Nỗi niềm của người cho thuê khi nghe tin đánh thuế căn hộ thuê

“Cho thuê căn hộ nhiều khi cũng chua lắm em ơi, đặc biệt là trong mùa dịch này nữa…”, chị Th, ngụ Q.12 – người có một số căn hộ đang cho thuê bày tỏ nỗi lòng. Nhất là khi thông tin đánh thuế căn hộ đang “rộ lên” thì NĐT này đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất, điều này sẽ gây nhiều khó khăn đối với người cho thuê căn hộ, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Người thuê nhà bị ảnh hưởng công việc, mất việc thường có xu hướng không thuê nữa, hủy ngang hợp đồng. Trong trường hợp người thuê nhà trả nhà, người cho thuê phải mất chi phí cải tạo lại nhà với chất lượng chỉn chu mới có thể cho thuê tiếp được. Thêm vào đó, người cho thuê còn mất một khoảng phí cho môi giới,… tạo nên áp lực đối với người cho thuê căn hộ.

“Khi ký hợp đồng thuê một năm, người cho thuê phải trả phí môi giới 1 tháng rồi, hiện tại dịch bệnh người thuê rất dễ hủy ngang hợp đồng thuê. Xem như phí môi giới vẫn mất, chưa kể là phải xem xét mức hư hại rồi tốn chi phí sữa chữa căn nhà nữa”, chị Th chia sẻ.

Thứ hai, nếu thu thuế, bắt buộc người cho thuê nhà phải tăng giá căn hộ để đảm bảo được mức thu nhập. Điều này gây khó cho cả hai bên thuê và cho thuê khi vô tình giá nhà bị đẩy lên cao. Nhất là vào những thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, người thuê nhà rất mong muốn có được nhà ở với mức giá vừa phải.

Thứ ba, việc thu thuế này vô tình khiến nhiều người trở nên e dè hơn trong việc đầu tư căn hộ cho thuê. Bởi, trước quá nhiều chi phí và tình hình khó khăn như hiện nay, người mua nhà muốn thuê nhà với giá rẻ, người cho thuê muốn sớm có khách thì việc tốn thêm chi phí cho thuế đã tạo nên nhiều bức xúc, bất cập. Nói rộng ra, rất có thể ảnh hưởng đến thị trường BĐS hiện nay.

Cục Thuế Tp.HCM vừa đề xuất quản lý thu thuế hoạt động cho thuê văn phòng, căn hộ chung cư, mặt bằng kinh doanh trong chung cư và dự kiến thí điểm tại hàng loạt chung cư, cao ốc tại Quận 11. Cụ thể, những đối tượng được đề xuất thu thuế là các cá nhân, tổ chức cho thuê căn hộ, cho thuê nhà ở, cho thuê mặt bằng kinh doanh tại các chung cư; các cá nhân tổ chức trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong khu vực chung cư; cá nhân, tổ chức cho thuê văn phòng.

Theo đó, cơ quan thuế sẽ làm việc với ban quản trị chung cư để cung cấp danh sách các hộ cho thuê căn hộ, các hộ trực tiếp kinh doanh tại chung cư, phối hợp với công an khu vực, rà soát danh sách khai báo tạm trú, tạm vắng để tuyên truyền cho các chủ căn hộ có cho thuê nhà, căn hộ kê khai, nộp thuế cho thuê thông qua ban quản trị chung cư…

Thông tin này ngay lập tức nhận được những phản ứng “trái chiều” từ các cá nhân, tổ chức. Trong đó, đa phần bày tỏ sự quan ngại của chính sách này, khi mà phần thiệt hại đang nghiêng về phía người có tài sản cho thuê. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều khó khăn thì chính sách này đưa ra đang được người đặt câu hỏi: liệu có phù hợp?

Thực tế thì, thị trường cho thuê đã trải qua nhiều khó khăn trong thời gian qua, bên cạnh những tác động của dịch Covid-19 thì lợi tức cho thuê căn hộ có xu hướng giảm nhiệt khi sức cạnh tranh trên thị trường cho thuê càng lớn. Điều này đã gây khó khăn cho những NĐT đầu tư căn hộ cho thuê. Hiện tại, theo các chuyên gia trong ngành chính sách này chưa tác động rõ nét nhưng những lo ngại trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra. Rồi việc NĐT căn nhắc để mua căn hộ cho thuê là khó tránh khỏi.

Trong khi giá căn hộ liên tục leo thang nhưng giá cho thuê lại không tăng mà thậm chí còn giảm xuống mạnh, đặc biệt là so với trước dịch Covid-19. Theo ghi nhận chung, những tác động từ đại dịch Covid-19, giá cho thuê căn hộ tại Tp.HCM đã giảm khoảng 30-40%, thậm chí một số khu vực giảm đến 50%. Điều đáng nói, dù chủ nhà giảm giá mạnh nhưng tỷ lệ bỏ trống vẫn chiếm khoảng 30 – 40%. Đã có không ít NĐT vay ngân hàng để mua căn hộ cho thuê và chấp nhận bán tháo, bán lỗ để giải chấp ngân hàng.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng khiến tình hình cho thuê căn hộ theo dạng officetel, hay mặt bằng nhà phố càng trở nên khó khăn hơn. Ghi nhận chung, hầu hết các doanh nghiệp, chủ các nhà hàng, kinh doanh hiện nay đều điều tiết để cắt giảm chi phí, không mở rộng văn phòng, chi nhánh. Khi mà tình hình cho thuê chưa khởi sắc, những chính sách “siết” ra đời lại càng tạo thêm áp lực cho các NĐT có tài sản cho thuê.

Tin liên quan