Xã hội đặt ra khá nhiều áp lực về việc xác định phương hướng cuộc đời đối với những người ở độ tuổi 20. Có một thực tế rằng thậm chí nhiều người ở độ tuổi 57 cũng chưa ổn định và tìm ra lẽ sống của cuộc đời mình. Bởi vậy, bạn không cần phải gây áp lực cho bản thân quá sớm nếu vẫn chưa 30 tuổi. Khi còn trẻ, đừng vội kiếm tiền, hãy tích lũy kinh nghiệm, kiến thức – những thứ giúp bạn xây nền tảng vững chắc cho một cuộc sống thành công sau này. Dưới đây là 6 điều bạn cần nhớ để chặng đường trưởng thành trở nên dễ dàng hơn:
1. Sẵn sàng đối mặt với những rủi ro lớn nhất trong cuộc sống
Trở thành một người bảo thủ ở độ tuổi trước 30 là điều thực sự không nên nếu bạn đang không mắc vào nhiều khoản nợ nần. Khi bạn còn trẻ, hãy sẵn sàng đối mặt với những rủi ro lớn nhất trong cuộc sống của bạn.
Lý do lớn nhất khiến rất nhiều người không hạnh phúc là họ luôn sống ngược lại với những gì họ thực sự muốn. Họ chọn một công việc an toàn và ổn định như ý của cha mẹ, sau đó nuối tiếc khi về già vì nhiều giấc mơ còn dang dở.
Thay vì chọn những công việc an toàn, trước 30 tuổi là lúc bạn nên thách thức bản thân và khám phá giới hạn của mình. Bạn sẽ nuối tiếc về những việc chưa làm hơn là những việc đã làm, bởi vậy đừng ngại khó, ngại khổ, hay ngại khác biệt. Hãy làm những gì bạn muốn, bạn đam mê và nếu có thất bại thì hãy đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
2. Đừng từ chối một công việc lương thấp nhưng có tiềm năng phát triển
Đối những người chưa 30 tuổi thì đừng xem tiền lương như một yếu tố quan trọng nhất khi chọn việc làm. Lời khuyên là đừng nên đặt những tiêu chí như việc nhàn, lương cao; thay vào đó, hãy chọn những công việc mà ở đó bạn được phát triển bản thân và học hỏi nhiều nhất có thể. Bởi vì giá trị con người sẽ quyết định bạn là ai và bạn sẽ ở vị trí nào, cho nên hãy trau dồi bản thân mỗi ngày.
Trước khi lựa chọn một công việc nào đó, hãy dành thời gian và phân tích xem bạn sẽ chịu trách nhiệm cho những công việc gì, bạn sẽ học được gì khi ở vị trí đó, và có hay không cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Hãy khiêm tốn, kiên nhẫn, có chiến lược rõ ràng và ngừng so sánh mức lương của mình với những người xung quanh. Hãy nhìn về tương lai thay vì chỉ nghĩ tới những cái lợi nhỏ trước mắt.
3. Đừng chỉ nhìn vào kết quả khi làm việc, hãy tận hưởng cả quá trình
Nếu bạn làm việc vì những phần thưởng mà nó mang lại, bạn sẽ có động lực trong một khoảng thời gian nhất định nhưng bạn sẽ không thể đi đường dài. Giống như việc bạn bắt đầu một hoạt động kinh doanh và chỉ chăm chăm hướng tới những gì bạn sẽ nhận lại như ô tô, căn hộ, đồ hiệu…thì bạn sẽ không có một sự nghiệp lâu dài.
Nhiều người dưới 30 tuổi làm việc chỉ vì mục đích duy nhất là kiếm tiền để chi tiêu cho những nhu cầu riêng của bản thân. Những người này chỉ nhìn vào kết quả để có động lực làm việc, và không thực sự yêu công việc mình đang làm. Họ uể oải làm việc, đếm từng ngày trôi qua, và không tìm thấy niềm vui. Lời khuyên dành cho những ai đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời đó là làm công việc bạn thực sự yêu thích và tận hưởng niềm vui mỗi ngày.
4. Đừng căng thẳng về việc tìm kiếm câu trả lời “Tôi nên làm gì với cuộc sống của mình?”
Nếu bạn đang không biết lý tưởng sống của mình là gì thì điều đó cũng không sao cả. Những năm 20 tuổi là lúc bạn nên dành thời gian để trải nghiệm những rủi ro, và thử mọi điều bạn muốn. Đừng căng thẳng về việc bạn chưa có một hướng đi rõ ràng. Hầu hết mọi người đã từng ở trong trạng thái tương tự như vậy.
Điều bạn nên làm là có những trải nghiệm và thử các công việc khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy một công việc bạn thích và biết mình phù hợp với điều gì nhất.
5. Thẳng thắn với những người thân của bạn
Mọi người thường ngại chia sẻ về những cảm xúc thật sự và mong muốn của mình. Trò chuyện với những người thân là cách để bạn hiểu đối phương đang trông đợi gì vào mình và nói ra những gì bạn suy nghĩ. Lời khuyên là hãy chia sẻ một cách chân thành.
Hãy nói cho cha mẹ biết bạn cảm thấy thế nào về mọi thứ, về những gì bạn muốn làm, nơi bạn muốn đi, sự bất an của bạn, cách bạn cảm nhận về những kỳ vọng của họ… Điều này sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc sống của bạn. Ngay cả khi họ tức giận thì ít nhất họ cũng biết được suy nghĩ và cảm xúc thực sự của bạn. Nếu bạn không có cuộc trò chuyện thẳng thắn (có thể sẽ khó khăn với họ bây giờ) thì bạn sẽ phẫn nộ với người thân và cả chính mình sau đó bởi vì bạn đã sống hết mình vì họ chứ không phải cho chính bạn.
6. Ngừng tranh luận, hãy chứng minh bằng hành động
Đừng lo lắng về những gì người khác đang phán xét về bạn. Sự thật cuối cùng cũng sẽ sáng tỏ. Thay vì phải giải thích với từng người bạn là con người như thế nào, thì hãy chứng minh bằng hành động. Dùng thành công để đánh bại mọi lời phán xét là cách bạn trưởng thành hơn và chứng minh bản lĩnh của mình.
Theo Medium