“Mở đường” cho dự án treo

Từ “kiệt tác” 125 triệu USD với khách sạn 5 sao 35 tầng, căn hộ cao cấp 27 tầng cùng trung tâm thương mại hoành tráng, dự án Đà Nẵng Center hiện chỉ là bãi đất hoang với cỏ mọc um tùm.

Hoành tráng…. trên giấy

Tháng 3/2008, khu vực trung tâm TP Đà Nẵng trở nên ồn ào và náo nhiệt với sự xuất hiện của nhiều dải băng rôn, cờ hoa rợp trời cùng nhiều vị khách mời đặc biệt ở cả Trung ương và Địa phương. Đó là sự kiện Công ty CP Địa ốc Vũ Long Châu đã tổ chức trọng thể lễ khởi công xây dựng 2 công trình gồm Đà Nẵng Center và Han Riverside.

Dự án Đà Nẵng Center có diện tích gần 8.500 m2 với trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao 35 tầng và căn hộ cao cấp 27 tầng với tổng vốn cam kết 125 triệu USD (2.600 tỉ đồng). Dự kiến công trình trên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần 10 năm, trên mặt bằng khu đất vẫn là cỏ lác mọc um tùm bên cạnh hành trăm chiếc cọc lởm chởm, hoen rỉ cùng một số thiết bị, vật tư hư hỏng, chỉ còn giá trị… sắt vụn.

Cũng giống như nhiều dự án bỏ hoang khác nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng, Đà Nẵng Center  trở thành nổi bức xúc của người dân cũng như “gánh nặng” của lãnh đạo TP tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri.

Đầu năm 2016, giới đầu tư rộ lên thông tin dự án sẽ được chuyển nhượng lại cho Saigon Co.op, chủ sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart. Tuy nhiên, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, vì nhiều lý do “cuộc hôn nhân” này đã không thành.

“Mở đường” cho dự án treo 1

Phối cảnh hoành tráng Dự án Đà Nẵng Center với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD 

Có lẽ vì vậy mà ngày 22/11/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng đã có văn bản số 385/QĐ-SKHĐT do ông Trần Văn Sơn – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng ký với nội dung chấp thuận đề nghị giãn tiến độ đầu tư dự án Đà Nẵng Center theo giấy chứng nhận đầu tư số 32121000064 chứng nhận lần đầu ngày 14/7/2008 do UBND TP Đà Nẵng cấp.

Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được chấp thuận giãn tiến độ trong vòng 24 tháng kể từ ngày 31/10/2016 đến 31/10/2018 theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Thành phố Đà Nẵng cũng nêu rõ trong văn bản này là đến ngày 31/10/2016, công ty Vũ Châu Long phải hoàn thành điều chỉnh các hạng mục thiết kế phần Trung tâm thương mại và tầng hầm; từ quý IV/2016 thi công xây dựng các hạng mục tầng hầm 1,2 và 3; quý I/2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng khối trung tâm thương mại 09 tầng và đến ngày 31/10/2018 thì hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.

“Mở đường” cho dự án treo 1

Theo quyết định của Sở KHĐT thì quý I/2018 hoàn thành, đưa vào sử dụng khối trung tâm thương mại 09 tầng và đến ngày 31/10/2018 thì hoàn thành công trình nhưng hiện tại dự án vẫn án binh bất động

Tuy nhiên, bất chấp quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn án binh bất động, cỏ mọc um tùm,… với hố sâu hoắm lởm chởm hàng trăm cọc bê tông cùng một số thiết bị hư hỏng nằm chỏng chơ và dãy hàng rào tôn sắt lạnh chung quanh. 

Chuyển nhượng hay trả lại?

Liên quan đến những dự án “treo” giữa trung tâm TP. Đà Nẵng, vào năm 2015, lãnh đạo TP này đã “bật đèn xanh” khuyến khích chuyển nhượng dự án. Quan điểm của lãnh đạo TP này đưa ra là cho phép chuyển nhượng vừa giải quyết được nợ nần cho nhà đầu tư cũ, dự án lại có tiền để thực hiện nghĩa vụ với Thành phố.

Khi nhà đầu tư triển khai dự án, Thành phố đỡ cảnh nhếch nhác vì tình trạng dự án khoanh tôn từ năm này qua năm, gây bức xúc cho nhân dân… Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án, Thành phố tiếp tục thu được tiền chuyển nhượng.

Và thực tế, từ chủ trương này, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án như Dự án Khu chung cư Deawon (Hàn Quốc) tại chân cầu Tuyên Sơn đã được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư Nhà quốc gia N.H.O; Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) được nhượng cho Tập đoàn PPC An Thịnh; Dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á chuyển sang tay Tập đoàn Alphanam…

Cùng với việc “mở đường” cho nhà đầu tư, Đà Nẵng cũng tỏ ra rất kiên quyết với các dự án bỏ hoang, “trùm mềm, đắp chiếu”. Theo đó, lãnh đạo thành phố này đã yêu cầu rà soát các dự án ven biển chậm triển khai, nếu sau khi ký cam kết 24 tháng nhà đầu tư không triển khai dự án thì phải tiến hành thu hồi theo luật định.

Bình luận về vấn đề này, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản chia sẻ để thị trường phát triển một cách ổn định, bền vững và minh bạch thì những động thái cừa nêu trên của TP Đà Nẵng hoàn toàn chính xác.

Theo ông Dương, đây là bước sàng lọc cần thiết để thiết lập lại trật tự trên thị trường, tránh lặp lại tình trạng như cách đây vài năm, khi thị trường này phát triển quá nóng, nhiều chủ đầu tư đã “tay không bắt giặc”, nhưng sau đó lại không đủ năng lực tài chính để thực hiện tiếp dự án.

Về phía các chủ đầu tư, theo giới phân tích thời điểm này, chủ đầu tư của những dự án treo nên xin bị thu hồi để được trả lại tiền đã đầu tư bởi theo Luật Đất đai mới có hiệu lưc thì nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án trong vòng 1 – 2 năm thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

“Không triển khai được dự án trong khi đã đổ vào đó hàng “đống tiền” thì tốt nhất là xin trả lại dự án để nhận được tiền đã đầu tư. Còn hơn là bị thu hồi, mất trắng”, giám đốc một DN bất động sản (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh.

THU GIANG

Tin liên quan