Mặt sau tấm huy chương: Vinh quang và tủi nhục!

Đôi lúc, đối diện với một sự thật ngang trái nào đó, bạn thét lên rằng “Cuộc đời thật bất công”. Tỷ phú Bill Gates cũng đưa ra quan điểm “Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen với điều đó”.

Triết gia lỗi lạc người Anh, Bertrand Russell lại có cái nhìn thoáng hơn, “nếu như hạnh phúc trên đời đều đặt trên nền tảng của sự công bằng thì cuộc sống chẳng có gì thú vị và để ta phấn đấu nữa”.

Vậy tóm lại, cuộc đời này là bất công hay công bằng? Ví cuộc đời như một sợi dây hữu hạn và chặt nó ra từng khúc thì đôi lúc con người không thể lý giải nổi câu hỏi: Vì sao thế kia? Tại sao thế này?

Trước một nghịch cảnh và chỉ xét nghịch cảnh đó trong sự đứt đoạn thì thấy sự bất công, hoặc công bằng bao trùm. Nhưng nếu con người ta cố gắng ráp nối các đoạn dây lại với nhau thành một chuỗi thì thấy cuộc sống vốn dĩ công bằng.

Một ngày nọ, muông thú cả khu rừng họp lại, lão voi phàn nàn, tôi tuy khỏe, có uy phong nhưng thân hình chậm chạp; chú thỏ thì bảo, tôi được cái nhanh nhẹn nhưng yếu ớt, ước gì tôi có sức khỏe như cụ voi. Nghe vậy lũ chim muông ríu rít, còn chúng tôi thì chỉ bay cao, bay xa chứ chạy nhảy thua các vị…

Đấy, cuộc sống là vậy, khó có thể nói là ai bất công, ai hạnh phúc trong câu chuyện trên. Bởi vốn dĩ, tạo hóa đã sinh ra chúng sinh trên đời là có lý do, xã hội công nghiệp đã tạo ra khái niệm “phân công lao động”, mỗi người một việc và ai cũng có giá trị riêng của mình trong chuỗi cộng sinh toàn nhân loại.

Không hẳn nhiên mà Triết học đã đặt ra yêu cầu buộc con người phải nhận thức được “vị trí” và “vai trò” của mình trong thế giới này.

Câu nói của Bertrand Russell có thể hiểu, bất công là một loại năng lượng vĩnh viễn, nhờ nó là còn người phấn đấu, học hỏi để tiến bộ, xã hội phát triển, vượt qua nghịch cảnh, khó khăn để sống cuộc đời đẹp đẽ mới là ý nghĩa tận cùng của cuộc sống.

Sở dĩ, dong dài một chút chuyện công bằng hay bất công là có lý do, mấy hôm nay rất nhiều người đặt ra vấn đề công bằng giữa tấm huy chương vàng bóng đá và những tấm huy chương đồng hạng khác ở Seagame 30.

Cô bé “hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh của đội điền kinh Việt Nam mang về “hatrick huy chương vàng” là ví dụ điển hình; hay một mình Ánh Viên “gom” được số huy chường vàng gấp 3 lần 2 đội bóng nam, nữ giành được.

Chủ nhân 3 huy chương vàng Seagame 30 môn điền kinh

Chủ nhân 3 huy chương vàng Seagame 30 môn điền kinh

Nhưng sao cả Ánh Viên và Nguyễn Thị Oanh không được nhắc đến nhiều như những cô gái và chàng trai trong hai đội bóng? Thoáng qua có vẻ đã có sự bất công không hề nhẹ.

Nhưng ngồi ngẫm lại, hẳn không hoàn toàn như thế. Hãy xem, trên thế giới môn điền kinh và môn bóng đá bên nào được quan tâm nhiều hơn? Thậm chí giá trị tinh thần và giá trị kinh tế mà bóng đá mang lại là vượt trội. Đây là vấn đề thuộc về hiện thực khách quan.

Để chung tay tri ân những vận động viên đã mang vinh quang về cho Tổ quốc tại Seagame 30, đặc biệt là những vận động viên có thành tích xuất sắc vượt trội. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp kính gửi tặng vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh số tiền 10 triệu đồng.

