Những giang hồ mạng “lừng lẫy” và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng?

Lớp “dân chơi” của năm 2019 sẽ khó có thể quên được ngày Khá Bảnh bị bắt đi tù, để lại những “di sản văn hóa” cho giới trẻ, từ thời trang, điệu múa quạt bất hủ cho tới những câu nói ‘đi vào lòng đất”. Một cơn bĩ cực khủng hoảng đối với hình tượng cho lớp trẻ đi qua khiến nhiều người thở phào. Cảnh tượng học sinh xếp hàng chia tay anh Khá như chia tay idol Hàn đi nhập ngũ khiến nhiều không ít người phải ngán ngẩm.

Khá Bảnh đi qua, Huấn Hoa Hồng lại tới. Đúng là cái gì bất hủ trên mạng thì cũng ngắn hạn như một xu hướng sớm nở tối tàn. Giờ đây, người ta đã để lại Khá Bảnh trong quá khứ hoặc thỉnh thoảng lôi lại, theo đóm ăn tàn với anh Huấn – biệt danh Huấn Hoa Hồng. Tay chơi của năm 2010 này có vẻ khá hơn anh Khá, dạy người ta từ lối sống tới đạo đức.

Nhưng liệu, giang hồ mạng mới nổi như Huấn Hoa Hồng có thực sự tạo nên một sự thay đổi về hình tượng cho người trẻ hướng tới hay cũng chỉ là một vết lem khác quệt lên bức tranh mạng xã hội 2020 vốn đã buồn rầu lắm rồi?

Huấn Hoa Hồng: Idol mới nổi, chơi trội ngút trời

Ứng nghiệm nhất của câu nói “những người hay nói đạo lý thường sống không ra gì” chắc chắn là Huấn Hoa Hồng. Nửa đầu 2020, câu nói “Có làm thì mới có ăn” của Huấn Hoa Hồng dường như đã trở thành “thánh kinh lập nghiệp” của các bạn trẻ. Thậm chí, chàng trai sinh năm 1985 này còn giới thiệu 2 tập sách về bí quyết làm ăn, công thức thành công hay những thứ đại loại như vậy.

“Tài giỏi” như vậy, tâm huyết với nghề như vậy mà tại sao Huấn Hoa Hồng vẫn bị lên án như một hiện tượng độc hại cho giới trẻ?

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 1.

Huấn Hoa Hồng giới thiệu 2 cuốn sách do mình viết trên MXH.

Huấn Hoa Hồng chuyên môn giao giảng những “bài học” cho giới trẻ nhưng hành động của anh ta lại đi ngược lại những điều mình làm. “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền” là 2 cuốn sách được in chui của Huấn Hoa Hồng, sau đó đã bị cấm lưu hành và xử lý. Đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc không biết Huấn Hoa Hồng làm gì mà giàu thế, chẳng biết anh “làm gì” mà “có ăn” nhưng lúc nào cũng phe phẩy những cọc tiền hay nặng trĩu vàng bạc. Thanh niên này thường xuyên livestream để khuyên răn mọi người không sử dụng ma túy chất kích thích nhưng Huấn Hoa Hồng đã có tiền sử hai lần phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc ở Lào Cai và thành phố Hồ Chí Minh. Những hình ảnh trong MV của Huấn Hoa Hồng “Muôn kiếp là anh em” cũng nặng nề những màn đánh đấm, bạo lực, khuyên người ta bỏ cờ bạc lô đề nhưng lại lồng vào đó vô số các ứng dụng cờ bạc online…

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 2.

Cũng như câu chuyện của nhiều vấn nạn trên mạng xã hội khác, khi một hành vi, ngôn từ dù mang tính không chuẩn mực được lặp đi lặp lại nhiều lần và “viral”, dần dần nó sẽ được dung nạp và chấp nhận như một điều bình thường. Huấn Hoa Hồng có thể đứng một mình trong thế giới giang hồ nhưng trong một không gian đại chúng hơn, những lời nói đạo đức màu mè không mang giá trị nội hàm đi cùng với hành động lệch chuẩn sẽ dẫn đến quan điểm sai lệch về thành công, tiền bạc hay danh vọng.

