Mòn mỏi chờ những cây cầu

Nghẽn giao thông, tắc du lịch

Nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 60 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng sau gần 2 thập niên lập quy hoạch phát triển, du lịch biển Cần Giờ vẫn chỉ là “người đẹp ngủ say” chờ mãi chưa có người đến đánh thức.

6a-dgot-7350-1592878058.jpg

Để đến Cần Giờ, người dân vẫn phải di chuyển bằng phà Bình Khánh. Ảnh: Ngọc Dương

Nguyên nhân đầu tiên đến từ hạ tầng giao thông. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ là bước đi đúng đắn của TP để phát triển đột phá vùng kinh tế phía đông, đặc biệt là H.Cần Giờ. Tuy nhiên, muốn dự án thành công, điều kiện cần, tiên quyết là phải có hạ tầng giao thông, giải quyết tuyến độc đạo phà Bình Khánh hiện nay, nhanh chóng xây dựng cầu Cần Giờ.

Tương tự, cầu Cát Lái nối Q.2 (TP HCM) với H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) thay thế phà Cát Lái hiện hữu cũng là một trong những công trình được rất nhiều người dân mong ngóng. Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP HCM, lưu lượng người dân qua phà Cát Lái trung bình khoảng 50.000 lượt khách/ngày, giai đoạn cao điểm dịp lễ, tết có khi lên tới 100.000 lượt/ngày. Trung bình, thời gian chờ phà và di chuyển qua sông của một lượt khách là khoảng 20 phút cho việc qua đoạn sông dài khoảng 1 km này. Nhiều người đi làm, nhưng phải chăm chăm canh giờ về sớm để tránh cao điểm, ùn tắc tại đầu bến. Đặc biệt tại những dịp lễ, tết, hàng ngàn người đổ về Bến phà Cát Lái để đi Đồng Nai và Vũng Tàu khiến cửa ngõ phía đông của TP kẹt xe nghiêm trọng.

Ì ạch do thiếu vốn

Sớm nhận thấy rào cản giao thông là nguyên nhân chính khiến du lịch Cần Giờ không thể khởi sắc, cuối tháng 9/2015, CTCP đô thị du lịch Cần Giờ đã đề xuất xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện tại để kết nối giao thông. Tuy nhiên, vị trí xây cầu mà nhà đầu tư đề xuất lại không nằm trong quy hoạch giao thông, nên TP phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét.

Đến tháng 8/2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ GTVT rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai. Ngày 9/5/2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác.

UBND TP HCM đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch – Đầu tư hướng dẫn liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam – Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng.

Song, gần 3 năm trôi qua, dự án vẫn không hề “nhúc nhích”. Giữa tháng 4/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM công bố kết quả cuộc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ đã dấy lên hy vọng cây cầu mơ ước bao năm sắp thành hình. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên chiều 22/6, đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết đến nay vẫn chưa thể xác định khi nào cầu Cần Giờ mới có thể khởi công. Cụ thể, dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn BOT khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, huy động theo hình thức BT khoảng 7.000 tỷ đồng. Hiện nay luật PPP vẫn chưa xác định được lối ra cho các dự án thực hiện theo hình thức BT. Nếu các dự án BT phải tạm ngưng, cầu Cần Giờ cũng sẽ đi vào ngõ cụt.

Cũng theo vị này, tương lai của cầu Cát Lái còn mông lung hơn. “Phương án xây cầu Cát Lái đã được Thủ tướng đồng ý giao TP HCM triển khai đầu tư, nhưng sau đó được giao tỉnh Đồng Nai chủ trì kêu gọi đầu tư và đến nay vẫn còn trong giai đoạn khởi động. Hiện nay, Sở GTVT Đồng Nai đề xuất 3 phương án hướng, tuyến của cầu nhưng vẫn còn cần rà soát để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu. Dự án vẫn chưa xác định hình thức đầu tư”, đại diện Sở GTVT thông tin.

Tin liên quan