Hãy lấy trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng làm ví dụ, Dũng từng được ví là “chồng quốc dân” sau màn trình diễn xuất sắc ở Thường Châu. Nhưng chỉ một pha mắc sai lầm trong trận gặp U22 Indonesia đã biến thủ môn này thành tội đồ trong chớp mắt. Ai còn nhớ anh từng đẩy penalty, cứu thua trong gang tấc?

Ngoài việc yêu cầu phải bắt hay, đạo đức tốt còn phải đối đầu với búa rìu dư luận, thậm chí đánh đổi cả sự nghiệp. Ngày thường, chỉ cần ai nói với ta một điều trái tai tối về nằm ấm ức không ngủ được.

Vậy khi truyền thông chỉ trích, dư luận mắng mỏ, mở cửa ra đã nghe chửi. Ai đủ dũng cảm vượt qua nỗi mặc cảm tội lỗi ấy? Đó là cái giá phải trả không hề nhỏ, nên khi họ được bước lên bục vinh quang tột cùng thì hãy bình tĩnh suy xét. Âu đó cũng là sự công bằng mà thôi.

Bóng đá lắm vinh quang nhưng không ít tủi hờn

Bóng đá lắm vinh quang nhưng không ít tủi hờn

Bóng đá mang đến tột đỉnh vinh quang nhưng cũng nghiệt ngã không kém. Người ta thống kê được rằng, thành tích của ông Park với bóng đá Việt Nam không chỉ là các giải đấu mà còn lấy đi…sự nghiệp của rất nhiều HLV tên tuổi.

Sa thải! Là cụm từ rất nặng nề đối với những người sống trong nền văn hóa Á Đông. Bạn sẽ thế nào nếu một ngày tổ chức nơi bạn làm việc quăng cho bạn cái trát “yêu cầu nghỉ việc”? Nhưng chuyện này lại thường xuyên xảy ra trong bóng đá.

Cũng nên lý tính mà nghĩ rằng, một vận động viên nào đó không đạt huy chương vàng, chắc chắn áp lực dư luận không lớn, chẳng ai mổ xẻ, quy kết đổ trách nhiệm. Đỗ lỗi thế nào khi “tôi đã cố gắng hết sức”? Đó cũng là sự công bằng!

Nhưng bóng đá thì khác, cho dù tận hiến tới mức nào mà kết quả bất lợi cũng sẽ thành bia đỡ đạn trước miệng lưỡi thiên hạ. Khi đội tuyển Brazil thua tan nát 7-1 trước tuyển Đức tại World Cup 2014, toàn đội hình thi đấu bị nhắn tin dọa giết, mấy tháng sau cầu thủ không dám ra đường!

Có ai còn nhớ những Seagame, những giải đấu mà bóng đá Việt Nam loại từ vòng bảng hoặc thua tan nát ở bán kết. Là người mộ điệu, chúng ta được sướng với chiến thắng, nhưng có ghé vai ghánh bớt tủi nhục cho cầu thủ khi họ bị đạp xuống bùn đen?

Sau khi khiến ngôi sao số 1 của U22 Indonesia Evan Dimas ra nghỉ và ghi liền hai bàn thắng, Đoàn Văn Hậu bị tấn công vào trang cá nhân, hàng tá lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, dọa dẫm…liệu có công bằng?

Cách đây đúng 25 năm, World Cup 1994 (tại Mỹ), hậu vệ, đội trưởng tuyển Colombia phải trả giá bằng sinh mạng của mình khi sẩy chân “đốt” lưới nhà! Chung cuộc thua Mỹ 1-2 và không vượt qua nổi vòng bảng. Đây là công bằng?

Vậy nên, dù thành tích khủng khiếp đến chừng nào thì vận động viên điền kinh trứ danh Usain Bolt cũng không thể được săn đón và ngưỡng mộ như siêu sao bóng đá Ronaldo hay Messi. Điều đó không thể gọi là bất công!

Chẳng ai kêu gọi, hãy tôn vinh bóng đá, hạ thấp các môn thể thao khác. Mà nó tự nhiên diễn ra như một quy luật trời định. Đây cũng là công bằng!

Trương Khắc Trà

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Tin liên quan