01
Khi uống rượu, hãy nhớ “4 điều quan trọng”
Trong văn hóa Việt Nam, rượu có vị trí quan trọng ra sao trong mỗi dịp tụ tập liên hoan hay có công việc gì lớn chắc hẳn mọi người đều đã rõ.
Nhưng rượu lại là một đồ uống không hề tốt cho sức khỏe, nó liên quan mật thiết đến các bệnh như bệnh xơ gan, bệnh gút, tổn thương thận, tổn thương thần kinh và thậm chí là ung thư.
Nếu không thể tránh khỏi việc uống rượu, bạn phải hiểu những “từ khóa” khi uống rượu này và bảo vệ cho tốt cơ thể của mình:
Từ thứ nhất: Lượng
Trong bản “Hướng dẫn chế độ ăn uống của Trung Quốc năm 2016” có nói rằng:
Nam giới trưởng thành: lượng rượu hàng ngày không vượt quá 25g
Nó tương đương với 750ml (1,5 chai) bia, 250ml (1 cốc) rượu vang, hoặc 75g (1,5 lượng hay 75ml) rượu trắng 38 °, hoặc 50g (1 lượng hay 50ml) rượu mạnh.
Phụ nữ trưởng thành: lượng rượu hàng ngày không quá 15g
Tương đương với 450ml bia, 150ml rượu vang, hoặc 50g rượu trắng 38 ° (50ml).
Khi uống rượu, biết cách kiểm soát lượng rượu là nguyên tắc cơ bản để tránh gây hại cho cơ thể.
Từ thứ hai: Độ cồn
Trên bao bì của đồ uống có cồn sẽ ghi rõ nồng độ cồn, chúng ta cần đặc biệt lưu ý.
Nồng độ cồn càng thấp thì lượng cồn trong đồ uống càng ít và càng ít gây hại cho cơ thể.
Vì vậy, hãy chọn loại rượu có nồng độ cồn thấp để uống. Ngoài ra, cố gắng không pha rượu, làm vậy, não chúng ta dễ đánh giá sai lượng rượu và vô tình gây ra tình trạng uống quá nhiều.
Không uống rượu với đồ uống có ga như cola hoặc soda. Vì khí cacbonic trong đồ uống có ga có thể kích thích niêm mạc dạ dày và đẩy nhanh quá trình hấp thụ rượu bia.
Từ khóa ba: Đệm
“Đệm” ở đây có nghĩa là hãy lót dạ trước khi uống.
Ăn một chút gì đó trước khi uống. Rượu và thức ăn trộn với nhau sẽ làm chậm quá trình hấp thụ rượu, nồng độ cồn trong máu sẽ không tăng đột ngột, và gánh nặng xử lý rượu của gan sẽ giảm xuống.
Trước khi uống, có thể ăn một số thức ăn giàu tinh bột, thịt giàu protein, sữa, sữa chua…
Từ khóa thứ tư: Nước
Uống nước hợp lý trong và sau khi uống.
Một mặt, quá trình chuyển hóa rượu của cơ thể sẽ làm tiêu hao nước của cơ thể, uống nước có thể bổ sung nước, bảo vệ các chức năng, cơ quan trong cơ thể.
Mặt khác, nước có thể đẩy nhanh quá trình bài tiết của thận, đồng thời nhanh chóng đào thải các chất chuyển hóa rượu và các chất độc hại khác qua nước tiểu.
Tựu chung lại, uống một lượng rượu vừa phải có thể làm giảm tác hại tới cơ thể, nhất định phải tránh uống quá nhiều dẫn đến say xỉn.
02
Làm thế nào để “giải rượu” sau khi say?
Nhiều người nghĩ rằng say không phải là vấn đề lớn, và chỉ cần ngủ một giấc là xong.
Trên thực tế, trong y học, say rượu được gọi là “trúng độc rượu cấp tính”, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh và gan trong thời gian ngắn, thậm chí gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến tử vong.
