Biển và đại dương chiếm 3/4 bề mặt trái đất. Ấy thế mà năm 2014, Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (National Intelligence Council) lại công bố bản báo cáo nhan đề “Global Water Security” cảnh tỉnh: “Thế giới đang bước vào khủng hoảng nước kéo dài”, với 1,5 tỷ người là những nạn nhân đầu tiên của nó. Còn Viện Y học lao động – Vệ sinh môi trường nước ta khẳng định: “17 triệu người Việt Nam vẫn chưa được dùng nước sạch”. Thì ra chúng ta có thừa nước “bẩn” (nước không uống được) và thiếu nước sạch!
THIẾU CẢM GIÁC VỀ SỰ GIỚI HẠN CỦA NƯỚC
Nước được ngợi ca là nền tảng của cuộc sống, là sự no đủ. Nước có thể vẽ lại đường biên giới, thay đổi tiến trình lịch sử… Tuy nhiên, nước “thường” đến nỗi hàng ngày chẳng mấy ai nhớ đến nó (ngoài nước trong bồn nhà tắm và nước ở vòi rửa bát), trừ khi trên bản tin truyền hình sáng xuất hiện cảnh vỡ đường ống dẫn nước sông Đà hay hình ảnh những cánh đồng miền Trung nứt nẻ trong năm đại hạn.
Do thiếu cảm giác về sự giới hạn của nước, con người đã phạm sai lầm trong cách đối xử với nước: Họ coi rẻ nó (“nhạt như nước lã”) nên phung phí nước và làm ô nhiễm nguồn nước. Theo LHQ, chỉ sau 30 năm nữa nhân loại sẽ đạt con số 10 tỷ. Để nuôi sống số miệng ăn khổng lồ đó phải có hàng triệu tấn phân hóa học đổ lên cánh đồng. Tất nhiên, chúng sẽ ngấm xuống các tầng nước ngầm.
Tệ hại hơn nữa, tại nhiều nước đang phát triển, người ta “bán” môi trường lấy kinh tế. Ở Brazil, rừng bên sông Amazon bị đốt để lấy đất trồng đậu nành.
Là những chuyên gia về nước, cácnhà lãnh đạo cty cấp nước hải phòng cảm nhận rất rõ cuộc khủng hoảng nước sắp đến chân rồi. họ biết phải nhảy ngay từ bây giờ.
Ở Việt Nam, “75% nước thải của các khu công nghiệp khắp cả nước không được xử lý” – đó là kết luận trong cuộc hội thảo “Quản lý rác thải, nước thải” vừa được Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng ngày 19/9/2019.
Trong nhiều đô thị, rác và nước thải sinh hoạt cũng hoành hành chẳng sợ ai. Ở ngay trung tâm TP HCM là kênh đào Tàu Hũ bốc mùi hôi thối. Còn Sông Nhuệ và sông Tô Lịch: nước đen ngòm giữa thủ đô văn hiến.
Thế hệ chúng tôi, những năm 70 của thế kỷ trước, rất nhiều người biết cuốn sách “Tất cả dòng sông đều chảy”. Ngày nay, không phải sông nào cũng chảy. Chỉ trong 10 năm, 28.000 con sông, suối của Trung Quốc đã cạn nước.
Khi các con hồ, dòng sông đều bẩn, người ta tìm đến các tầng nước ngầm. Để lấp đầy tầng nước ngầm, thiên nhiên mất cả ngàn năm, con người hút cạn chỉ vài chục năm. Chẳng đợi đến lúc khánh kiệt, các tầng nước ngầm phải tái cân bằng, bằng cách để cho nước biển tràn vào thế chỗ nước ngọt bị mất. Và tầng nước ngọt sẽ biến thành tầng nước lợ!
Thế rồi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm bức tranh toàn cảnh về nước vốn đã xám xịt. Mưa gió thất thường, cực đoan. Nhiệt độ trái đất tăng cao làm cho nước bốc hơi mạnh. Riêng năm 2017 gần 3 tỷ mét khối băng (nước ngọt) ở 2 đầu cực trái đất tan ra thành nước rồi hòa vào biển.
Nước mặt suy thoái, nguồn nước ngầm cạn kiệt là một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại ĐBSCL. Trong ảnh: Sạt lở tại tỉnh An Giang.
Khi ông trời (và cả con người) đã “xấu chơi” như thế, cạn kiệt nguồn nước chỉ là chuyện của thời gian. Ngay các quốc gia giàu có, dù có lợi thế, cũng không phải được miễn dịch trước khủng hoảng nước toàn cầu. Đừng bỏ qua những cảnh báo! Thế giới khát nước chỉ có thể được giải quyết bằng cách sử dụng nước thông minh hơn.
HOÁ NGỌT NƯỚC BIỂN TRÊN ĐẢO CÁT BÀ
Cát Bà là hòn đảo rộng 260km2, lớn nhất, đẹp nhất trên vịnh Hạ Long. Vài năm gần đây, thành phố Hải Phòng và tập đoàn Sun Group nuôi ý định biến hòn đảo thành một trung tâm du lịch quốc tế.