Mạng xã hội tạo ra một tiêu chuẩn thành công vừa đơn giản, vừa khác biệt so với đời thực khiến Huấn Hoa Hồng trở nên nổi tiếng. Nếu không tài giỏi, bạn phải khác biệt hoặc phải “giả vờ” tài giỏi: Đó là cách một người có thể thành công trên mạng xã hội. Sự khác biệt của Huấn Hoa Hồng đi từ những phát ngôn gây sốc, hành vi ngạo nghễ, phớt lờ giới hạn hành vi và đạo đức. Có lý do để một nhóm người như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng được tung hô trên mạng. Họ là biểu tượng của tự do bộc lộ, khát khao thể hiện và vượt ra mọi khuôn phép, đi cùng đó là thành công và sự tung hô. Người trẻ luôn khao khát có được sự công nhận, tự do và thành công – một “combo” đủ cả mà Huấn Hoa Hồng hay Khá Bảnh có thể giúp các bạn trẻ tìm thấy nguồn cảm hứng. Nhưng đằng sau những điều tưởng chừng tươi đẹp ấy là sự khuyến khích bạo lực, cổ súy việc sử dụng chất kích thích, hành vi ngỗ ngược, bất chấp những rào cản hay quy định của pháp luật và đạo đức.

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 3.

Huấn Hoa Hồng có mối quan hệ thân thiết với Khá Bảnh.

Xu hướng rồi cũng sẽ đi qua nhưng nếu được tiêm vào đầu người trẻ trong quá trình phát triển danh tính, hình thành phẩm chất và bộc lộ bản thân, nó sẽ để lại những hậu quả khó lường về sau này. Dễ thấy, Huấn Hoa Hồng có thể nổi lên nhanh chóng vì câu chuyện của anh ta hao hao giống với những cư dân mạng khác: sự xốc nổi bất chấp, những phát ngôn để đời, hơn người khác nữa là Huấn Hoa Hồng còn thể hiện mình là người có tiền.

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 4.

Văn hóa idol độc hại không chỉ tạo ra một cộng đồng có những quan điểm lệch chuẩn về thành công, đạo đức và danh vọng, nó còn dễ dàng tạo ra nhiều Huấn Hoa Hồng, nhiều Khá Bảnh hơn trong tương lai. Chúng ta đã từng có ranh giới rất lớn giữa giới giang hồ, nhóm người được cho như nằm ngoài vòng khuôn phép của xã hội và những người xứng đáng được tán dương, khen thưởng, ngưỡng mộ vì tài năng và đạo đức. Sự xuất hiện của Huấn Hoa Hồng hay các giang hồ mạng khác giờ đây đã xóa nhòa cái ranh giới ấy. Tranh tối tranh sáng nhập nhoạng kéo theo nhiều hệ lụy tới giáo dục và gia đình. Đôi khi tôi hiểu vì sao, các ông bố bà mẹ mang đầy nỗi lo khi nhìn thấy điều lũ trẻ đang xem, làm và theo dõi trên mạng.

Người thực hiện, kẻ tung hô?

“Chất ngông” của Huấn Hoa Hồng đáng quan ngại khi những hành vi như vậy cứ tràn đầy trên mạng xã hội nhưng để giải quyết vẫn là điều khiến nhiều người loay hoay. Giữa những idol mạng xã hội và người hâm mộ có một quan hệ đặc biệt: Một bên sẽ gieo vào đầu người trẻ cách nổi tiếng, chơi ngông lệch lạc, một bên khiến các giang hồ mạng biết rằng họ đang được tán dương, ngợi khen ngút trời. Đó là một trong những mối quan hệ độc hại, thứ cộng sinh nhìn qua tưởng chừng như rất thành công nhưng thực chất lại đẩy cả hai bên vào tiêu cực. Người trẻ có thể học theo những điều không tốt còn những giang hồ mạng cố gắng đẩy sâu thêm các hành vi của mình để nổi tiếng hơn.

