>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 “Bản lĩnh tiên phong”.
1.
Ai cũng biết, đất là điểm tựa đầu tiên để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cư dân tồn tại với. Xa xưa, khi con người còn sống bằng hái lượm, săn bắt, thì đất gắn với rừng, với sông suối, đồi núi, có đủ các loại cây và con để khai thác theo mùa, làm thức ăn để duy trì sự sống. Khi phát hiện ra các giống cây tự nhiên có thể tạo ra lương thực, thực phẩm, con người thuần dưỡng chúng, rồi biến đất hoang thành nương – ruộng để gieo trồng, tạo ra nguồn thu ổn định hơn. Các tộc người, các nhóm cư dân sống bằng kinh tế nương rẫy phải quảng canh và luân canh, để rừng và độ màu mỡ của đất được phục hồi, để tiếp tục canh tác, đất không bị trọc hóa. Cứ thế, trải bao đời, chu kỳ rừng – đất canh tác – rừng … cứ được duy trì. Còn các nhóm cư dân sống bằng nông nghiệp ruộng nước thâm canh cần ít đất hơn, nhưng theo thời gian, dân số gia tăng, hay “người đẻ, đất không đẻ”, buộc phải khai hoang, lập làng mới, không chỉ những nơi gần, mà cả nơi xa.
Thời Lý, sử cũ đã ghi lại, Thái úy Tô Hiến Thành trong khi thực thi nhiệm vụ của triều đình giao, đã tổ chức cho dân khai hoang, lập ra nhiều làng ở ven biển Hải Phòng. Thời Trần, các vương hầu, công chúa theo lệnh vua đã chiêu tập dân nghèo đi khai hoang, lập ra các thái ấp, rồi sau biến thành làng, cả những nơi xa xôi, chẳng hạn, Thái ấp của Trần Quốc Tảng, nay là vùng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Thời Lê, các cộng đồng cư dân từ nội đồng đã xuống khai phá vùng đất thấp ven biển ở cửa sông Chanh và sông Bạch Đằng, lập ra hơn 20 làng, là lõi của thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) ngày nay. Các vị có công chiêu dân lập làng vẫn được nhân dân tôn thờ, tại miếu Tiên công và hội miếu Tiên công ở xã Cẩm La vào đầu tháng Giêng – là hội lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Thời Nguyễn, kỳ diệu biết bao, Nhà Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ bằng tâm, tài của mình, chỉ hơn một năm đã chiêu tập hàng ngàn người nghèo khai hoang, lập ra hai huyện ven biển và được đặt tên với ước vọng giàu lên từ đất: Tiền Hải (biển tiền) và Kim Sơn (núi vàng). Các cộng đồng làng được nối dài thêm cùng với việc mở rộng lãnh thổ đất nước. Dọc miền Trung trở vào, có biết bao làng xã gắn với tên tuổi của các “Tiền hiền”, “Hậu hiền”, để đất nước trở thành một dải như ngày nay.
2.
Với người nông dân Việt, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, tài sản quý giá nhất, bởi đất kết hợp sức lao động và kinh nghiệm của con người tạo ra lúa, ngô, khoai, sắn để nuôi mỗi gia đình qua các thế hệ; tích lũy dần của cải, tạo thành cơ ngơi, cả về kinh tế, chính trị – xã hội và văn hóa của gia đình. Đất là tiêu chí đầu tiên, căn bản nhất đánh giá sự giàu nghèo của mỗi nóc nhà. Với các làng Việt, đất đai là tất cả cho các hoạt động của cộng đồng. Đất dùng cho các lễ tiết thờ cúng, nhất là trợ giúp cho những người đến lượt phải gánh những công việc rất tốn kém, như nuôi lợn thờ, thổi xôi thờ… Đất để trả phụ cấp cho các chức dịch, để đấu thầu lấy tiền dùng vào các hoạt động hành chính, xây dựng, tu bổ các công trình chung của làng. Đất để khuyến học (học điền)… Đất cũng là yếu tố chủ đạo cho nhiều hoạt động của các tổ chức dưới làng, như xây dựng nơi hội họp và thờ cúng (điếm xóm, nhà thờ họ, nhà thờ hàng giáp, văn chỉ, võ chỉ…), để duy trì các lễ tiết thờ cúng của các tổ chức đó. Đất cũng để tôn vinh các giá trị xã hội, như học trò góp tiền mua ruộng, làm “ruộng giỗ thầy” và tri ân thầy…
Nhiều người giàu có, lắm bổng lộc đã đem hiến số ruộng tích cóp được cho làng dưới dạng đặt hậu thần, hậu Phật; những phụ nữ nghèo khó, không con hoặc chỉ có con gái đã yên bề gia thất, lúc cuối đời gửi lại cho xóm, họ, phe giáp chút ruộng ít ỏi của mình dưới dạng “gửi giỗ”. Như vậy, ở đây diễn ra quá trình “chuyển tư vi công” trong quan hệ đất đai. Đất cũng là khởi nguồn của những mâu thuẫn, xích mích giữa hai cộng đồng cư dân kề cận nhau, nhất là ở các làng ven sông, đất đai nay lở mai bồi vào mùa mưa, những làng ở những vị trí “đắc địa” gắn với chợ, với các di tích thờ cúng có giá trị”, bởi đất đai không chỉ là nguồn sống, mà còn là danh dự cộng đồng.
