiều tập đoàn về vật liệu xây dựng thường thực thi. Điển hình như Hòa Phát, một “đối thủ” của chính Hoa Sen trên thị trường.

Bản thân Hoa Sen, trong quá khứ, từng đầu tư bất động sản. Hợp tác với Phố Đông để phát triển dự án Phố Đông Hoa Sen, hợp tác với Gemardept để làm cảng biển quốc tế… đều là những bước đầu tư mạnh tay thuở nào cho thấy Hoa Sen có tham vọng ở lĩnh vực địa ốc.

Tham vọng là bình thường nếu không muốn nói là cần có để phát triển mạnh hơn, đặc biệt ở góc độ một doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn “đặt để” cơ hội kinh doanh ở các tài sản lớn, trong một nền kinh tế mà tài nguyên địa ốc đang là tài nguyên có giá.

Nhưng Hoa Sen đã khá sáng suốt và bản lĩnh, khi chấp nhận thoái vốn “đa ngành” khỏi địa ốc đúng thời điểm địa ốc khó khăn. Mặt khác những danh mục đầu tư của Hoa Sen trong lĩnh vực này thực sự cũng chưa bật lên lợi thế hay khác biệt nổi trội so với thị trường về mặt phân khúc, sản phẩm tương lai.

Nói cách khác, nhìn cả một chặng đường dài phát triển của Hoa Sen, sẽ thấy năng lực biết nâng lên, biết hạ xuống, biết “tiến”, biết “lùi” đúng thời điểm.

Có mạo hiểm?

Trở lại với bất động sản, định hướng của Hoa Sen có hai điểm đáng chú ý: 1. Gắn kết đầu tư bất động sản với những địa điểm đầu tư trọng điểm. 2, Chọn phân khúc riêng biệt, phù hợp địa điểm đầu tư.

Cụ thể, Hoa Sen hiện đang có 2 dự án lớn đã “lộ diện”: Khu Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng Hoa Sen Yên Bái và khu căn hộ – khách sạn tại Bình Định.

Với Yên Bái, một chuyên gia phân tích, việc Hoa Sen chọn vùng biên giới Tây Bắc, đang có nhu cầu về hạ tầng cơ sở – văn hóa cao cấp và hướng đi phát triển cần gắn liền với du lịch, là khôn ngoan.

Ở đây, cơ hội với những nhà đầu tư mới luôn lớn hơn so với việc tập trung chạy đua vào địa ốc đại đô thị Hà Nội, TP. HCM với tình trạng quá tải cung – cầu, trùng lặp phân khúc.

Với quy mô đầu tư tổ hợp tại Yên Bái lên tới 1.200 tỷ đồng, ông Vũ cũng thể hiện rõ sự nghiên cứu kĩ lưỡng và quyết tâm tận dụng cơ hội tại đây. Một “trung tâm điều hành phía Bắc” mà Hoa Sen đang thiết kế, cùng với nhà máy sản xuất 3000 tỷ đồng tại Hà Nam theo hướng đó, có thể sẽ hoàn thiện chiến lược “Bắc tiến” ở cả sản xuất lẫn hướng đầu tư mới của Hoa Sen, vị này nói.

Tại Bình Định, Hoa Sen có cam kết đầu tư gắn với địa phương trong tương tác lĩnh vực phổ rộng và phù hợp với ưu thế địa phương. Cần lưu ý Bình Định hiện đang là điểm kết nối của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời đang dẫn đầu vùng du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung.

Phát triển song song sản xuất – bất động sản nghỉ dưỡng, Hoa Sen không bỏ qua các lợi thế vùng. Phân tích sâu hơn, một chuyên gia địa ốc cho biết, việc chọn căn hộ cho nhà đầu tư, chuyên gia, người tiêu dùng và tương tự, khách sạn phục vụ mảng du lịch… của Hoa Sen có xác suất “chắc ăn” và ít chịu tác động của xu thế thị trường bất động sản nói chung.

Như vậy, kể cả trong trường hợp bất động sản có suy thoái trở lại, Hoa Sen cũng không lo mạo hiểm ở cuộc chơi “chéo sân” hay đa ngành trước đây!

Nỗ lực của nhiều doanh nghiệp

Không chỉ Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp cũng đã nỗ lực phát triển đa ngành nghề để mở rộng quy mô, rộng đường tìm cơ hội làm ăn.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng đã có một hành trình xoay chuyển không ngắn đi từ nhà đến chợ nông sản và giờ đây đang đẩy mạnh cả mảng đầu tư dệt may để tự tạo cơ hội cho bản thân. Cái “cốt” Phát triển nhà của Thủ Đức House hiện vẫn đang vững và đi dần vào nội thành, nhưng không thể phủ nhận thành công của Chợ đầu mối Thủ Đức – đơn vị đóng góp tới 27% doanh thu cho Cty năm 2014.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc TDH cho biết thời gian tới, TDH có dự định sẽ mở rộng mảng dệt may bằng việc xây dựng thêm một nhà máy dệt len ở khu dự án Spring Town bên cạnh nhà máy Liên Phương xuất khẩu đồ vest sang châu Âu hiện có. Quy trình sản xuất cũng như tiêu chuẩn sản phẩm sẽ hoàn toàn theo yêu cầu của phía đối tác. Đây có thể xem là hướng đi đón TPP và đồng thời giúp TDH mở rộng đa ngành theo chiều tích cực.

Sẽ rất vội nếu kết luận một chiều về xu thế tìm kiếm cơ hội mới của các doanh nghiệp. Nhưng, động thái chớp cơ hội của doanh nghiệp trong thời kinh doanh mới, xét trên mức độ thận trọng và tầm nhìn chiến lược mà họ đang thể hiện, cũng cần được nhận thức rằng không nên lấy những thất bại của “đa ngành” trong quá khứ để làm thước đo nỗ lực hiện nay và tương lai.

“Tùy thời thế” mà hành động, những bước đi mới của các doanh nghiệp hy vọng sẽ là nền tảng để Việt Nam có thêm những tập đoàn tư nhân quy mô thực sự!

 Lê Mỹ  

 

Tin liên quan