Nhìn lại 30 năm cuộc đời, tôi nhận ra mình luôn chọn an nhàn, bao lần “chần chừ, tặc lưỡi” nên giờ này phải hối hận

Có một chủ đề được đưa ra trên mạng xã hội: “Hãy thử giả định cuộc đời của bạn trong 10 năm tới sẽ như thế nào?”.

Một câu trả lời đã đưa ra như thế này và thu hút rất nhiều sự chú ý:

“Tôi nghĩ rằng, cuộc sống của mọi người đều ít nhiều giống nhau.

Bạn sinh ra trong thế hệ 9x, ngoại hình bình thường, trình độ bình thường, gia cảnh bình thường, học trường bình thường và đăng ký chuyên ngành đại học cũng bình thường nốt.

Nếu không có bố mẹ lót đường cho, bạn cũng phải tiếp tục đăng ký một công việc bình thường với mức tiền lương chỉ bằng một nửa so với những gì mong đợi. Bao lần đã định thay đổi công việc nhưng rồi bạn lại thôi. Chi tiêu tiết kiệm một chút thì thật ra đồng lương cũng không đến nỗi đói.

Ở nhà, bạn không có nhiều mối quan hệ, chỉ giết thời gian bằng vài trò chơi và mạng xã hội. Nhìn thấy sếp chia sẻ một bài báo với tiêu đề: “Không làm việc chăm chỉ hôm nay, bạn sẽ phải tìm việc chăm chỉ ngày mai”, bạn lo sợ trong lòng, cảm giác ông ấy đang nói bóng gió về mình.

“Liệu mình có nên thay đổi không nhỉ?” Bạn nghĩ ngợi một hồi, nhưng cuối cùng lại thôi vì nghĩ, sếp lúc nào chẳng vậy.

Cậu bạn cùng lớp từ thời trung học thì chia sẻ ảnh về buổi khai trương công ty riêng: “Cảm ơn mọi người đã tin tưởng hợp tác. Khởi nghiệp thật không dễ dàng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, cuối cùng, tôi cũng có được kết quả này cho mình!”

À, hóa ra cậu ấy đã bắt đầu kinh doanh, thậm chí còn huy động được hơn 10 tỷ tiền đầu tư và đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn. Ngay lập tức, bạn đã nghĩ tới việc gửi tin nhắn để hỏi liệu có vị trí nào phù hợp với mình không. Nếu có, bạn sẵn sàng từ chức luôn vào ngày mai!

Nhưng bạn lại nhanh chóng từ bỏ. Mình đã không liên lạc với cậu ta một thời gian dài, trước kia cũng chẳng thân thiết, bây giờ lại nhắn tin nhờ vả thì ngại lắm. Trước kia ở lớp cậu ta còn học kém mình, thế mà giờ đã vượt mặt, trở thành sếp người ta. Bạn còn đâu mặt mũi mà hỏi han như thế.

 Nhìn lại 30 năm cuộc đời, tôi nhận ra mình luôn chọn an nhàn, bao lần chần chừ, tặc lưỡi nên giờ này phải hối hận - Ảnh 1.

Bấy giờ, bạn nhận được một tin nhắn gửi hình ảnh của bố mẹ. Trong đó, bố bạn đã đi qua quá nửa cuộc đời, mái tóc lấm tấm vết bạc trắng. Mẹ bạn cũng bắt đầu gù lưng, không còn mạnh mẽ đứng thẳng được nữa. Đôi lần họ đã đề cập đến vấn đề lương hưu, bạn đã bảo lần sau sẽ tìm hiểu hộ bố mẹ, nhưng sau đó lại bận rộn quá nên toàn quên.

Giờ nghĩ về điều này, bạn thậm chí còn lo lắng hơn. Bạn định đi ngủ sớm nhưng cuối cùng lại thành ra mất ngủ, lúc nào cũng trằn trọc trên giường. Rồi bạn lại bắt đầu nghĩ về tương lai của mình, tự oán trách bản thân đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, lúc nào cũng cho rằng, bản thân còn nhiều thời gian để phấn đấu sau này.

