“Pháp Ngôn” là cuốn sách ra đời từ triều đại nhà Hán, trong sách có câu: “Lời nói, cũng là tiếng lòng.”
Lời nói là âm thanh của suy nghĩ, là tiếng nói bên trong của một người, nó giúp chúng ta hiểu thêm về nội tâm của một người.
Từ đó, có thể đánh giá được sơ bộ nhân phẩm của họ, xem họ có đáng để kết giao hay không?
Những người có phẩm hạnh kém, mở miệng không bao giờ thiếu 3 loại lời nói sau. Nếu thấy xung quanh có người như vậy, bạn nên cẩn thận sớm:
1. Người bịa chuyện để nói lời nhàn thoại
Nói chuyện phiếm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người.
Bởi vì mỗi ngày họ trôi qua quá tẻ nhạt, nên chỉ biết dùng chuyện của người khác, “thêm mắm dặm muối” cho hấp dẫn rồi bàn tán sau buổi cơm chiều.
Đặc điểm chung của những người thế này là không bao giờ thấy được điểm tốt của người xung quanh, bởi vì họ thích dùng ác ý của bản thân để nghĩ về người khác.
Khả năng “nổi bật” của họ là “thêm dầu vào lửa”, không thích thấy người ta sống tốt hơn mình, nên mới soi mói người khác và dùng cách nói xấu để che lấp sự ghen tị trong lòng mình.
Nhưng đến khi bị vạch trần thì họ lại lấy lý do rằng bản thân “thẳng tính”, có sao nói vậy để che giấu sự xấu tính đó.
Họ chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không bao giờ nhận ra sự nông cạn, vô văn hóa của mình.
Đức Phật từng nói: “Quản tốt chính mình, là Phật; quản chuyện người khác, là ma.”
Những người suốt ngày nhìn chằm chằm cuộc sống người khác sẽ chẳng thể nào khá lên nổi, chỉ khiến bản thân trở nên hẹp hòi và thiển cận thêm.
2. Xúi giục, ly gián người khác
Nơi có người, ắt có thị phi.
Câu này chẳng sai bao giờ. Chỉ với một tin tức, mà biết bao nhiêu người bàn từ đầu xóm đến cuối xóm. Câu chuyện đơn giản bị đồn thành phức tạp, đảo trắng thay đen.
Trong cuộc sống có rất nhiều mâu thuẫn, mà chúng không bao giờ tách rời những con người thích khơi gợi thị phi như thế này.
Lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể biến thành sự thật và gây ra tội ác không thể cứu vãn được.
Tôi từng nghe một câu chuyện:
Ngày xưa, có một người tên là An Đình Bách, ăn nói rất hay. Nhưng ngày thường anh ta chẳng làm gì, chỉ thích đi gây chuyện bất hòa.
Hai vợ chồng người ta đang mặn nồng lại trở mặt vì sự “góp mặt” của anh ta.
Anh em thân thiết cùng nhà trở nên đề phòng nhau cũng vì “nhờ” cái miệng của anh ta.
Sau đó, An Đình Bách cũng phải chịu báo ứng. Cả đời anh ta đều phải sống trong nghèo túng, cổ họng và lưỡi lúc nào cũng ưng mủ, rất khó chịu.
Những người thích gợi chuyện thị phi, gây bất hòa sau lưng người khác sớm muộn gì cũng phải trả giá cho lời nói và việc làm xấu xa của mình.
Sự thật không thể bị bóp méo cả đời, cái giả không thể mãi mãi bị đánh tráo thành sự thật. Rồi có ngày chúng sẽ phải trả về đúng vị trí cho nhau.
Khi sự thật được phơi bày, cũng là ngày nhân quả hiển hiện.
Kết giao với người thích xúi giục bất hòa và có ý đồ xấu chỉ khiến ta tự chuốc họa vào thân.
3. Buông lời hứa hẹn dối trá
Tử viết: “Người không biết, đừng nói. Không làm được, đừng hứa!”
Uy tín là con át chủ bài lớn để khiến mọi người tin tưởng và mến phục.
Trong “Sử ký” có một câu chuyện được ghi lại như sau:
Vào thời Chiến quốc, thiên hạ phân tranh, khắp nơi trở nên hoang tàn.
Thương Ưởng ở ngoài Nam Môn thành dựng khúc gỗ dài ba thước, đồng thời hứa rằng: “Ai chuyển được khúc gỗ này đến cửa Bắc, ta sẽ thưởng cho 10 lượng.”
Nghe vậy mọi người đều thắc mắc: “Một việc làm đơn giản như thế mà tại sao lại có phần thưởng cao đến thế?”
Thấy mọi người đều đứng bất động, Thương Ưởng liền nâng mức tiền thưởng lên 50 lượng.
Một người đàn ông lực lưỡng không nhịn được nữa mà bước ra, vác khúc gỗ đến cổng Bắc, sau đó tìm Thương Ưởng đòi tiền thưởng.
Thương Ưởng đã sử dụng cách này để thiết lập hình ảnh chính trực trong lòng người dân, đặt nền móng cho việc thống nhất thiên hạ sau này.
Làm người phải biết giữ chữ tín, có như vậy mới khiến mọi người tin tưởng được. Đối với việc gì đã hứa, nhất định phải hoàn thành. Có câu nói rất hay: “Cuộc sống không thể nào nở hoa từ những lời nói dối.”
Thế nhưng đa phần trong xã hội, lại có khá nhiều người quen với việc hứa hẹn tùy tiện, không quan tâm đến việc người khác thật lòng tin tưởng mình. Quá đáng hơn còn dùng những lời nói dối liên tục để lừa gạt họ hòng chiếm lợi.
Những người như vậy sớm muộn gì cũng rơi vào kết cục giống cậu bé trong câu chuyện “Chú bé chăn cừu”, đến cuối cùng sẽ “chết trong miệng sói”.
Cách nói chuyện thể hiện đạo làm người. Lời nói và hành động của một người chính là hai thứ thiết thực nhất để soi rõ nhân phẩm.
Người có nhân phẩm kém, thích nói dối hay khơi gợi thị phi, không chỉ khiến người khác chán ghét, còn khiến bản thân tự đưa mình vào hố sâu.
Phần đời còn lại, hy vọng mỗi người chúng ta đều tránh xa “kẻ ác”, kết giao được nhiều “bạn thiện lành”, và gặp được nhiều điều may mắn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị