Mới đây, tỷ phú Jeff Bezos tuyên bố sẽ rời khỏi ghế Giám đốc điều hành (CEO) của Amazon sau gần 30 năm giữ chức vị này. Người được ông lựa chọn để kế vị mình là Andy Jassy – cánh tay phải đắc lực của mình trong suốt thời gian qua.
Andy Jassy đến với Amazon một cách khá bất ngờ. Ông nhận được lời mời làm việc từ tập đoàn khi đang trên đường đi xem concert của Shawn Colvin ở thành phố New York. Ít ai biết rằng, trước khi chuyển hướng sang ngành marketing, Jassy từng nuôi mộng trở thành bình luận viên thể thao.
“Tôi làm bài thi cuối kỳ tại Trường Kinh doanh Harvard vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 5/1997, sau đó bắt đầu công việc ở Amazon vào thứ Hai tuần tiếp theo”, ông nhớ lại. “Tôi không biết công việc sẽ như thế nào, cũng không rõ mình sẽ đảm nhiệm chức vụ gì”.
Điều hành một doanh nghiệp trị giá cả tỷ USD đã là một điều khó nhằn, nhưng điều hành Amazon Web Services (AWS) – công ty con đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Amazon – còn áp lực hơn nữa. Là người đề xuất thành lập và một tay lèo lái AWS từ những ngày đầu đến nay, hơn ai hết, Jassy là người hiểu rõ nhất bí quyết nào để làm nên một startup thành công.
1. Tìm đúng nhân tài là điểm mấu chốt
Tự tay xây dựng một đội ngũ gồm 25.000 nhân viên, Andy Jassy rất am hiểu quy trình tuyển dụng. Do đó, tiêu chuẩn ông đặt ra cho các ứng viên tại AWS cũng khá khắt khe.
“Một trong những việc mà lãnh đạo có thể làm khi công ty đang mở rộng quy mô, nhưng hay bị đánh giá thấp, chính là đặt ra những tiêu chuẩn cực kỳ cao”, ông nói. “Bạn không thể có mặt ở mọi nơi để gặp gỡ mọi người khi doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Bạn sẽ muốn mọi người biết tiêu chuẩn đó là gì và tuyên truyền nó trong công ty”.
“Nếu họ phấn đấu để đáp ứng tiêu chuẩn và hiểu rằng đó là nghĩa vụ của mình, bạn sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn”.
Để có được bài học này, CEO tương lai của Amazon đã phải trả giá. Ông từng làm việc với những người mà thoạt đầu có vẻ như là lựa chọn sáng suốt, nhưng hóa ra lại không phù hợp với công ty trong quá trình phát triển.
Andy Jassy sẽ là CEO mới của Amazon
“Trong giới công nghệ, có những người rất tuyệt vời nhưng nhanh chóng đánh mất nhiệt huyết khi dự án bắt đầu”, Jassy giải thích. “Bạn sẽ muốn thuê những người dám mày mò và không ngừng cố gắng”.
Vì lý do này, Jassy hay tuyển những ứng viên khiêm nhường, chăm chỉ học hỏi và biết tự phê bình bản thân.
“Có những người tài giỏi, nhưng khi đến một thời điểm nhất định trong sự nghiệp, họ tưởng mình đã biết mọi thứ. Tôi có thể đảm bảo rằng điều đó đúng 0%”, người kế vị Jeff Bezos quả quyết.
“Cứ vài tháng là lại có những điều mới mẻ để học hỏi trong ngành kinh doanh hết sức năng động này. Giây phút mà bạn tưởng mình biết hết mọi thứ cũng chính là giây phút bạn mất cảnh giác”.
Theo Jassy, để tránh được những cạm bẫy tuyển dụng này, bạn cần xác định hai chỉ số thành công: khả năng phán đoán tốt và đam mê học hỏi.
“Chúng tôi tìm kiếm những ứng viên có óc phán đoán tốt. Họ phải nhìn ra những tình huống không dễ dàng, biết loại bỏ các chướng ngại vật để đưa ra quyết định đúng”, ông giải thích.
Về đam mê học hỏi, Jassy nhấn mạnh rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp “không giỏi tìm tòi cho những điều sắp xảy ra”. Theo ông, thành công sẽ đến dễ dàng hơn nếu “bạn chủ động tìm kiếm những điều sắp tới, thay vì để mình rơi vào thế bị động và buộc phải đuổi theo”.
2. Luôn coi mình là người mới bắt đầu
Dù AWS đã hoạt động hơn một thập kỷ, có hàng triệu khách hàng và kiếm được hàng tỷ USD, Jassy vẫn coi nền tảng điện toán đám mây này là bước khởi đầu.
Khi được hỏi về kế hoạch và khả năng mở rộng quy mô AWS, Jassy tin rằng thành công của doanh nghiệp nằm cả ở gốc rễ nền tảng, nhu cầu về tốc độ và nỗi sợ về tính tự mãn.
“Chúng tôi không cho phép bản thân thay đổi tư duy về chính mình, tư duy về tốc độ và tư duy về văn hóa doanh nghiệp“, ông chỉ ra.
“Tôi coi AWS như một startup lớn”, Jassy nói. “Một startup có nhiều cơ chế quy trình hơn 10-12 năm trước, nhưng thực sự thì chúng tôi hoạt động như một startup lớn. Chúng tôi tin rằng tốc độ đóng vai trò không hề nhỏ trong mọi giai đoạn kinh doanh.”.
“Vài công ty sai lầm khi nghĩ rằng mình đã đủ lớn mạnh nên không cần vội vã. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, có bao nhiêu công ty giữ được vị trí dẫn đầu hơn 5 năm, 10 năm? Không quá nhiều”.
Với tư duy này, Jassy đang phấn đấu đánh bại mọi thách thức đe dọa tới vị thế của AWS.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã quyết định để lại ghế CEo cho cánh tay phải của mình.
3. Chấp nhận sai lầm
Để duy trì sự sáng tạo và tính nguyên bản của AWS, Andy Jassy đề xuất phương châm 5 phần, nhằm đưa công ty lên tầm cao mới và giúp nhân viên giữ vững nhiệt huyết.
– Tuyển dụng những “nhà kiến thiết” (những người thích sáng tạo và tái tạo)
– Chia nhân viên thành các nhóm nhỏ, đa dạng, tự quản lý theo từng dự án.
– Cung cấp công cụ để nhân viên tăng tốc độ
– Khuyến khích lãnh đạo nói “có” với những ý tưởng mới
– Chấp nhận sai lầm
Jassy rất thẳng thắn khi nói về phương châm cuối cùng, điều mà ông thừa nhận là không bình thường ở Amazon.
“Chúng tôi có nhiều nhân viên sở hữu tính cách loại A: yêu thành tích, ghét thất bại. Bạn cần phải xây dựng một văn hóa nơi mà mọi người chấp nhận và hiểu rằng sai lầm là không thể tránh khỏi trong quá trình thử nghiệm, sáng tạo và chuyển đổi nhanh chóng”, ông nói.
Thất bại về mặt thương mại của Fire Phone chính là một minh chứng. Tháng 7/2014, chỉ vài năm sau khi thời đại smartphone bùng nổ, dự án này được ra đời nhưng rồi biến mất hoàn toàn một năm sau đó.
“Dự án điện thoại đó không thành công”, ông nhớ lại. Tuy nhiên, Amazon đã nhìn ra được tiềm năng của một số yếu tố đầu vào trong dự án.
“Bạn không thể quản lý đầu ra – thứ bạn kiểm soát được là các yếu tố đầu vào ảnh hưởng tới đầu ra”, CEO tương lai của Amazon nhận định. Theo ông, nỗi sợ thất bại sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp và nhân viên về lâu dài.
“Chúng tôi khen thưởng những nhân viên làm tốt yếu tố đầu vào, tìm cơ hội tốt hơn cho họ, bởi nếu không làm như vậy, bạn sẽ không bao giờ tìm được những người dám thử nghiệm và sáng tạo”.
4. Giữ đôi chân trên mặt đất
Người kế vị Jeff Bezos tin rằng cuộc sống còn rất nhiều điều để học hỏi, vì vậy bạn cần chuẩn bị và sẵn sàng để thay đổi.
Năm nào Andy Jassy cũng tiến hành thay đổi, cụ thể là vào thời điểm giữa Giáng sinh và năm mới. Đây là lúc ông đánh giá lại toàn bộ quy trình làm việc tại tập đoàn, xác định những điểm chưa hiệu quả và phát triển những cơ chế mới để thực hiện trong năm sau.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà mình cần phải thay đổi theo thời gian là cách chúng tôi suy nghĩ như một phần của cơ chế tại Amazon. Chúng tôi có cách nghĩ riêng về quản trị doanh nghiệp, về sự khác biệt giữa thiện ý và cơ chế”, ông nói.
Theo Jassy, thiện ý có thể đưa AWS đi đến một điểm nhất định, nhưng cơ chế – thứ được định nghĩa là “những quy tình liên tục lặp lại mà bạn cần kiểm tra thường xuyên và nhất quán để phát triển” – mới là chìa khóa dẫn tới thành công.
Về cơ bản, vì Amazon và AWS luôn luôn thay đổi nên họ phải giữ nguyên văn hóa doanh nghiệp của mìn, đó là giữ thái độ thực tế trước cuộc sống. Dù xảy ra chuyện gì trong tương lai, Jassy cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, bởi đây là điều ông và đội ngũ của mình đã từng làm rất nhiều lần.
“Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong số chúng tôi dự đoán được mọi chuyện sẽ đi về đâu”, ông nói. “Bất ngờ luôn rình rập trên đường”.
(Theo Underscore)
Doanh nghiệp và Tiếp thị