NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 1.

40 năm – một chặng đường dài, nếm đủ bi ai lẫn thơm ngọt của sân khấu kịch nói. Nếu cho một lần được chọn lại, bà có chọn lối đi khác không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chọn lại, bởi sân khấu là cuộc đời tôi.

Khi chúng tôi hoá thân trên sân khấu, nhìn xuống khán giả, thấy người ta mê mẩn theo dõi từng diễn biến, hả hê cười khóc thì mọi thứ đều trở nên vô cùng đáng giá. Dù khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả chỉ là mấy bậc thang, nhưng khi tấm màn nhung được kéo lên thì tất cả dường như cùng hòa làm một, cùng thấu cảm những ái ố của cuộc đời. Sự rung cảm kết nối ấy chính là món quà giá trị nhất mà người nghệ sĩ được trao tặng.

Sân khấu, với tôi là định mệnh. Ở đó tôi dần lớn lên, có vai diễn đầu đời, có sự nghiệp, có những phút thăng hoa và có cả những khổ đau sâu lắng.

Những phân cảnh trong vở kịch Chí Phèo – Thị Nở

Để có thể đứng trên sân khấu bền bỉ chừng ấy năm, hẳn bà đã phải hi sinh rất nhiều thứ?

Kịch nói đối với tôi là cơ duyên lớn nhất, là sự hi sinh xứng đáng nhất!

Kịch nghệ như một tấm gương phản chiếu sức sống mạnh mẽ của xã hội. Trên sân khấu, tôi tìm thấy hình bóng cuộc đời của mình, và cũng may mắn tìm thấy sự hi vọng, nguồn cảm hứng qua từng cuộc đời nhân vật.

Bước qua tấm màn nhung, phúc phần tôi nhận được quá nhiều. Có rất nhiều người nhận ra tôi, bày tỏ sự yêu quý, mến mộ với tôi và những nhân vật tôi từng hóa thân. Thậm chí, có bác gái luống tuổi, nắm chặt tay tôi, rưng rưng “thương lắm, cô Nở ơi”…

Hạnh phúc vậy sao gọi là hi sinh!

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 3.

Tôi nghiệm ra rằng, chính việc hóa thân vào nhiều nhân vật, trải qua nhiều tình cảnh éo le, sống những phận người quẫn bách nhưng luôn ấp ủ một khát vọng vươn lên, đã cho tôi sức mạnh, niềm tin và hy vọng để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

2009 – năm của những bất an và xáo động khi tôi phát hiện mình mắc trọng bệnh. Dù cho thời gian điều trị kéo dài kèm theo những cơn đau đớn giày vò, tôi vẫn khát khao trở lại sân khấu, muốn tiếp tục được “cháy” hết mình với từng vai diễn. Và có lẽ, chính tình yêu nghề mãnh liệt đó đã  cổ vũ, khích lệ, nâng đỡ tôi qua những ngày gian khó ấy. 

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 4.

Mê đắm đến vậy, nhưng đã bao giờ bà cảm thấy cô đơn, cảm thấy bất lực giữa hào quang và góc tối sân khấu chưa?

Nghệ sĩ có trăm nghìn nỗi cơ cực không tên, nhưng tôi nghĩ nỗi đau lớn nhất của người nghệ sĩ là khi bộ môn nghệ thuật mà họ đam mê dần thưa vắng khán giả. Sân khấu không còn là món ăn tinh thần hấp dẫn, bị khán giả dần quay lưng, quên lãng. Tôi trăn trở nhưng lấy đó là động lực để sáng tạo. Để vở kịch sau phải hay hơn, dụng công hơn vở kịch trước.

Những nỗi niềm chất chứa với nghiệp diễn khiến tôi đôi khi cảm thấy cô đơn, nhưng không cô độc, vì bên cạnh luôn có chồng con, có cộng sự, có lớp lớp thế hệ sau… những người luôn một lòng đau đáu với nghề.

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 5.
NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu 1
NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu 2

Những phân cảnh đầy cảm xúc trong vở kịch “Cây tre thần”

Dù mang nhiều giá trị nhân văn nhưng nghệ thuật sân khấu ngày càng thu hẹp, bất chấp nỗ lực của nghệ sĩ và những người yêu nó. Từ góc độ người làm nghề bà có thể chia sẻ nguồn cơn của hiện thực đáng buồn này?

Cuộc sống ngồn ngộn những chất liệu dành cho nghệ thuật và sân khấu, vì vậy nếu một tác phẩm sáo mòn, trước hết đó là lỗi của người làm ra nó. Khi sân khấu không chảy cùng nhịp với cuộc đời thì tự khắc tuột mất khán giả. Sự sáo mòn và rập khuôn đã khiến sân khấu mất đi sức hấp dẫn. Khán giả rất tinh tường, họ sẽ ngay lập tức nhận ra và rời bỏ những vở kịch gượng gạo, không thực tế.

Kịch nói cũng giống như văn học, có những tác phẩm sẽ sống mãi với thời gian, nhưng để đưa nó đến gần hơn với khán giả đương đại, cần không ngừng thổi vào đó nguồn sinh khí mới. Sân khấu Lệ Ngọc đã và đang nỗ lực làm việc ấy, đưa khán giả quay trở lại với kịch trường bằng cách tự làm mới những vở diễn của mình.

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 7.

Sự “làm mới” ấy được thể hiện như thế nào, thưa bà?

Cha tôi dạy rằng: Đời sống là mạch ngầm sâu nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật mượt mà, đáng nhớ đáng thương thật sự phải bắt nguồn từ những gì tinh túy, bình dị nhất của đời sống. Kịch nói cuốn hút nhiều người không chỉ vì nó là sân khấu với ánh đèn màu rực rỡ, hoa lệ, với kỹ nghệ diễn giỏi, nói hay… mà còn vì nó là cuộc đời.

Chúng tôi làm sống động những trang kịch bản bằng việc đưa vào đó những chi tiết thực của cuộc sống và nhập vai bằng trải nghiệm, vốn sống của chính mình. Là người nghệ sĩ, chúng tôi luôn quan sát đời sống quanh mình, kiên trì nhặt nhạnh, bòn đãi từ bãi cát cuộc đời ra những hạt bụi vàng lấp lánh.

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 8.

Có người nói rằng nghệ thuật sẽ chết nếu không được người trẻ tiếp nối. Bà đã làm gì để đưa thế hệ kế cận lên sân khấu chính kịch của mình?

“Tre già, măng mọc”, đó là quy luật tự nhiên. Tâm nguyện của tôi khi tạo dựng sân khấu xã hội hoá này là mong tìm được người kế cận. Là người đi lên từ các vai phụ khi còn nhỏ, tôi hiểu khao khát làm nghề của các bạn trẻ. Trên sân khấu của Lệ Ngọc, các vai diễn dù chính hay phụ đều được đầu tư về đất diễn cũng như tính cách, để mỗi em có cơ hội thể hiện và hoàn thiện mình hơn.

Đối với nghề nghiệp, tôi luôn đặt ra những yêu cầu cao và kỹ lưỡng đến mức gần như cực đoan. Nên  từ lúc rón rén chạm ngõ sân khấu, tôi đã mua một cái chum để luyện giọng. Tôi tự úp mặt mình vào đó, lắng nghe giọng nói của mình, nhắm mắt cảm nhận chất giọng, cung, quãng… rồi tự điều chỉnh, tìm ra biểu cảm tốt nhất. Đến giờ, tôi vẫn lấy đó làm bí quyết riêng, và khuyên các em thử áp dụng, kiên trì rèn luyện bản thân từ những thứ nhỏ nhất. “Ngọc có mài mới sáng” chưa bao giờ sai đối với người làm nghệ thuật.

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 9.

Được biết thời gian tới đây, bà đưa các vở kịch Nam tiến. Điều gì khiến bà dám có quyết định táo bạo vậy?

Tôi vẫn tin người miền Nam có được sự hào sảng từ thủa mang gươm đi mở cõi, và tấm lòng rộng mở với nghệ thuật sân khấu nước nhà. Họ sẵn sàng bao dung, hồ hởi thu nạp những tác phẩm giá trị và cũng chẳng ngại phũ phàng quay gót với những thứ hời hợt giả danh nghệ thuật.

Trước đây tôi cũng từng đưa kịch của mình vào Nam và nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả. Tôi tin vào chất lượng tác phẩm của mình và lao động nghệ thuật của cả tập thể. Các vở kịch sân khấu Lệ Ngọc mang vào lần này là Hoa Sen Lửa, Tình bạn và Công lý, Cây Tre Thần – phóng tác từ truyện cổ tích Cây tre trăm đốt cho các bạn nhỏ và Chí Phèo – Thị Nở, phỏng theo tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

“Thị Nở – Chí Phèo” từ lúc khởi công dàn dựng tháng 1-2019 đến nay đã có gần 100 đêm diễn cháy vé, được khán giả miền Bắc đón nhận nồng nhiệt.

“Hoa Sen Lửa” ,”Tình Bạn và Công Lý” – hai vở kịch thấm đẫm hơi thở của thời đại khi thể hiện góc nhìn nội tâm của những người chiến sĩ công an nhân dân. Một vở kịch mà những người tốt, những việc làm tử tế đã chiến thắng được những thế lực đen tối trong xã hội.

Các em nhỏ và chắc chắn là cả người lớn sẽ đều yêu thích “Cây tre thần”. Cái hay của người đạo diễn và các diễn viên là không đóng khung vở vào câu chuyện “thiện-ác” mà còn lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường, gửi gắm giá trị nhân văn thông qua hình ảnh cây tre – biểu tượng của người Việt Nam mình.

NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu - Ảnh 10.
NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu 3
NSND Lệ Ngọc: Người miệt mài “đãi cát tìm vàng” để giữ lửa sân khấu 4

Chiều sâu nội tâm của người chiến sĩ Công an nhân dân được thể hiện đa dạng trong vở kịch “Hoa sen lửa”

Vậy với bà, niềm tin vào khán giả đáng giá như thế nào?

Tôi chọn tin vào nghệ thuật, tin vào sức mạnh văn hóa nguồn cội, tin vào những gì mình đã lựa chọn. Vì vậy, tôi cũng trao niềm tin ấy vào khán giả của mình.

Tôi luôn tâm niệm rằng người Việt như con cá hồi biết rạch nước quay về nơi nó sinh ra. Dù có ăn sơn hào hải vị món ngon bốn biển nhiều thế nào, cũng có ngày nhớ đến mâm cơm dưa cà tương mắm hồn hậu, giản dị nghĩa tình. Tôi như người đầu bếp, không chỉ cố gắng giữ gìn món ăn nguyên hương đúng vị mà còn nghĩ cách để nó ngon hơn, đậm đà hơn, người đi xa quay về nhớ mãi. Đó là trách nhiệm mà tôi tự nguyện gánh vác.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!


Song Lang

Tin liên quan