Nếu bạn hoặc những người khác có những triệu chứng này trong khi uống rượu, nghĩa là bạn đã trúng độc rượu:
Mức nhẹ: nói nhiều, cáu kỉnh, mặt đỏ bừng hoặc xanh xao, sung huyết mắt, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu…
Mức vừa: đi không vững, cử động vụng về, nói lắp, nói không mạch lạc, hoa mắt, kèm theo buồn nôn và nôn…
Mức nặng: mất ý thức, da nhợt nhạt, môi tím, da xanh xao, thân nhiệt hạ, thở gấp, đồng tử giãn…
Người nghiêm trọng nhất sẽ rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tụt huyết áp, thở chậm, tăng nhịp tim và tử vong do kiệt sức.
Trong trường hợp bình thường, nếu bạn hoặc người khác say nhẹ, hãy ngừng uống ngay lập tức và có các biện pháp thích hợp.
Mình say
Sau khi các triệu chứng say rượu xuất hiện, bạn có thể uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và bài tiết chất cồn. Bạn cũng có thể ăn thêm thức ăn có đường như táo, chuối, cam, mật ong… để bổ sung lượng đường cần thiết để chuyển hóa rượu.
Nghỉ ngơi càng sớm càng tốt sau khi say rượu, tránh tắm hơi, tập thể dục nặng… nằm nghiêng khi ngủ để tránh chất nôn làm nghẹt cổ họng và gây ngạt thở.
Người khác say
Nếu say nhẹ, những người uống cùng cần đảm bảo rằng người say được đưa về nhà an toàn và thông báo cho người nhà của họ rằng họ đang trong tình trạng say và cần được giám sát. Nếu người say không có người thân thích, người uống cùng bàn cần giám sát tương ứng cho đến khi người kia tỉnh dậy.
Nếu họ xuất hiện các triệu chứng say rượu vừa hoặc nặng như rối loạn ý thức, hôn mê, nước da xanh xao, môi tím tái… thì cần đi khám ngay và làm theo lời khuyên của bác sĩ!
Khi một người say rượu có biểu hiện bạo lực thì nên báo công an.
03
Một vài sai lầm về chuyện uống rượu mà bạn nên biết
1. Tửu lượng là luyện mà ra? Sai
Trong cơ thể con người, các chất được sử dụng để giải các vật chất do rượu là alcohol dehydrogenase và acetaldehyde dehydrogenase, hàm lượng những chất này hầu như không đổi, và chúng không thể tăng lên khi uống nhiều rượu hơn.
2. Say rồi thì móc họng để nôn ra là được? Sai!
Nôn nhiều có thể dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng, gây chảy máu dạ dày, trào ngược dịch tá tràng, viêm tụy cấp, về lâu dài dễ dẫn đến trào ngược thực quản.
3. Say rồi thì uống trà hoặc thuốc giải rượu là được? Sai!
Ngoại trừ dehydrogenase và acetaldehyde dehydrogenase trong cơ thể, những thứ bạn ăn vào không hề có tác dụng giải rượu. Uống trà đặc và uống thuốc chống say rượu một cách tùy tiện sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, gan và thận.
4. Những người đỏ mặt thì tửu lượng càng tốt? Sai!
Ngược lại, đỏ mặt thường là biểu hiện của ngộ độc acetaldehyde, một chất chuyển hóa thứ cấp của rượu, nó chứng tỏ người uống đã ở trạng thái say rượu và không uống được nữa!
5. Rượu trắng hại thân, rượu đỏ có lợi? Sai!
Một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí y khoa hàng đầu thế giới “The Lancet” cho thấy, dù chỉ một giọt đồ uống có cồn cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, rượu trắng hay rượu đỏ cũng đều gây tổn thương cho cơ thể!
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh gút, sỏi tiết niệu, bệnh đường tiêu hóa, bệnh nhân glôcôm, người cận thị nặng, dị ứng rượu bia… tuyệt đối không được uống rượu.
Năm nay phải uống rượu như nào mới không khiến cơ thể tổn thương, ắt hẳn trong lòng bạn đã có một cân đòn?
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị