Nhiều vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều vướng mắc trong đấu thầu cũng như quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, với trường hợp dự án sử dụng “khu đất do Nhà nước đang quản lý” được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội đang tồn tại các vướng mắc pháp lý về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Nhiều vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 1

HoREA chỉ ra nhiều vướng mắc trong quy định lựa chọn nhà đầu tư cũng như phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội

Đề xuất sử dụng vốn ngoài ngân sách

Ông Châu cho biết, trên thực tế có nhiều “khu đất do Nhà nước đang quản lý” được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, và các địa phương muốn đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhưng không thực hiện được, do Khoản 4 Điều 12 Nghị định 25/2020/NĐ-CP chưa quy định chi tiết các tiêu chí thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội trong trường hợp này, dẫn đến lãng phí quỹ đất công và không thực hiện được việc xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.  

Do đó, để góp phần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, HoREA đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó có một Điều bổ sung điểm c vào Khoản 4 Điều 12 Nghị định 25/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, với tiêu chí về nguồn vốn đầu tư, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tiêu chí về lợi nhuận định mức đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa lợi nhuận so với lợi nhuận định mức 10%.

Tiêu chí về mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Với tiêu chí về dành diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại so với định mức được sử dụng 20% quỹ đất dự án nhà ở xã hội này, để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại.

Nhiều vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 2

Chủ đầu tư phải lên Bộ Xây dựng đến 2 lần để làm thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư (ảnh: Dự án Khu nhà ở xã hội – Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc)

Bên cạnh đó, với tiêu chí về thời hạn cho thuê, về tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê của dự án, nên lựa chọn nhà đầu tư có tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê cao, hoặc cho thuê dài hạn, hoặc dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Tiêu chí về giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội, đặt cọc tiền thuê nhà, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất về giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội, hoặc đặt cọc tiền thuê nhà thấp nhất.

Và cuối cùng là tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án, đưa vào sử dụng, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất thời gian ngắn nhất.

Giảm quy trình phê duyệt

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết, với trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được công nhận chủ đầu tư, vướng mắc này sẽ được giải quyết theo đề xuất tại Khoản 12 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất đai”, bổ sung Điều 14b Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 14b. Giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian sử dụng đất đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì không phải đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây: Chỉ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của dự án; Sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ; Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” (Ghi chú: Dự án nhà ở xã hội thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị xây dựng quy trình phê duyệt hợp lý đối với trường hợp dự án nhà ở xã hội phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ bởi theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP nhà đầu tư phải lên Bộ Xây dựng 02 lần để làm thủ tục. 

“Do đó, Hiệp hội đề nghị hoàn thiện Khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, theo hướng xây dựng quy trình nhà đầu tư chỉ phải lên Bộ Xây dựng 01 lần, như sau: Trường hợp dự án nhà ở xã hội phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời đề xuất nhà đầu tư. Bộ Xây dựng xem xét về sự phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; yêu cầu đối với dự án và điều kiện của chủ đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

DIỆU HOA

 

Tin liên quan