Cần ưu tiên yếu tố văn hoá bản địa
Được mệnh danh là Đảo Ngọc, song theo TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đẹp riêng của mình và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác.
Ông Tùng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản Phú Quốc thời gian gần đây đang khiến hòn đảo này có khả năng mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có và những nét độc đáo trong văn hoá bản địa.
Đồng quan điểm, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam cũng cho rằng, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc hiện nay đang đưa quá nhiều yếu tố văn hoá ngoại lai vào vùng đất này.
Cũng là sự “độc lạ”, hấp dẫn du khách, song các yếu tố này nên tập trung vào văn hoá bản địa, khai thác những nét riêng, độc đáo của Phú Quốc hơn là phát triển các bất động sản ảnh hưởng bởi kiến trúc “ngoại lai”. Dường như các nhà đầu tư chưa thực sự nhạy bén với điều này, ông Nguyên nhìn nhận và cho rằng, nó sẽ ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển của Phú Quốc trong tương lai.
Tính đến nay, Phú Quốc đã thu hút khoảng 16,5 tỷ USD nguồn vốn đầu tư. Phần lớn trong số này đến từ các nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam, đơn cử như Vingroup và Sun Group.
Năm 2014, Vingroup bắt đầu khởi công một số dự án trong siêu quần thể Phú Quốc United Center có tổng mức đầu tư 66.000 tỷ đồng – khoảng 2,8 tỷ USD. Quần thể này nằm ở phía Tây Bắc của Đảo Ngọc, bao gồm các thương hiệu khách sạn từ 3 – 5 sao, công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, Vinpearl Safari, sân gofl 18 hố, Corona Casino 5 sao, thành phố mua sắm giải trí không ngủ Grand World, bệnh viện.
Trong khi đó, Sun Group chiếm ưu thế ở khu vực phía Nam với công viên giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công viên nước và cáp treo vượt biển dài nhất thế giới.
Với sự phát triển nhanh như vũ bão, Phú Quốc hiện có lượng phòng rất lớn lên tới 40.000 phòng khách sạn nếu tính cả các condotel, biệt thự và nhà ở, nhiều hơn cả Sydney.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Phú Quốc đang phát triển “chệch hướng” để có thể thu hút khách du lịch quốc tế. Với khách nước ngoài, họ yêu thích những nét đẹp văn hoá bản địa, nét tự nhiên vốn có của Phú Quốc chứ không phải một thành phố biển “na ná” hoặc giống với bất kỳ thành phố nào.
Thay vì thu hút khách nước ngoài, sự phát triển của Phú Quốc hiện nay đang hướng đến đối tượng khách du lịch cao cấp trong nước. Các điểm đến mới, đẳng cấp quốc tế tại Phú Quốc mang đến cho du khách những dịch vụ tầm cỡ quốc tế, mà không cần phải xuất ngoại.
Dữ liệu từ Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy năm 2019, trong số hơn 5 triệu lượt khách đến Phú Quốc, có tới hơn 85% là khách trong nước.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phú Quốc là đô thị biển đảo đầu tiên của Việt Nam, từ trong quy hoạch phát triển, nơi đây đã được định hướng là thành phố mở, mang tính quốc tế cao, cả về mặt dân số, kinh tế, văn hoá.
Do đó, nếu không phát triển đúng hướng, về lâu dài, Phú Quốc sẽ đánh mất khả năng phát triển trong tương lai.
Ông Phong cho rằng, các dự án bất động sản ở Phú Quốc vẫn thiếu tính bản địa, dân tộc cũng như tính văn hoá mới. Do đó, yêu cầu kiến trúc quy hoạch tại đây cần vừa mang tính quốc tế cao hơn, đa văn hoá hơn cũng như giữ được tính bản địa.
Phú Quốc cần có quy hoạch chung bao quát, những quy hoạch riêng chi tiết và cần có tổ chức đấu thầu ở tầm cao, tránh lắt nhắt, điều chỉnh nhiều lần.
Bên cạnh đó, Phú Quốc cần có chính sách quản lý, cơ chế thu hồi dự án để đảm bảo thị trường bền vững cũng như đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng. Phú Quốc cần được áp dụng các chính sách kinh tế, xã hội ở mức mới và cao nhất cho phát triển.
Phú Quốc cần trở thành thành phố định cư đúng nghĩa
Một vấn đề khác đối với sự phát triển bền vững của Phú Quốc được ông Tùng chỉ ra là Phú Quốc cần được phát triển trở thành một thành phố định cư đúng nghĩa. Nếu chỉ phát triển thuần du lịch, cơ hội của Phú Quốc sẽ rất mong manh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh điều đó. “Ví dụ như Đà Nẵng là một thành phố thuần du lịch, sau tác động của đại dịch thì gần như tê liệt, xơ xác. Đó là thực tế rất đau lòng”.
Do đó, ngoài du lịch, theo ông Tùng, Phú Quốc nên phát triển dân cư. Phú Quốc cần có dòng dịch chuyển dân cư, chứ không chỉ thu hút du khách đến du lịch rồi về. Để cụ thể hóa tiềm năng của Phú Quốc nên có những mô hình, định hướng chiến lược để thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đảm bảo thu hút lượng lớn người dân, đặc biệt là người nước ngoài nhập cư vào Phú Quốc sinh sống.
Điều này là hoàn toàn khả thi. Đại dịch vừa qua đã làm thay đổi hoàn toàn xu hướng của người dân về việc lựa chọn nơi sinh sống. Họ không cần đến cơ quan hàng ngày mà có thể làm việc từ xa.
Do đó, mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế.
Vấn đề đặt ra là khi phát triển đô thị là trọng tâm thì Phú Quốc phải là một cơ thể hoàn chỉnh chứ không chỉ có du lịch. Theo đó, Phú Quốc cần phát triển các dịch vụ tiện ích, xã hội có thể được đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân như bệnh viện, trường học, công viên…, ông Tùng chia sẻ.
Còn theo KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, để hòn đảo này có thể cạnh tranh với nhiều địa điểm hấp dẫn khác trên thế giới thì cần tạo được những đặc điểm riêng với sức hút riêng.
Nếu Phú Quốc muốn phát triển trở thành thành phố đáng sống thì yếu tố môi trường cần được ưu tiên trước tiên. Cùng với đó là yếu tố về sự phát triển kinh tế và văn hoá. Bên cạnh việc phát triển, hội nhập quốc tế, Phú Quốc cần giữ được văn hoá bản địa, nét độc đáo riêng của mình để phát triên bền vững.