Những điều cần biết trước khi đặt bút ký ‘Văn bản thỏa thuận’ của dự án NovaWorld Phan Thiết 

Dự án NovaWorld Phan Thiết tên gọi đầy đủ là NovaWorld Phan Thiết Integrate Resort, tọa lạc tại mặt tiền đường Lạc Long Quân, phường Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí rộng gần 1.000 ha này là dự án đình đám do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland) phát triển.

“Địa thế đẹp, quy tụ chuỗi tiện ích đa dạng và độc đáo”, lại được biết đến là một trong những dự án đánh dấu việc Tập đoàn Novaland bước vào phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nên không mấy ngạc nhiên khi NovaWorld Phan Thiết nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư bất động sản. Bắt đầu được khởi công từ quý II/2019, đến nay, sau hơn 1 năm, NovaWorld Phan Thiết đã bắt đầu “thành hình” với khả năng thi công “thần tốc” có tiếng của Novaland. Các thông tin về tiến độ dự án được cập nhật thường xuyên trên một số phương tiện truyền thông khiến các nhà đầu tư quan tâm đến dự án khá “yên tâm”.

Dự án NovaWorld Phan Thiết: Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận'
Phối cảnh dự án NovaWorld Phan Thiết. Ảnh: Intermet

NovaWorld Phan Thiết sẽ là một dự án rất “xứng đáng” để đầu tư và không có gì đáng bàn cãi nếu như Novaland không có những chính sách khá “mập mờ” liên quan đến tính pháp lý của dự án và quyền lợi của các nhà đầu tư. 

Cụ thể, theo thông tin trên các diễn đàn bất động sản, Novaland đang áp dụng hình thức “Văn bản thỏa thuận” đối với khách hàng tại dự án NovaWorld Phan Thiết. Về cơ bản, Novaland đưa ra Menu chính sách thanh toán theo “Văn bản thỏa thuận”. Nếu “Văn bản thỏa thuận” này hướng đến ký “Hợp đồng mua bán” (không được thu quá 30%) thì chẳng có gì phải lo ngại. Khách hàng hoàn toàn có thể “yên tâm” nếu như chẳng may Novaland thu tiền mà không xây nhà thì vẫn có thể kiện và đòi lại được tiền. Tuy nhiên, nếu “Văn bản thỏa thuận” này dẫn theo lối khác (ký Hợp đồng thỏa thuận, đặt cọc) thì rủi ro bị đẩy về phía khách hàng nhiều hơn!

Dự án NovaWorld Phan Thiết: Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận'
Ảnh: Internet

Khách hàng đã chọn phương án thanh toán theo “Văn bản thỏa thuận” khó có thể dùng pháp lý để “đấu” lại Novaland về việc thu tiền sai vì Novaland không trực tiếp làm hợp đồng bán nhà và cũng không thể hiện rõ hợp đồng mua bán nhà theo giai đoạn. Giấy tờ ký với khách hàng chỉ là “Văn bản thỏa thuận” và hiện chưa có quy định hạn mức thu tiền theo “Văn bản thỏa thuận”.

Quy định của pháp luật là không được thu quá 30% khi chưa đủ pháp lý bán nhà hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, khi khách hàng căn cứ vào điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản để kết luận Novaland huy động vốn trái phép khi chưa có giấy phép xây dựng thì Novaland hoàn toàn có thể đưa ra lý lẽ để chối theo Luật Dân sự: Công ty môi giới (Novahomes chẳng hạn) mới là bên thu “tiền đặt cọc”, và môi giới không bị giới hạn mức thu. Tiền đó được môi giới dùng để chứng minh tài chính với chủ đầu tư và “ép” chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ!

Như vậy, có thể thấy việc đầu tư theo hình thức “Văn bản thỏa thuận” tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về phía khách hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận ký vì khó lòng vượt qua được “bẫy” cam kết lợi nhuận của Novaworld Phan Thiết.

Được biết, để thu hút nguồn tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, dự án Novaworld Phan Thiết đang được môi giới tung ra chính sách cam kết lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, với các con số “trong mơ” như “lợi nhuận thấp nhất 16%/năm, rủi bo bằng 0”, “tỷ suất lời 80% trong 5 năm”,…

Dự án NovaWorld Phan Thiết: Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận'

Dự án NovaWorld Phan Thiết: Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận'

Dự án NovaWorld Phan Thiết: Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận'

Những cam kết lợi nhuận khủng về đầu tư dự án NovaWorld Phan Thiết. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, cam kết của Novaland thực sự có “đáng” để khách hàng mạo hiểm? Từ “cam kết” trong lĩnh vực bất động sản vốn dĩ rất mông lung, nhất là ở mảng nghỉ dưỡng. Thị trường tương lai diễn tiến ra sao không ai đoán chắc được. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì người mua có lợi nhuận, ngược lại, nếu thị trường bấp bênh thì liệu Novaland có chi trả đầy đủ như cam kết? 

Thực tế, việc cam kết lợi nhuận chỉ là cam kết “chữ tín” của doanh nghiệp. Đôi khi cam kết này không có bất cứ ràng buộc nào về mặt pháp lý. Thậm chí kể cả có ràng buộc cũng tiềm ẩn rủi ro. Dù hợp đồng chặt chẽ về pháp lý đến mấy nhưng chủ đầu tư không có tiền trả thì cũng… không làm được gì! Cam kết lợi nhuận chỉ có thể đảm bảo độ tin cậy cao nếu như được ngân hàng bảo lãnh, khi chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì ngân hàng phải chi tiền!

Những điều cần biết trước khi đặt bút ký 'Văn bản thỏa thuận' của dự án NovaWorld Phan Thiết  1
Cam kết lợi nhuận liệu có đáng tin?

Bài học Alibaba với “chiêu trò” cam kết lợi nhuận khủng để che lấp đi những thiếu sót về tính pháp lý của dự án vẫn còn ám ảnh. So sánh Alibaba và Novaland là khập khiễng nhưng không thể phủ nhận rằng pháp chế Novaland đã nghiên cứu cách “lách luật” khá kỹ lưỡng.

Việc Novaland tích cực tìm kiếm nguồn tài chính để lưu thông cho dự án NovaWorld Phan Thiết cho thấy Tập đoàn này cũng đang có chiến lược của riêng mình và rất mong muốn lấy lại “uy tín” với mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên những rủi ro mà khách hàng có thể sẽ phải chịu cũng không nhỏ. Do vậy, các khách hàng quan tâm đến dự án này cần lưu ý, cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký “Văn bản thỏa thuận” và xuống tiền.

Tin liên quan