Những thương vụ “bom tấn” chuyển nhượng quỹ đất, dự án lớn của Novaland, Vinhomes, Nam Long,…và hàng loạt đại gia khác

Điều dễ nhận thấy là những quỹ đất lớn này chủ yếu nằm ở các khu vực vùng ven Tp.HCM và Hà Nội đều được các “ông lớn” địa ốc thâu tóm. Đồng thời, đã có nhiều dự án lớn được phát triển thành công từ các thương vụ chuyển nhượng này như Aqua City (Đồng Nai), và thời gian sắp tới rất có thể là Dự án Đại An ở Hưng Yên, Waterfront ở Đồng Nai hay Bắc An Khánh ở Hà Nội…

Theo báo cáo chiến lược vừa mới công bố của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhiều thương vụ chuyển nhượng quỹ đất, dự án lớn đã diễn ra trong giai đoạn 2019-2020.

Một điểm đáng chú ý là các thương vụ thâu tóm quỹ đất phát triển dự án đại đô thị hầu hết ở vùng ven. VCSC cũng nhận định, các giao dịch M&A quỹ đất/dự án giữa các chủ đầu tư sẽ gia tăng. Việc cấp phép dự án mới bị hạn chế cùng với giá đất tăng nhanh đã cho phép các chủ đầu tư có quỹ đất lớn thoái vốn một phần các dự án để ghi nhận lợi nhuận (đơn cử như Novaland và DIC Corp) hoặc bán một phần cổ phần trong các dự án để cùng phát triển với đối tác (đơn cử như Vinhomes và Nam Long).

Trong giai đoạn 2 năm qua (2019 – 2020), hàng chục thương vụ chuyển nhượng quỹ đất đang và đang tiếp tục diễn ra. Có thể kể đến như Vinhomes đã hoàn tất thâu tóm dự án Khu đô thị Đại An tại Hưng Yên. Giá trị thương vụ ước tính 3.100 tỷ đồng. Quy hoạch chi tiết khu đất phát triển dự án này với quy mô khoảng 294ha thuộc địa phận Hưng Yên, quy mô dân số khoảng 42.000 người, tiếp giáp các trục đường huyết mạnh kết nối vùng Thủ đô như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 3,5, nằm cùng khu vực các đại đô thị lớn Ecopark và Vinhomes Oceanpark.

Những thương vụ “bom tấn” chuyển nhượng quỹ đất, dự án lớn của Novaland, Vinhomes, Nam Long,…và hàng loạt đại gia khác - Ảnh 1.

Bên cạnh việc hoàn tất thâu tóm quỹ đất này, theo VCSC thì Vinhomes cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng nhiều thương vụ lớn cho các đối tác như thương vụ bán quỹ đất ở Vinhomes Grand Park giai đoạn 2 cho Mitsubishi và Nomura Real Estate. Giá trị thương vị ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ chuyển nhượng giai đoạn 3 Grand Park cũng cho Mitsubishi, Nomura Real Estate (giá trị thương vụ ước tính 12.100 tỷ đồng) và Masterise Home (giá trị thương vụ ước tính 5.600 tỷ đồng); Chuyển nhượng cao ốc văn phòng 37 tầng ở Liễu Giai (Hà Nội) cho CapitaLand (giá trị thương vụ ước khoảng 6.800 tỷ đồng).

Không chỉ Vinhomes, mà hàng loạt đại gia BĐS khác cũng đã kích hoạt nhiều thương vụ bom tấn trong giai đoạn này. Đơn cử như Novaland đã thực hiện 3 thương vụ thâu tóm quỹ đất lớn gồm: Dự án Aqua City tại Đồng Nai từ Donacorp với giá trị ước tính 3.200 tỷ đồng, Aqua Riverside City tại Đồng Nai từ Donacorp với giá trị ước tính 2.000 tỷ và Phoenix Island cũng ở khu vực này từ DonaCorp. Bên cạnh đó, Novaland đã bán Harbor City tại Quận 8 với giá trị 3.800 tỷ và Projeck K ở Quận 4 với giá trị 200 tỷ.

Vinaconex mua lại từ Phú Long phần còn lại (50%) tại dự án Bắc An Khánh; Đất Xanh thâu tóm quỹ đất khoảng 90ha để phát triển dự án Gem Sky World ở Đồng Nai với giá trị khoảng 3.200 tỷ; An Gia cũng mua lại một quỹ đất ở Bình Chánh từ Năm Bảy Bảy và CII.

Ngoài ra còn có Nam Long cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện thương vụ chuyển nhượng quỹ đất tại dự án Waterfront (Đồng Nai) với Hankyu Realty với giá trị ước tính 2.400 tỷ và Đảo Đại Phước (đối tác và giá trị không được tiết lộ).

Những thương vụ “bom tấn” chuyển nhượng quỹ đất, dự án lớn của Novaland, Vinhomes, Nam Long,…và hàng loạt đại gia khác - Ảnh 2.

Cũng theo VCSC thì DIG Group cũng đang đàm phán bán cho Him Lam quỹ đất ở đảo Đại Phước, Phát Đạt cũng đang đàm phán bán quỹ đất ở Quy Nhơn cho DKRA.

Trong báo cáo chiến lược năm 2021 của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho thấy hầu hết các thương vụ chuyển nhượng quỹ đất, dự án lớn đều thuộc về các ông lớn địa ốc như Novaland, Vinhomes, Nam Long, Phát Đạt, Him Lam…Theo VCSC, các khu vực vùng ven xung quanh TP. HCM và Hà Nội ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của thị trường nhà ở.

Với những kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc và cơ sở hạ tầng liên tỉnh, các sản phẩm bất động sản tại các khu vực vùng ven đang thu hút người mua nhà và nhà đầu tư do (1) giá BĐS tại TP. HCM và Hà Nội đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm 2 chữ số trong 3 năm qua và (2) trì hoãn thủ tục cấp phép các dự án tiếp tục hạn chế nguồn cung mới ở các thành phố – đặc biệt là ở TP. HCM.

Vì thế, đơn vị này dự báo các đô thị vùng ven tiếp tục dẫn dắt đà phát triển thị trường trong bối cảnh nhu cầu nhà ở duy trì tích cực.

Tin liên quan