Mặc dù dự án của Sun Group đang còn dở dang, nhưng khi cầu Tân Vũ vừa hoàn thành, nối liền nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải (láng giềng của đảo Cát Bà), hàng vạn lượt người từ bốn phương trời đã đổ xô về Cát Bà mỗi tuần, vì bị vẻ đẹp tự nhiên
của nó quyến rũ. Dòng du khách đã có lúc khiến các ông chủ, bà chủ nhà hàng, khách sạn trên đảo một mắt cười, một mắt khóc! Mắt cười thì ai cũng biết. Mắt khóc vì thiếu nước sạch.
Cát Bà không phải hòn đảo thiếu nước. Lượng mưa trung bình hàng năm 1,7 đến 1,8m, thế nhưng lại tập trung vào mùa mưa (tháng 7 đến tháng 12). Sáu tháng còn lại thì khô. Lượng nước bốc hơi còn nhanh hơn mưa. Trên đảo có Nhà máy nước Cái Giá, công suất 7.000m3 nước sạch/ngày, của Cty CP Cấp nước Hải Phòng. Bình thường, hơn 16.000 cư dân trên đảo và các du khách chẳng lo lắng gì đến nước.
Công trình xử lý nước biển của Công ty cấp nước Hải Phòng.
Nhưng năm 2018, mùa mưa đến muộn lại ngắn. Nước trong các hồ Trân Châu, Xuân Đán…, các khe Hiền Hào, Thuồng Luồng bị cạn. Cái Giá chỉ cung cấp được 2.700m3 nước sạch trong khi dân và du khách đòi hỏi hơn 5.000m3 nước mỗi ngày. Đâu đó trên mạng xã hội xuất hiện những lời bức xúc: “Khách sạn (Cát Bà) 3 sao mà đ. có nước để tắm!”. Thế là hàng sáng, Cty Cấp nước Hải Phòng phải đánh sà lan chở 1.000m3 nước ra đảo.
Khi Sun Group hoàn thành dự án của họ, dự báo sẽ có 1 triệu lượt người ra đảo Cát Bà mỗi năm. Lượng du khách tăng đột biến, lại du nhập vào hòn đảo lối sống của tầng lớp dân trung lưu cần những bồn tắm, bể bơi, bãi cỏ, sân golf… Lúc đó lấy nước đâu cho họ dùng, kể cả có khai thác kiệt nguồn nước tự nhiên. Câu trả lời là: Khử mặn nước biển!
Là những chuyên gia về nước, các nhà lãnh đạo Cty Cấp nước Hải Phòng cảm nhận rất rõ cuộc khủng hoảng nước sắp đến chân rồi. Họ biết phải nhảy ngay từ bây giờ. Tháng 8/2018, một chiếc Boeing của Hãng Hàng không Thái Lan chở đoàn cán bộ Cty Cấp nước Hải Phòng đến Tel Aviv, thủ đô Israel. Ông Cao văn Quý – Phó Tổng Giám đốc đã gặp và được Ngài Chủ tịch hãng Fluence giới thiệu về các thiết bị khử mặn dùng công nghệ thẩm thấu ngược RO.
4 tháng sau chuyến công tác Israel, một container nặng 18 tấn đựng các thiết bị khử mặn được lắp đặt tích hợp sẵn, đã đến hòn đảo Cát Bà. Cty Cấp nước Hải Phòng bắt tay xây dựng công trinh khử mặn nước biển có giá trị thương mại đầu tiên ở Việt Nam, công suất 1.500m3 nước sạch/ ngày. Dự kiến đến năm 2030, con số đó là 12.000m3 nước/ngày.
Bên vịnh Tùng Thu, họ lắp đặt một trạm bơm nước biển, lưu lượng 175m3 nước/giờ, một đường ống dẫn nước biển đường kính 250mm dài 840m về Nhà máy nước Cái Giá, bệ móng đặt container thiết bị khử mặn, hệ thống cấp điện, hệ thống phụ trợ… Tháng 4/2019, những dòng nước ngọt đầu tiên, được lọc qua màng RO, chảy vào bể chứa của Nhà máy nước Cái Giá, sau khi đã khử 99% ion, toàn bộ tạp chất, vi khuẩn. Nồng độ nước biển đầu vào là 35.000mg/lit, ở nước sạch đầu ra là 300mg/lít. Quá ngon ! Ngày này chắc chắn sẽ được ghi vào cuốn Biên niên sử của ngành Cấp nước Việt Nam ! Bây giờ, các ông bà chủ khách sạn Cát Bà có thể tuyên bố: “Hỡi những du khách, chúng tôi có nước để các vị tắm thoải mái!”
Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng đầu tư bằng tiền của mình 39 tỷ đồng vào một dự án khử mặn lúc này chưa nhìn thấy lãi. Những gì họ làm hôm nay thì 3 đến 4 năm sau người ta mới cảm nhận được giá trị của nó. Trong cuộc chạy đua với cuộc khủng hoảng nước toàn cầu nếu đợi khi “hết nước mới nhảy” thì đã quá muộn!
Hà Linh Quân