Tốc độ lây Covid-19 “khủng khiếp” tại các khu nhà trọ có quy mô dân số bằng cả… toà chung cư!
Trong làn sóng Covid-19 vừa qua, quận Bình Tân là một trong những “điểm nóng” nhất về dịch bệnh tại TP. HCM. Trong giai đoạn cao điểm, hầu hết các phường của Bình Tân đều có ca nhiễm Covid-19. Tính đến cuối tháng 7/2021, quận đã có gần 7.000 ca bệnh, phong tỏa 620 điểm với 30.464 hộ dân, tương đương 66.744 người.
Tại nhiều thời điểm, Bình Tân là quận có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất TP. HCM với số ca nhiễm trung bình từ 300 – 400 ca/ngày.
Đáng chú ý, ông Vũ Chí Kiên, Phó chủ tịch quận Bình Tân, TP.HCM cho rằng, ngoài biến chủng virus mới lây lan nhanh, mật độ dân cư đông đúc với các khu nhà trọ dày đặc chính là nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh bùng phát và khó khăn cho công tác dập dịch.
Theo đó, quận Bình Tân là đơn vị hành chính có dân số cao thứ nhì Việt Nam, sau Thủ Đức. Dân số Bình Tân có 740 nghìn người thì có đến hơn 200 nghìn người là công nhân, người lao động, người buôn bán tự do, bán hàng rong.
Nhu cầu nhà ở của đối tượng này là rất lớn. Để đáp ứng nguồn cầu, loại hình nhà ở phổ biến nhất tại đây chính là các nhà trọ cho thuê. Đây không phải mô hình mới, song nhà trọ tại Bình Tân lại khác nhiều địa phương khác ở mức độ dày đặc.
Theo ông Kiên, tại Bình Tân hiện có tới hơn 8 nghìn nhà trọ với các quy mô khác nhau, là nơi ở của hơn 200 nghìn người lao động.
Các nhà trọ này bên ngoài không khác gì một căn nhà phố thông thường với diện tích từ 150 – 200m2. Tuy nhiên, bên trong lại được chia thành hàng trăm phòng trọ nhỏ với diện tích chỉ từ 10-15m2/phòng. Mỗi phòng trọ thường ở từ 2-4 người.
“Như vậy, với một công trình chỉ tương đương nhà phố, nhà trọ tại đây chứa một số lượng dân cư lên tới, từ 400-500 người – bằng một toà chung cư nhỏ. Mức độ nén dân cư cao khủng khiếp cộng với không gian sống chật hẹp không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân mà còn là nguyên nhân chính gây lây lan dịch bệnh”, ông Kiên nhận định.
Bằng chứng là các khu nhà trọ có mối liên hệ rất lớn giữa bản đồ các ca nhiễm Covid-19. Những khu vực tập trung số lượng nhà trọ lớn luôn có tỷ lệ lây nhiễm nhiều nhất.
Những căn nhà trọ diện tích nhỏ, khả năng tiếp xúc cao, lưu thông không khí kém là môi trường tốt cho dịch bệnh bùng phát. Tại một số khu nhà trọ, từ một ca nhiễm đầu tiên sau, chỉ sau nửa tháng, các ca nhiễm lây lan rất nhiều, thậm chí, có tới 2/3 người trong khu nhà trọ đã bị lây nhiễm, ông Kiên nói.
Từ thực trạng nhà trọ cho công nhân, người lao động tại các khu đô thị, Phó chủ tịch quận Bình Tân cho rằng, rủi ro của mô hình này đối với việc phát tán dịch bệnh trong hiện tại và tương lai là rất lớn.
Không chỉ dịch bệnh, những căn nhà trọ siêu nhỏ, tự phát tại các thành phố lớn, khu công nghiệp còn ảnh hưởng tới an sinh xã hội cho người dân. Theo TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội – Social Life, trong thời gian dịch bệnh, rất nhiều người lao động đã quyết định hồi hương khi họ bị mắc kẹt suốt thời gian dài không có thu nhập, khả năng cầm cự đã cạn.
Hy vọng sẽ tìm được một công việc mới sau dịch không đủ để giữ chân người lao động ở lại đô thị. Do đó, sắp tới các doanh nghiệp muốn thu hút lực lượng lao động từ địa phương trở lại thành phố, cần có chính sách về nhà nhà ở cho người lao động để giữ chân họ ở lại, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân chứ không phải chỉ là một nơi ở trọ tạm bợ thông thường, ông Lộc nhận định.
Cần sớm xây dựng chương trình phát triển nhà ở cho người lao động
Tại tọa đàm “Thành phố cho mọi người: Nhân văn, sống khỏe và bền vững” do Công ty Tư vấn quốc tế EnCity tổ chức, nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định rằng, vượt qua tất cả những thách thức do Covid-19 mang lại, đây chính là thời điểm mang tính bước ngoặt để đề ra những quyết sách trong quy hoạch thành phố và chuẩn bị tốt hơn cho cộng đồng người lao động thu nhập thấp trước những bất ổn của tương lai.
Các chương trình phát triển nhà ở này sẽ góp phần định hình lại các thành phố để trở nên bền vững, hòa nhập và lành mạnh hơn cho các thế hệ sau.
Theo ông Kiên, Chính phủ cần có chủ trương phát triển các khu vực cư trú, nhà ở cho công nhân một cách bài bản, đảm bảo được điều kiện sống cơ bản cho họ và phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với chiến lược phát triển nhà ở cho người lao động như nhà ở thu nhập thấp hay nhà ở xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, hấp dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Thời gian vừa qua, khi đặt ra mục tiêu phát triển nhà ở cho công nhân, ngay bản thân các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã cảm thấy không hấp dẫn và không mang lại lợi ích kinh tế. Chính vì vậy, hoạt động phát triển nhà ở cho công nhân đã bị thả nổi và dồn gánh nặng lên các khu nhà trọ.
Chính vì vậy, Chính phủ cần đặt trách nghiệm cho các chủ đầu tư khu công nghiệp ngay từ đầu về việc xây nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính, các gói vay ưu đãi lãi suất để giúp người lao động sớm sở hữu nhà ở.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Quy hoạch và nghiên cứu thị trường, Capital House Group cũng cho rằng, nếu có sự hỗ trợ từ các gói vay ưu đãi của Chính phủ, người lao động sẽ có cơ hội để sở hữu nhà ở cho riêng mình.
Ông Lâm tính toán, người lao động chỉ cần bỏ ra 15% trên tổng thu nhập cho nhà ở/tháng là đã có thể mua được một căn nhà ở xã hội.
Tại TP. HCM, thu nhập của một công nhân khoảng 10 triệu đồng, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 20 triệu đồng. Với mức thu nhập này, họ có thể mua một căn nhà ở giá từ 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng theo cách trả trước 200 triệu, số còn lại vay ngân hàng trong vòng 15-20 năm với lãi suất thấp, mỗi tháng trả lãi ngân hàng từ 2 – 3 triệu đồng. Đây là bài toán hoàn toàn khả thi đối với người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, vấn đề hiện nay là nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà xã hội tại TP. HCM và các đô thị lớn rất thấp, còn thiếu quá nhiều, mới chỉ đạt 28% so với nhu cầu. Sau Covid-19, nhu cầu này càng bị đẩy lên cao khiến bài toán xây dựng nhà ở cho người lao động càng trở nên cấp bách.
Chương trình nhà ở này hiện cần phải tháo gỡ rất nhiều vướng mắc. Thứ nhất, theo quy định, trong các đô thị trên 2ha tại các thành phố lớn, chủ đầu tư phải dành 20% cho nhà ở xã hội. Cơ chế chính sách, quỹ đất, cho nhà ở xã hội đã được quy định rõ ràng, song để triển khai là không đơn giản. Các địa phương phải chuẩn bị quỹ đất ngay từ giờ nếu không sẽ không có quỹ đất cho nhà ở xã hội.
Thứ hai là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Thứ ba là nguồn vốn, đây là vấn đề rất quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án và người dân tiếp cận với nhà ở.
Thứ tư, Chính phủ cần có cơ chế cho chủ đầu tư các khu công nghiệp mua hoặc thuê luôn cả dự án nhà ở để bán hoặc cho người lao động thuê lại. Hiện nay, nhà nước vẫn chưa có cơ chế này nhằm gắn trách nghiệm cho doanh nghiệp và giúp người lao động ổn định cuộc sống, ông Lâm nhận định.
Còn đối với việc phát triển nhà cho thuê, ông Kiên cho rằng, trong tương lai gần, nhà trọ vẫn là giải pháp nhà ở không thể khác. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao phát triển được những nhà trọ có chất lượng tốt, điều kiện sống tốt hơn cho người dân nhằm giúp nâng cao chất lượng sống và đề phòng rủi ro, trước mắt là dịch bệnh Covid-19 và sau là các dịch bệnh khác trong tương lai.
Hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu xây dựng nhà trọ để kinh doanh cho thuê. Song, các cơ quan quản lý cũng chưa có hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể cho một căn nhà trọ, người dân hầu hết đều tự do xây dựng.
Do đó, các nhà trọ thường có chất lượng rất thấp, mật độ dân cư cao, đông đúc. Trong thời gian tới, những không gian nhà trọ này cần được thay đổi nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người lao động, ông Kiên nhấn mạnh.