Xã hội hiện tại, càng ngày càng có nhiều người không muốn làm công, muốn tự mình khởi nghiệp trở thành ông chủ, hiện thực ước mơ độc lập và tự do về tài chính. Đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp hay những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, họ có một niềm tin mãnh liệt rằng làm thuê sẽ chỉ giải quyết được vấn đề ăn mặc, vĩnh viễn sẽ không bao giờ hiện thực hóa được sự độc lập về tài chính, vì vậy mà tinh thần khởi nghiệp lại càng sục sôi hơn bao giờ hết. Nhưng, những kiểu này, dù nhiệt huyết là 100% nhưng họ lại không có quá nhiều vốn, không nhận được sự trợ giúp đắc lực tới từ kinh tế, vì vậy mà con đường khởi nghiệp của họ cũng bị gọi là “người nghèo khởi nghiệp”. Trên thực tế, đã có những số liệu chứng minh thực tế rằng tỷ lệ thất bại của người nghèo khởi nghiệp thường cao hơn, mà phần lớn thì đều là bởi họ không biết đường hoặc không đủ lý trí, tỉnh táo để tránh xa 3 kiểu kinh doanh và 3 kiểu buôn bán này.
3 kiểu kinh doanh nên tránh
Kiểu thứ nhất: Đầu tư quá lớn
Thựa ra điều này là rất dễ hiểu, kết quả của khởi nghiệp suy cho cùng cũng chỉ có 2, một là thành công, hai là thất bại. Mà muốn làm ăn kinh doanh thì hiển nhiên phải huy động vốn, nhưng vấn đề là rất nhiều “người nghèo” không có huy động vốn, hoặc có thì mức huy động vốn đó cũng không xứng tầm với mảng kinh doanh mà họ muốn làm. Chẳng hạn bạn chỉ có 500 triệu, nhưng lại muốn làm một vụ kinh doanh với vốn đầu tư là 5 tỷ, cho dù bạn đi vay đủ 4,5 tỷ thì trong quá trình kinh doanh sau này, bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu tự tin, hay vận hành công việc trong sự lo lắng, thấp thỏm. Mà kiểu ám thị tâm lý thấp thỏm này lại thường dẫn tới kết quả thất bại.
Vì vậy cho nên, lời khuyên ở đây là lựa sức mình mà làm, khi đã đủ sức mạnh rồi, lúc ấy dang cánh bay cũng chưa muộn.
Kiểu thứ 2: Làm quá nhiều thứ một lúc
Người ta nói: “Mọi người không nên thắt cổ trên cùng một cành cây, trứng gà đừng bao giờ bỏ hết vào một giỏ”, vì vậy, rất nhiều nhà khởi nghiệp đều cho rằng, làm ăn kinh doanh thì nên đầu tư vào nhiều hạng mục, dự án, như vậy, thì cơ hội kiếm tiền sẽ lớn hơn. Nhưng thực ra, tư tưởng này không hoàn toàn đúng, ít nhất là đối với những người lần đầu khởi nghiệp. Giai đoạn đầu của khởi nghiệp, điều cần thiết nhất chính là sự toàn tâm toàn ý, cứ nhìn các doanh nhân thành đạt trên thế giới để thấy, hầu như không có ai thành công thông qua mô thức “dải lưới rộng khắp” như thế này cả. Còn sau này, khi mà doanh nghiệp, công ty của bạn đã đủ lớn mạnh rồi, việc phát triển thêm một vài nghiệp vụ khác là điều hiển nhiên và chắc chắn.
Kiểu thứ 3: Hợp tác quá nhiều
Trên thực tế, rất nhiều nhà khởi nghiệp đều biết rằng mình ít vốn, khả năng kháng lại mạo hiểm và rủi ro kém, không làm nên được những vụ kinh doanh lớn. Trong tình huống này, họ có xu hướng tìm thêm một vài người anh em có cùng chí hướng với mình để cùng nhau khởi nghiệp, dẫu sao thì “ba cây chụm lại cũng nên hòn núi cao”. Nhưng, sự thực chứng minh, nhiều người góp vốn làm ăn kinh doanh, cái hại lại nhiều hơn cái lợi. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, vì công việc kinh doanh mới phát triển, vấn đề xảy ra tất nhiên rất nhiều, nhiều đối tác, đồng nghĩa với việc có rất nhiều luồng ý kiến và tư tưởng khác nhau, sự khác biệt trong đối mặt và giải quyết vấn đề cũng sẽ tăng lên rất nhiều, gay go hơn là nếu cả một nhóm người, nhưng lại không tìm được tiếng nói chung với nhau, vậy thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thành bại của cả một doanh nghiệp.
3 kiểu buôn bán nên tránh
1. Kiểu buôn bán cho nợ
Rất nhiều nhà khởi nghiệp, giai đoạn đầu vì muốn thu hút và giữ chân khách hàng, nên thường chấp nhận cho họ ghi nợ. Nhưng cách làm này, chẳng khác nào cho uống rượu độc để giải khát, tức là giải quyết khó khăn trước mắt mà không tính tới hậu quả mai sau. Nguyên nhân rất đơn giản, phần lớn các nhà khởi nghiệp vốn dĩ không có nhiều vốn gì cho cam, trong tình cảnh này mà vẫn cho nợ, nếu thu hồi lại được nợ thì không nói làm gì, nhưng không thu hồi lại được, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá vỡ chuỗi vốn. Mà thực tế lại trần trụi, con người ta thường là kiểu ai nợ mình thì nhớ, mình nợ ai thì luôn “quên mất”, “không nhớ” trong vô thức.
2. Buôn bán mà không cần bỏ vốn
Các cụ bảo rồi, chẳng có miếng bánh nào lại tự nhiên rơi từ trên trời xuống cả, mà dù có rơi thì cũng chưa chắc đã trúng ngay đầu bạn. Vì vậy, dù có quẫn bách ra sao, tham vọng thế nào, cũng đừng mê muội, không tỉnh táo mà đi làm mấy vụ làm ăn buôn bán mà không cần tới vốn, không cẩn thận một chút thôi là bạn sẽ có thể bị lừa như chơi.
3. Việc nằm ngoài khả năng
Bất kể là bạn làm ăn buôn bán cái gì, cũng cần phải hiểu và làm rõ năng lực cá nhân của mình và doanh nghiệp trước, có như vậy mới có thể ổn định phát triển. Vì vậy, tốt nhất đừng bao giờ nghĩ tới việc cầm con kiến nhưng muốn cho ra con voi, sức thì có hạn nhưng lúc nào cũng mộng mơ vươn lên tầm vũ trụ. Chỉ cần bất cẩn một chút thôi, bạn có thể mất tất cả trong một thời gian rất ngắn.