Ảnh: PTI.
Vì đại dịch Covid-19, nhiều người dân Ấn Độ đã phải chịu cảnh thất nghiệp, đặc biệt là dân nhập cư. Hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của đất nước này làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…
Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Vì thế, hàng trăm nghìn người đánh liều bỏ phố về quê. Trong số họ, nhiều người tranh giành nhau lên các chuyến xe buýt trở về nhà còn những người không bắt được xe thậm chí quyết đi bộ hàng trăm kilomet.
Xuất hiện trên nhật báo Press Trust of India ngày 11/5, bức ảnh do phóng viên Atul Yadav chụp lại đã gây chấn động truyền thông. Khi lái xe qua cầu Nizamuddin trên đường đi làm về, nhiếp ảnh gia Atul Yadav thấy một người đàn ông ngồi khóc nức nở.
Người đàn ông ấy tên là Ram Pukar Pandit, 38 tuổi, một lao động nhập cư sống ở Nawada, Ấn Độ. Ram Pukar nhận được cuộc gọi từ vợ, đang sống ở Bihar’s Begusarai, thông báo đứa con trai 11 tháng tuổi của họ đã mất do bệnh nặng không qua khỏi.
Khi hỏi chuyện Ram Pukar, vì thấy người đàn ông này quá xúc động nên chính Atul cũng đã ngừng chụp ảnh để sẻ chia cảm xúc cùng. Atul kể lại: “Trong vài tuần qua, tôi đã gặp và chụp rất nhiều ảnh về người di cư, người này có cuộc sống tồi tệ hơn người kia. Thú thực, tôi tưởng mình sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn ông trưởng thành bật khóc. Nhưng lần này, chính tôi đã bị bất ngờ”.
Trong cuộc trò chuyện, Atul hỏi người đàn ông đáng thương muốn đi đâu, Ram Pukar chỉ nói “ở đó” và chỉ tay về phía con đường trải dọc Yamuna và hướng về biên giới Delhi. Atul sau đó mới biết “ở đó” mà Ram Pukar nói có nghĩa là ở Bariarpur, Bihar, cách gần 1.200km – quê nhà của anh.
Ram Pukar đã bị kẹt trên cầu Nizamuddin trong 3 ngày, với tâm trạng tan vỡ và tuyệt vọng, thậm chí anh còn từ chối bánh quy và nước uống của Atul vì không nuốt nổi khi nghĩ tới con trai. Cũng giống như nhiều người di cư khác ở Ấn Độ, Ram Pukar quyết định đi bộ về nhà khi không còn phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động. Tuy nhiên, hành trình của anh đột ngột bị dừng lại khi cảnh sát chốt chặn tại cây cầu Nizamuddin không cho Ram Pukar đi tiếp.
“Những người làm lao động như chúng tôi chẳng thuộc về đâu cả”, Ram Pukar chia sẻ với phóng viên. “Tất cả những gì tôi muốn bây giờ là về nhà và gặp con trai tôi”.
Sau đó, Atul đã tự mình đề nghị các nhân viên cảnh sát tại đây cho Ram Pukar qua biên giới. Bởi vì đó là lời đề nghị từ phía người làm truyền thông nên các cảnh sát đã miễn cưỡng đồng ý. Ngày 14/5, Ram Pukar được thả tại nhà ga New Delhi để lên chuyến tàu di cư đặc biệt về Bihar cùng hàng trăm người khác. Tuy nhiên, khi đến Begusara, Ram Pukar buộc phải về nơi tập trung để kiểm tra Covid-19. Anh bị sốt, đau đầu và được đưa vào bệnh viện, nhưng âm tính với Covid-19.
Câu chuyện của Ram Pukar chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện của những người lao động chân tay Ấn Độ đang tuyệt vọng tìm cách trở về nhà. Bởi ở thành phố, với họ, cái ăn và chỗ ở là vấn đề đáng sợ hơn cả virus.
Trên đường đi bộ về nhà, quãng đường thậm chí lên tới 1000km, có người đã chết vì nắng nóng, vì kiệt sức hay vì tai nạn. Tuần trước, một nhóm 16 người ngủ trên đường sắt đã bị tàu hỏa cán chết.