Nhưng bạn đã không còn quá trẻ. Năm nay bạn đã ba mươi, không nhà, không xe, không bạn gái, không thú cưng, ở trong một căn phòng đi thuê chật hẹp, sống tiết kiệm cho qua ngày, nhưng đứng trước mọi cơ hội thì đều chần chừ rồi quay đi để giờ này phải hối tiếc. ”

Bình luận mang tính giả định này bất ngờ nhận được rất nhiều sự đồng tình từ cộng đồng mạng. Đại đa số mọi người đều từng có trải nghiệm tương tự trong quá khứ. Họ đua nhau chia sẻ sự hối hận của mình, phần lớn đều do tính do dự, chần chừ, cuối cùng để lỡ các cơ hội.

Đây là tâm lý có thể hiểu được khi người ta phải đưa ra những sự lựa chọn khi đứng trước ranh giới vùng an toàn. Chẳng hạn như, nếu muốn “nhảy việc”, bạn sẽ phải bắt đầu nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, rồi nhận việc mới, thích nghi với đồng nghiệp mới, môi trường mới, trách nhiệm mới từ đầu. Lúc này, tất cả điều kiện mới ấy đều vượt ra khỏi vùng an toàn mà bạn đã xây dựng cho mình bấy lâu nay.

Một khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ phải đối mặt với mọi nghi ngờ, lo lắng về quá trình cũng như kết quả của từng hành động trong điều kiện mới, chứ không thể sống thoải mái và dễ dàng. Do đó, bạn không tránh khỏi cảm giác hoang mang, do dự, thậm chí là sợ hãi và rút lui.

Trong cuộc sống, nhiều người thà rằng cắt giảm nhu cầu, ham muốn của bản thân, tự mài mòn động lực của chính mình cũng chẳng muốn bước ra khỏi vùng an toàn. Nếu lương không đủ tiêu, họ không tìm cách gia tăng thu nhập mà lựa chọn cắt giảm chi tiêu. Nếu công việc nhàm chán không hấp dẫn, họ không tìm cách sáng tạo điều mới mẻ mà tự hạ thấp tiêu chí của bản thân, ép mình tự quen với sự nhàm chán đó.

Nhưng nếu bạn không ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ chẳng học được gì cả. Có những việc dù khiến bạn không dễ dàng nhưng thực sự cần thiết. Nếu không có kỹ năng và lòng can đảm để vượt qua, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng để tiến xa trên con đường sự nghiệp.

 Nhìn lại 30 năm cuộc đời, tôi nhận ra mình luôn chọn an nhàn, bao lần chần chừ, tặc lưỡi nên giờ này phải hối hận - Ảnh 2.

Ở thời điểm đó, hãy tự nhắc nhở mình 3 điều sau đây:

1. Tiêu chuẩn mỗi người mỗi khác

Thoát khỏi vùng an toàn không có nghĩa bạn phải đương đầu với điều gì nguy hiểm, xác suất thành công rất thấp như là bỏ việc lương cao để đi theo tiếng gọi của sở thích. Kỳ thực, miễn là bạn dám đối mặt với thách thức, đó đã là sự nỗ lực để thoát khỏi vùng an toàn rồi.

2. Cần quá trình thực hành

Hãy thường xuyên đặt ra cho mình một số thử thách nhỏ hàng ngày, tạo cơ hội để thực hành thường xuyên, làm quen với cảm giác đó. Sau mỗi bước tiến nhỏ, bạn sẽ càng thêm phát triển, sẵn sàng để đối mặt với những thử thách lớn hơn đằng sau.

3. Tạo động lực bằng khao khát thực sự

Ví dụ, chúng ta có muốn sống tốt hơn, muốn được ăn ngon mặc đẹp, được thư giãn vui vẻ mà không phải tăng ca, khao khát trở nên tự tin, được sống thoải mái, thanh lịch, được người ta tin tưởng, tôn trọng nhiều hơn… Đó đều là những ham muốn, khao khát có thể biến thành động lực để phấn đấu.

Miễn là một người có ham muốn, khao khát thực sự, người đó sẽ tự có động lực thúc đẩy chính mình bước khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân.


Theo Dương Mộc

Tin liên quan