Xuất hiện trong cuộc thi quý II Đường Lên Đỉnh Olympia, nam sinh Việt Thái (học sinh lớp Chuyên Đức, THPT Chuyên Ngoại ngữ) trở thành thí sinh thứ hai năm nay lọt vào vòng Chung kết. Anh chàng cũng trở thành đại diện của trường sau 17 năm mới có được thành tích này.
Tuy nhiên, chiến thắng lại bớt vui đi một chút khi Việt Thái liên tục bị chỉ trích có thái độ coi thường đối thủ, chỉ tay lên trời khi giành chiến thắng. Đặc biệt, anh chàng còn bị cho là “cười đểu” thí sinh Nhật Hoàng khi nam sinh này trả lời sai.
Nhưng sự thật có đúng như vậy, cùng nghe những lời phân trần của nam sinh gây ồn ào nhất Olympia năm nay.
#Cười đểu đối thủ, #Chen ngang lời MC, #Diễn trên sân khấu
Ít ai biết, Việt Thái có “duyên nợ” đặc biệt với Olympia. Anh chàng từng sáng tạo trò chơi “Olympia trên giấy” dành cho học sinh Tiểu học. Nhờ thành tích này, 10x được BTC mời đến trận chung kết năm 2015 để làm nhiệm vụ đặc biệt: Đọc câu hỏi cho 4 điểm cầu.
MC Thùy Chi khi đó đã phải bất ngờ trước thành tích học cũng như sự tự tin của đứa trẻ cấp 2. Cô đã “đặt gạch” và đưa ra lời mời Việt Thái trở thành thí sinh của chương trình cũng như trong tương lai gần sẽ trở thành MC thế hệ mới.
Ước mơ thi Olympia của Việt Thái càng quyết tâm hơn khi 17 năm rồi trường chưa có đại diện lọt sâu vào chung kết. “Cứ mỗi phút mình lại nghĩ đến việc thi Olympia. Mỗi khi nản là lại lấy điều này làm động lực quyết tâm thi đấu” – 10x tâm sự.
Chào Việt Thái, cảm xúc của bạn thế nào sau khi đưa được cầu truyền hình về trường Chuyên Ngữ?
Thực ra từ trước khi tham gia chương trình, nhiều người đã nói mình có khả năng giành vòng nguyệt quế. Bản thân mình cũng tự thấy như vậy, nhưng cuộc chơi có nhiều yếu tố, nên mình vẫn gắng để đưa niềm tin lên trước, rồi chiến thắng theo sau. Sau cuộc thi, mình cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô, bạn bè cũng như có những mối quan hệ mới.
Bạn có đọc bình luận về những ý kiến trái chiều xoay quanh thái độ thi đấu của mình?
Mình thấy một số bình luận mang tính xây dựng cao, phù hợp để tiếp thu. Nhưng cũng có bình luận khá tiêu cực nên mình đã tạm gác qua nó. Mình vẫn luôn trung thành với suy nghĩ “ăn mừng mới là tôn trọng đối thủ”, là một cách thừa nhận thành quả thí sinh đã làm được.
Ngoài ra ở trường mình đang theo học, các thầy cô cũng khuyến khích học sinh bộc lộ và thể hiện bản thân nên mình thấy việc bộc lộ cảm xúc là điều tự nhiên. Trong quá trình tham gia cuộc thi, mình không chỉ chơi cá nhân mà còn trải nghiệm cuộc thi. Mình muốn tạo ra sự khác biệt mà 21 năm qua, chưa thí sinh Olympia nào thể hiện ra. Vậy nên mình cũng không muốn chỉ đứng đó nhìn bản thân trả lời câu hỏi trên camera.
Có một bình luận cho rằng Việt Thái “cười đểu” đối thủ khi nam sinh này trả lời sai. Sự thật thế nào?
Mình nghĩ điều này có xảy ra, nhưng mình không hẳn có ý xấu với bạn. Có thể khi đó mình cười vì thấy chính mình đã bị tuột mất cơ hội ghi điểm. Nếu khán giả để ý được những khoảnh khắc mình chơi không hay với đối thủ, thì họ cũng sẽ để ý những lần mình chơi đẹp như vỗ tay khi bạn khác trả lời đúng. Nhưng đáng tiếc các khoảnh khắc đó thường bị lu mờ đi.
Khi đọc bình luận, mình đều suy nghĩ theo hướng xây dựng và tiếp thu. Mình có nhớ lại lần bản thân đã hát chen vào đoạn chị Diệp Chi đang giải thích. Đúng thật khi ấy mình không thực sự đặt bản thân vào thế đang thi. Chỉ nghĩ rằng được đứng trên sân khấu, thì tận hưởng khoảnh khắc đó.
Nhiều khán giả thấy mình không tôn trọng bạn chơi, nhưng đằng sau máy quay còn nhiều khung hình chưa lên sóng. Đặc biệt là 3 vòng Tuần – Tháng – Quý mình tham gia thi còn không có khán giả do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên không nhiều người biết được thái độ thật sự của chúng mình. Sau khi kết thúc, mình và các bạn thí sinh khác vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với nhau. Nếu có khúc mắc thì đã giải quyết ngay lúc đó chứ không đợi dân mạng vào chỉ trích thì chúng mình mới biết bản thân thế nào.
