Lời khuyên từ nhà tuyển dụng 10 năm kinh nghiệm: Đi làm, muốn trở thành người quan trọng thì trước hết phải làm tốt những việc ít quan trọng, đừng chỉ ‘sống sót’ mà phải ‘sống tốt’

Đi làm công sở không có nghĩa là bạn ngồi bàn giấy từ 8h sáng đến 5h chiều xách cặp ra về đều đều mỗi ngày, chỉ làm đúng việc của mình và không để ý gì đến mọi thứ xung quanh. Những quy tắc ứng xử cơ bản sau đây từ chị Nguyễn Thị Phượng, một trong các tác giả cuốn sách Người Trong Muôn Nghề và là người có 10 năm kinh nghiệm làm tuyển dụng sẽ giúp bạn tránh khỏi những rắc rối không đáng có.

Phải biết vị trí của mình ở đâu

Khi đã chính thức được nhận vào làm tại một công ty, bạn đương nhiên đã trở thành một mắt xích trong cả bộ máy hoạt động, và để cỗ máy đó hoạt động được trơn tru, việc kết nối được với những người khác là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bạn có thể không phải là người xuất sắc nhất, nhưng phải biết phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp và biết được mình ở đâu.

Rất nhiều lính mới có suy nghĩ là mình đã vượt qua nhiều thử thách và bài kiểm tra năng lực từ vòng phỏng vấn rồi nên nghiễm nhiên được giao những công việc quan trọng. Thế nhưng đời không như mơ đâu bạn à. Muốn trở thành người quan trọng thì trước hết bạn phải học cách làm thật tốt những việc ít quan trọng hơn.

Hãy nhớ, ở nơi công sở, những công việc dù lớn dù nhỏ đều dạy cho mình một điều gì đó… Bạn nên đặt mục tiêu tài chính đi sau, và tích lũy kinh nghiệm là ưu tiên hàng đầu khi còn trẻ. Mình cần phải có trải nghiệm đủ chính để đạt được một vị trí cao hơn và mức lương hấp dẫn hơn.

Lời khuyên từ nhà tuyển dụng 10 năm kinh nghiệm: Đi làm, muốn trở thành người quan trọng thì trước hết phải làm tốt những việc ít quan trọng, đừng chỉ sống sót mà phải sống tốt - Ảnh 1.

Hòa đồng chứ không hòa tan

Việc bắt kịp với văn hóa công ty và hòa đồng trong môi trường công sở sẽ giúp bạn có ưu thế và tiến xa hơn trong công việc. Bất cứ môi trường công sở nào cũng sẽ có chuyện này chuyện kia và thị phi là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Có thể nó không đến trực tiếp với bạn, nhưng tránh được chút nào thì hay chút đó.

Để không phải gặp nhiều rắc rối, tốt nhất bạn không nên thể hiện cái tôi quá lớn, thay vào đó hãy giữ thái độ trung lập khi chưa chắc chắn là bên nào đúng. Hãy nhớ là “trung lập” chứ không phải ba phải, gió chiều nào che chiều ấy để làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy trung thực, tận tâm và biết hỗ trợ người khác lúc cần thiết; nếu cần xin lỗi hãy sử dụng đúng chỗ, đúng lúc.

Chuẩn bị tinh thần trước những bất ngờ

Khi đi làm công sở rất có thể chúng ta sẽ gặp phải các tình huống bất ngờ không có trong kế hoạch, ví dụ như sếp giao thêm việc gấp, đồng nghiệp nhờ bạn giúp chạy deadline, những lỗi lầm khiến công sức nhiều ngày của bạn đi tong trong phút chốc… vì thế khả năng ứng phó với những chuyện ngoài tầm kiểm soát là rất quan trọng.

Hoảng hốt, mất bình tĩnh sẽ là điều tệ nhất bạn có thể làm lúc này. Nếu mới gặp chút chuyện đã mất bình tĩnh, hoảng hốt thì sếp sẽ cho rằng bạn không đủ tâm lý để gánh vác những việc quan trọng hơn. Việc bạn cần làm là ngồi xuống thật bình tĩnh, phân tích và quan sát thật tốt để tìm ra giải pháp.

Lời khuyên từ nhà tuyển dụng 10 năm kinh nghiệm: Đi làm, muốn trở thành người quan trọng thì trước hết phải làm tốt những việc ít quan trọng, đừng chỉ sống sót mà phải sống tốt - Ảnh 2.

Biết cách đặt câu hỏi

Không ít lính mới có quan điểm sai lầm rằng mình sẽ bị xem là dốt, năng lực kém khi gặp những khúc mắc trong quá trình làm việc. Tuy nhiên bạn cần phải hiểu rằng những người biết đặt câu hỏi đúng còn được đánh giá cao hơn nhiều những người không chịu học hỏi mà cứ tự ý làm theo ý mình. Dù tài giỏi đến đâu bạn cũng không thể biết hết mọi thứ và việc nhận hỗ trợ của người khác là hoàn toàn bình thường.

Nếu như khi đi học, thầy cô giáo dạy cho bạn kiến thức để giải quyết vấn đề, còn khi đi làm, người ta sẽ cho bạn một vấn đề để bạn giải quyết, sau đó mới dạy cho bạn một bài học. Vì thế để có thể làm mọi việc đến nơi đến chốn, hãy gạt bỏ nỗi sợ đặt câu hỏi, để học từ cấp trên, từ đồng nghiệp.

Đi làm nơi văn phòng, nếu bạn muốn thành công thì chỉ “sống sót” thôi là chưa đủ. Những lời khuyên từ nhà tuyển dụng sẽ là điều bạn cần phải nhớ nằm lòng để có thể “sống tốt”.  

“Người Trong Muôn Nghề” – cuốn sách hướng nghiệp gối đầu giường của các bạn trẻ trong năm 2020 sẽ là một nguồn tham khảo tốt đối với các tân binh.

Cuốn sách này là tuyển tập những câu chuyện đi làm tâm huyết đến từ những cây viết dày dặn kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau.

Phần 1 “Phù hợp hay là chết” sẽ giới thiệu cho bạn những môi trường làm việc khác nhau: từ tập đoàn lớn, làm cơ quan nhà nước, startup công nghệ hay freelance.

Phần 2 giúp bạn hiểu thêm thực tế những điều được và mất của các nghề khác nhau: từ Marketing, Y tế, Giáo dục, Công nghệ Thông tin cho tới những nghề “lạ” như Game Designer hay Youtuber.

Phần 3 bật mí cho bạn những kĩ năng, tâm lý mà mình cần chuẩn bị khi muốn thích nghi với cuộc sống nơi công sở đầy thị phi. Tất cả những trải nghiệm của các bậc tiền bối sẽ cho bạn một bước đệm vững chắc để bắt đầu con đường sự nghiệp của mình.


Vũ Khuê

Tin liên quan