Trong câu chuyện của Huấn Hoa Hồng hay Khá Bảnh, điều khiến nhiều người ngạc nhiên không phải sự xuất hiện của người như Huấn, như Khá; thời nào cũng có những dân anh chị như vậy. Ngạc nhiên hơn cả chính là sự tung hô tán dương của một bộ phận người trẻ dành cho nhóm giang hồ mạng này. Đây cũng là một điều đáng trách nhưng không khó hiểu khi đặt trong bối cảnh xã hội như hiện tại: Sự bùng nổ của mạng xã hội và “lạm phát thành công”, tâm lý muốn vùng vẫy và khẳng định cái tôi của giới trẻ…

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 5.

Hình ảnh Huấn trong một livestream thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Không ai biết được sự tôn vinh những giá trị lệch chuẩn của người trẻ có trước hay nhóm giang hồ mạng xuất hiện trước. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu các hành vi vi phạm pháp luật của nhóm giang hồ mạng có thể được khống chế bằng pháp luật thì điều đáng lo lại chính là suy nghĩ của cộng đồng “người hâm mộ”. Ai có thể chui vào đầu một bộ phận người trẻ và “sửa” lại những tư tưởng khuyến khích, cổ súy ấy?

Những người trẻ đang chấp nhận để nó trở thành một phần văn hóa mạng, cao hơn là tung hô và tiếp tục truyền bá, chia sẻ nó cũng có một phần trách nhiệm trong câu chuyện này. Sự tiếp nhận giờ đây đã không còn là thụ động, nhiều người chủ động tìm tới những giang hồ mạng, chăm chỉ xem livestream, bắt chước mọi trào lưu mà dường như không có sự kháng cự nào. Thứ văn hóa mạng này không được hình thành nếu chỉ có một bên ném ra; một bên kia cũng đỡ và tung hứng lại. Đối tượng xem và quan tâm ngày càng được trẻ hóa. Tôi thấy khá lo lắng khi cháu gái mình mới học lớp 4 nhưng đã thuộc làu những câu nói của Huấn Hoa Hồng.

Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 6.
Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 7.
Những giang hồ mạng lừng lẫy và sự cổ súy từ cộng đồng mạng: Không có bên tung thì làm gì có người hứng? - Ảnh 8.

Huấn Hoa Hồng và vợ trong một livestream bán thuốc sinh lý gần đây – Ảnh cắt từ clip.

Khó có thể đổ lỗi được cho ai khi văn hóa “giang hồ mạng” ngày càng được thổi phồng và phức tạp hơn. Lỗi lớn nhất thuộc về ai? Các giang hồ mạng, nhà trường hay phụ huynh? Để hiểu được vấn đề, cần đặt mình trong bối cảnh của những người trong cuộc. Các bậc phụ huynh lúng túng khi không biết nên cấm các con tiếp xúc với thông tin gì trên mạng xã hội khi tính độc hại không dễ dàng nhìn nhận. Internet là thứ chi phối sự lan tràn của văn hóa giang hồ, chi phối tất cả những cá nhân trên. Mọi sự cổ súy đều không thể chấp nhận nhưng việc thay đổi không chỉ cần thiết đối với cộng đồng trẻ mà còn nhiều đối tượng khác liên quan.

Câu chuyện của Huấn Hoa Hồng hay bất cứ giang hồ mạng nào xuất hiện sau đó chỉ có thể chấm dứt khi người ta không còn tung hô, không còn nhắc tới nữa. Những thứ xấu chỉ có cơ hội sinh sôi và lan tràn khi chúng ta để tâm quá nhiều. Nếu không có sự cổ súy từ cộng đồng người dùng mạng xã hội trẻ tuổi, một anh giang hồ Hoa Sen, Hoa Súng nào sau này cũng không có nghĩa lý quá nhiều.


Sky

Tin liên quan