Cha mẹ là cái gốc của con cái, là tấm gương để trẻ em theo gương mà học tập. Do vậy mà những ông bố, bà mẹ có kiến thức khoa học lẫn xã hội vững vàng, cộng với kinh nghiệm sống phong phú sẽ là những cố vấn tuyệt vời để truyền đạt những điều hay ho, thú vị cho con cái của mình.
Việc giáo dục trẻ một cách khoa học, khéo léo ngay từ khi còn bé giúp con vững vàng hơn trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Các bậc cha mẹ cần phải có phương pháp, định hướng đúng đắn cho mỗi đứa trẻ của mình.
Theo Eevi Jones, tác giả chuyên viết sách về trẻ em, có rất nhiều bài học kinh doanh bạn có thể dạy cho con mình ngay từ khi chúng còn nhỏ. Có những định hướng từ sớm sẽ giúp chúng có một tương lai tươi sáng.
“Tôi là một người mẹ và cũng là một doanh nhân. Tôi luôn giữ những suy nghĩ về việc làm thế nào để khác biệt so với những người khác, và đó là cách giúp tôi đạt được một sự nghiệp thành công. Tôi cũng có những trăn trở rằng làm thế nào để giáo dục cho con những suy nghĩ đó ngay từ khi chúng còn nhỏ”, Eevi Jones chia sẻ. Dưới đây là ba bài học Eevi Jones đã dạy cho đứa con 5 tuổi của cô, thậm chí trước con bắt đầu đi học mẫu giáo.
1. Khám phá tiềm năng lớn của tập thể
Cha mẹ thường đánh giá cao những thành tựu cá nhân của con nhỏ và nói những câu như “Con giỏi quá!” để khích lệ bé làm tự mình làm việc gì đó.
Tuy nhiên, trong thế giới doanh nhân, như người ta thường nói, “Thủy triều dâng đẩy tất cả thuyền”. Thực tế là “chúng ta” thì quan trọng và có sức mạnh hơn là từng cá nhân riêng lẻ. Tiềm năng của chúng ta không bị giới hạn bởi những gì chúng ta đạt được một mình. Thay vào đó, nó được xác định bằng cách chúng ta bổ sung, đóng góp và hưởng lợi từ nhau, và từ những người xung quanh.
Do vậy, thay vì chỉ ca ngợi và nhấn mạnh những thành tựu cá nhân, sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau nên được khuyến khích và bồi dưỡng sớm cho trẻ nhỏ. Những đứa trẻ của chúng ta có thể đạt được tiềm năng lớn nhất bằng cách giúp đỡ người khác và hòa đồng với tập thể.
2. Dám dũng cảm
Doanh nhân là người thường xuyên phải đối mặt và chấp nhận những rủi ro. Chấp nhận rủi ro không có nghĩa là chúng ta không sợ hãi, chỉ là chúng ta dám dũng cảm để đương đầu với thất bại. Hãy để cho những đứa trẻ của bạn biết rằng sợ hãi cũng không sao, nhưng hãy vượt qua nỗi sự hãi và tiến lên phía trước dù thế nào đi chăng nữa. Vượt qua vùng an toàn là cách để khám phá những giới hạn của bản thân và trưởng thành hơn.
Đừng để những nỗi sợ rằng mình không đủ tốt, không đủ khả năng hay không thông minh cản trở chúng ta tiếp tục theo đuổi mục tiêu và ước mơ của mình. Nếu những suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí của trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, thì chúng sẽ càng sớm hiểu rằng bản thân chúng có sức mạnh để vượt qua mọi nỗi sợ hãi.
3. Kiên trì và không bỏ cuộc
Một trong những lý do khiến các doanh nhân có thể liên tục thúc đẩy và phát triển bản thân lên một tầm cao mới là do họ là những người tự khởi nghiệp và có động lực lớn. Miễn là chúng ta không bỏ cuộc, thì chúng ta sẽ không thực sự thua cuộc.
Truyền tinh thần lạc quan này cho trẻ là một trong những món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng cho con cái của mình. Điều này sẽ giúp những đứa trẻ của chúng ta suy nghĩ sáng tạo và tích cực hơn khi đối mặt với những thất bại, cũng như thay đổi cách chúng nhìn nhận và suy nghĩ về những thách thức trong cuộc sống. Bài học này sẽ theo chúng suốt đời và thay đổi cuộc sống của chúng.
Thay vì nói “Tôi không thể làm điều này” hoặc “Điều này quá khó”, hãy dạy trẻ một cách tiếp cận lạc quan bằng cách nói “Tôi có thể tìm ra điều này” và “Vấn đề này có một giải pháp.” Dạy trẻ kiên trì và mài giũa từ sớm sẽ giúp các bạn nhỏ nhận ra rằng không có gì trong cuộc sống thực sự phức tạp đến thế, chỉ cần cố gắng thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết.
Theo BI