Mập mờ Văn Phú Invest bỏ 34 tỷ để “ôm” khu đất gần 1.000 tỷ đồng tại Hà Nội

Văn Phú Invest chỉ bỏ ra gần 34 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty In và Văn hóa phẩm để thâu tóm lô đất 6.700 m2 tại Hào Nam hiện có giá thị trường lên đến gần 1.000 tỷ đồng.

Chắc hẳn mọi người đều nhớ sau phiên IPO của CTCP In và Văn hóa phẩm vào tháng 2/1015, CTCP Thương mại Miền Bắc – đứng sau là Văn Phú Invest đã trở thành cổ đông chiến lược của đơn vị này khi mua hơn 3 triệu cổ phần, chiếm gần 47% vốn và tương đương với 34 tỷ đồng.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Điều này đồng nghĩa với việc Văn Phú Invest đã thâu tóm được nhiều lô đất vàng mà CTCP In và Văn hóa phẩm đang sở hữu tại Hà Nội.

Đó là lô đất 83 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội có diện tích gần 6.700 m2, là đất thuê 30 năm (1996 – 2026); lô đất rộng 9.555 m2 tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, là đất thuê 30 năm (2003 – 2033); trước đó còn có lô đất rộng 768 m2 tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội, là đất thuê 20 năm (1996 – 2016).

Riêng lô đất tại 83 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đang có giá thị trường lên đến gần 1.000 tỷ đồng, giá đất mặt đường quanh khu vực cũng lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Trên khu đất này, Văn Phú Invest đang triển khai dự án Sapphire Tower với quy mô một tháp chung cư và 30 căn biệt thự, tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng.

Mập mờ Văn Phú Invest bỏ 34 tỷ để “ôm” khu đất gần 1.000 tỷ đồng tại Hà Nội 1

Phối cảnh dự án Sapphire Tower trên khu đất vàng 83 Hào Nam

Ngay sau khi Văn Phú Invest thâu tóm Công ty In và Văn hoá phẩm, qua đó sở hữu luôn đất vàng 83 Hào Nam đã lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Thứ nhất, tới tháng 12/2014 mới chào mời các nhà đầu tư chiến lược nộp hồ sơ tham gia và phê duyệt phương án cổ phần hoá, tuy nhiên ngay từ đầu năm, ngày 8/1/2014, Ban chỉ đạo Cổ phần hoá đã ký biên bản thoả thuận về số cổ phần và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Thương mại Miền Bắc. Trong khi đó, Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư 196/2011 của Bộ Tài chính quy định số lượng cổ phần, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thoả thuận trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày phương án cổ phần hoá được phê duyệt.

Thứ hai, mặc dù nắm trong tay nhiều lô đất vàng và đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song các lô đất của Công ty In và Văn hoá phẩm đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá.

Thứ ba, theo phương án cổ phần hoá Công ty In và Văn hoá phẩm, nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 300 tỷ đồng vào niên độ tài chính 2013, cam kết không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu 5 năm và có kinh nghiệm trong ngành tối thiểu là 15 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành in.

Tuy nhiên nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Thương mại Miền Bắc vào thời điểm nộp hồ sơ tham gia mới được thành lập 10 năm, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, vốn điều lệ vào đầu năm 2016 là 89 tỷ đồng.

Mập mờ Văn Phú Invest bỏ 34 tỷ để “ôm” khu đất gần 1.000 tỷ đồng tại Hà Nội 1

Giá đất mặt đường Hào Nam có nơi lên đến gần 200 triệu đồng/m2

Cần những giải pháp mạnh

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí phân tích, nhiều doanh nghiệp đang được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại có giá trị doanh nghiệp “bèo bọt”. Từ đây, hậu cổ phần hoá các cổ đông có thể hưởng một khoản chênh lệch lớn nếu doanh nghiệp được cấp sổ đỏ và lợi thế quỹ đất này chắc chắn rơi vào túi các cá nhân. Như vậy, cổ phần hoá mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trường hợp này được nhận định là tương tự như trường hợp của Hãng Phim Truyện Việt Nam, hay thương hiệu Kem Tràng Tiền với mảnh đất vàng giữa lòng thủ đô bị thôn tính.

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, đã có kẽ hở rất lớn liên quan đến đất đai trong cổ phần hoá.

“Từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nắm giữ nhiều đất vàng. Do đó, đã đến lúc cần có thêm những giải pháp mạnh để lấp được những lỗ hổng trong quá trình định giá doanh nghiệp cũng như quản lý, sử dụng đất đai, ngăn lợi dụng quá trình cổ phần hóa để trục lợi” – ông Tiến khẳng định.

Quay trở lại câu chuyện của Văn Phú – Invest, trao đổi với phóng viên, ông Tô Như Toàn – Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, trong 2 năm tới Công ty dự kiến sẽ khởi công các dự án The Victoria – An Hưng, Grandeur – Giảng Võ, các dự án tại Hà Cầu, Dương Nội, Kiến Hưng, đồng thời bàn giao căn hộ dự án Hào Nam, Giảng Võ và đưa vào kinh doanh dự án căn hộ khách sạn Hồ Tây.

Việc nắm trong tay nhiều quỹ đất vàng, Văn Phú – Invest cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng với doanh thu dự kiến năm 2018 lên đến 1.933 tỷ đồng, tăng gần 136% so với tổng doanh thu dự kiến năm nay. 

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cư dân Home City bức xúc, tố chủ đầu tư Văn Phú-Trung Kính không trung thực

LINH NHI

 

 

 

Tin liên quan