Những tư liệu trên cho thấy, giá trị đặc biệt của đất đai cùng việc sử dụng đất đai cũng như các hình thái sở hữu ruộng đất thời phong kiến rất đa dạng. Lệ tục làng xã (thể hiện ở hương ước) cùng pháp luật nhà nước kết hợp với nhau để bảo vệ quỹ đất, ngăn chặn tình trạng biến công vi tư của các chức dịch. Điển hình là hương ước làng Dương Liễu (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội), bản hương ước lập năm Chính Hòa thứ 12 (Tân Mùi, 1691) có 11/15 điều quy định về việc quản lý đất đai, nhằm ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất công. Quan lại các cấp khó lòng “chấm mút” từ đất được, vì luật hồi tỵ không cho phép bất kỳ người nào được làm quan ở quê cha, quê mẹ, quê vợ, nơi học cũ, không được lấy vợ, mua nhà, đất ở nơi làm quan. Chính vì thế, trong hơn 100 câu chuyện – vụ án “có tiếng” thời phong kiến mà tôi thu thập được, không có vụ nào, quan lại bị xử vì vi phạm về đất đai.
Nhờ các biện pháp trên đây, cho đến giữa thời Nguyễn, quá trình “biến công vi tư” ruộng đất, nhất là quan điền (ruộng thuộc sở hữu của nhà nước) diễn ra rất chậm chạp; còn các loại ruộng “bán công bán tư” thì tồn tại mãi, đến cuộc cải cách ruộng đất 1953 – 1956.
Sau khi đặt được ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp tiếp tay cho địa chủ (cả người Việt, người Pháp) chiếm đoạt ruộng đất công, cướp đoạt ruộng đất của nông dân, khiến cho số đông nông dân không có hoặc không có đủ ruộng đất để cày cấy, phải đi làm thuê hoặc làm tô cho nhà giàu để kiếm sống. Độc lập dân tộc và Ruộng đất cho dân cày là yêu cầu bức thiết và nhiệm vụ lớn lao nhất mà bất cứ chính đảng, giai cấp nào muốn giành được quyền lãnh đạo đất nước phải giải quyết.
Cuộc cải cách ruộng đất 1953 – 1956 được coi là “cuộc cách mạng long trời lở đất” thực hiện được ước mơ ngàn đời “người cày có ruộng” cho người nông dân. Chính vì “ơn to, công nặng” này mà chỉ mấy năm sau, tầng lớp “bần, cố nông” – những người được nhận ơn huệ đã vui vẻ, tin tưởng đưa ruộng đất, của mình vào hợp tác xã. Không chỉ vậy, cả những người thuộc tầng lớp trung nông cũng không đắn đo giao tài sản lớn nhất tích cóp cả đời (trung nông lớp dưới có trên một mẫu, trung nông lớp trên từ 1,5 đến hơn 2 mẫu) cho hợp tác xã. Từ đây, ruộng đất thuộc “sở hữu toàn dân”, nhưng thực chất là do Nhà nước nắm và giao cho hợp tác xã quản lý. Đất đai chịu số phận thăng trầm chưa từng có. Bên cạnh một diện tích cực lớn được dùng vào các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế, quốc phòng…, lại có không biết bao nhiêu mẫu, sào thước bị lấn chiếm, biến công vi tư; mà không có hiện tượng ngược “chuyển tư vi công” như trước. Xã viên biến một, cán bộ nhân danh hợp tác xã chiếm mười.
Từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, đất đai ngày càng có giá, tấc đất không còn là “tấc vàng” mà là “núi vàng”, đã kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy. “Giá đất tăng lên, tình người suy giảm”, tranh chấp, kiện cáo nhau về đất đai, giữa cả những người ruột thịt với nhau là “chuyện thường ngày ở làng”. Đặc biệt, từ khi một diện tích lớn đất đai chuyển thành đất khu – cụm công nghiệp, đất đô thị, một bộ phận lớn cán bộ có chức quyền thừa cơ chấm mút, bởi chỉ cần một “suất” thôi, cũng “ăn đủ”.
Bao nhiêu “bờ xôi ruộng mật” của cha ông ta vất vả khai phá, cải tạo và đổ máu xương để gìn giữ trở thành miếng mồi ngon của các “tham quan”. Các vụ án lớn, các khiếu kiện về đất đai là “mạch dòng” chủ đạo trong đời sống pháp luật. Người nông dân từng góp hàng mẫu ruộng cho hợp tác xã, giờ chỉ còn vài “tấc đất cắm dùi”, phải nhọc nhằn mưu sinh nơi phường phố. “Ách ba sào” năm 1955 giờ trở thành “ách vài thước”. Cũng từ đất, bao kẻ đang lên như diều bỗng vào vòng lao lý, giàu lên từ đất mà cũng khốn nạn vì đất.
Đất thời đại nào cũng là nguồn tài nguyên, góp phần quan trọng vào việc tạo lập nên các hệ giá trị văn hóa của quốc gia.