Cho đến bây giờ, Việt Thái có bao giờ cảm thấy ngại khi xem lại các màn trình diễn của mình?
Nói thật, mình vẫn cảm thấy khá ngại khi xem lại phần thi đấu hôm ấy. Mình nghĩ phần nào đó trong bản thân cũng có hơi lố, bởi khi đó có chút “diễn” trong người. Nhưng dù sao cũng đã kết thúc rồi, nên nếu cần điều gì thay đổi trong thời gian sắp tới, mình sẽ cố gắng tiết chế “tự nhiên” nhất để làm hài lòng nhiều khán giả trong trận Chung kết.
Nhà leo núi 2 tuổi rưỡi đã biết đọc, thành thạo 2 ngoại ngữ
Khác hẳn với phong thái thi đấu tự tin trên sân khấu, Việt Thái lại trở nên dè dặt khi chia sẻ thành tích của bản thân: “Thật sự thời đi học của mình không quá nổi bật. Mình đạt thành tích giải Toán qua mạng năm lớp 3-4, giải tiếng Anh qua mạng năm lớp 6-7, giải Tin không chuyên cấp 2…”.
Ấy vậy, anh chàng này thừa nhận có năng khiếu đặc biệt khi yêu cầu cần đọc nhanh. Khởi động là sở trường của Việt Thái khi tốc độ đọc nhanh hơn thí sinh khác, cũng như từng giành đến 160 điểm tuyệt đối cho phần thi Tăng tốc.
Lý giải về điều này, Việt Thái tâm sự đã có khả năng đọc thành thạo từ 2 tuổi rưỡi. Thậm chí, cha mẹ 10x còn định cho nam sinh học vượt lớp vì khả năng đọc tốt hơn bạn bè cùng trang lứa. Cho đến hiện tại, anh chàng cũng được thừa hưởng gen ngoại ngữ và dùng thành thạo 2 thứ tiếng: Tiếng Đức và tiếng Anh.
Việt Thái có thể chia sẻ chút về khả năng ngoại ngữ của mình?
Mình nghĩ một phần đến từ yếu tố bẩm sinh. Bố mình học tiếng Nga, trong khi mẹ lại học tiếng Pháp nên khi sinh ra, mình chỉ mất thời gian ngắn làm quen với tiếng Việt, rồi sau đó đến tiếng Anh.
Nhưng chỉ yếu tố bẩm sinh thôi chưa đủ. Mình cũng phải đọc thêm sách vở. Đến năm cấp 3, mình chọn học tiếng Đức vì thấy ngôn ngữ này khá giống ngoại ngữ đang học, không đòi hỏi phát âm quá nhiều mà cần tư duy logic để ghép từ thành câu, biến thành lời nói của mình. Đến hiện tại dù chưa có bằng cấp, nhưng mình vẫn khá tự tin với khả năng giao tiếp của mình.
Làm cách nào để bạn có được khối lượng kiến thức toàn diện bước vào cuộc thi Olympia?
Điều này phải nói từ sự đam mê và nhiệt huyết. Khi xác định được tình yêu với Olympia, mình đã chuẩn bị tốt nhất kiến thức để không bị gian lận. Ngày xưa, cứ vài phút là mình lại nghĩ đến cảnh được đi thi Olympia. Nên khi đọc cái gì liên quan đến kiến thức, mình cũng đều ghi nhớ nhanh hơn trong đầu.
Bên cạnh thu nạp kiến thức một cách thụ động, mình cũng đọc thêm sách tài liệu, đọc trước sách giáo khoa để nắm vững kiến thức. Bởi chỉ riêng Olympia thì đã có quá nhiều kiến thức ngoài chương trình phổ thông rồi. Thỉnh thoảng đọc những cái lạ lạ, mình cũng cố gắng ghi nhớ vì biết đâu sau này sẽ ra câu hỏi trong chương trình.
Từng nhắc về ba mẹ khá nhiều, Việt Thái có thể chia sẻ thêm vai trò của gia đình trong việc giúp định hướng chuyện học của bạn?
Bố mình là kỹ sư, còn mẹ làm trong ngành du lịch nên ngay từ nhỏ mình đã được tiếp cận nhiều với văn hóa nước ngoài. Chính mẹ cũng hướng mình thi chuyên Ngữ để học thêm các thứ tiếng. Dự định của mình sau khi học hết cấp 3 sẽ đi du học trong điều kiện kinh tế gia đình. Tất nhiên gia đình mình không quá khá giả, nhưng cha mẹ cũng cố gắng hết sức để con cái được bằng bạn bằng bè, được học tập tốt nhất.
Cảm ơn Việt Thái về cuộc trò chuyện này!
Nam sinh Việt Thái cùng vòng nguyệt quế cuộc thi Tháng trên tay
Doanh nghiệp và tiếp thị