Loại cây mọc hoang bờ bụi ở Việt Nam là “thuốc quý bậc nhất” bảo vệ gan và mật

Nhân trần là loại cây mọc dại nhưng được xếp vào một trong những thảo dược quý tốt cho sức khoẻ. Không chỉ tại Việt Nam nhân trần được dùng làm thuốc mà các nền y học cổ truyền như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia… rất coi trọng loại cây này.

Đại tá Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho hay, nhân trần là loại cây được dân ta đun nấu thành nước uống thay chè và nước vối trong những ngày thời tiết nóng bức. Không chỉ có tác dụng giải nhiệt nước nhân trần còn có tác dụng tốt cho gan và mật.

Trong Đông Y nhân trần được xếp vào nhóm cây thuốc nam quý giúp mát gan và tốt cho người có bệnh lý về gan. Nhân trần có vị đắng, mùi thơm, tính bình. Đi vào 2 kinh Can, Đởm. Có tác dụng thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, làm ra mồ hôi. Dùng để chữa các chứng bệnh: tiểu tiện vàng đục, ăn uống tiêu hóa kém, da vàng, cảm cúm…

“Nhân trần được xem là vị thuốc nam rất tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Vì nhân trần có đặc tính thúc đẩy khả năng tiết và bài xuất dịch mật, đào thải độc tố, làm mát gan. Mỗi ngày dùng từ 10-25g nhân trần nấu nước uống sẽ giúp cải thiện được tình trạng gan nhiễm mỡ”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

 Loại cây mọc hoang bờ bụi ở Việt Nam là “thuốc quý bậc nhất” bảo vệ gan và mật - Ảnh 1.

Nước nhân trần tốt cho gan, ảnh minh hoạ.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, nhân trần được dùng làm thuốc để bảo vệ lá gan cụ thể như sau:

– Để mát gan lợi mật, thanh nhiệt dùng: Nhân trần, mã đề phơi khô. Mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.

– Vàng da, ra nhiều mồ hôi ở đầu, miệng khô, bụng đầy, tiểu tiện khó dùng: nhân trần, chi tử, đại hoàng sắc lấy nước uống chia làm 3 lần trong ngày.

– Người bị viêm túi mật dung: nhân trần, bồ công anh, nghệ vàng sắc uống hàng ngày.

Nhân trần là loại nước uống giải khát nhưng cũng là vị thuốc vì vậy dùng sai cũng gây ra hệ lụy cho cơ thể. Do nhân trần có khả năng kích thích tiết mật vì vậy nếu dùng quá liều có thể gây ra tình trạng khó tiêu. Nhân trần có tính lợi tiểu dùng quá nhiều sẽ gây ra tình trạng đi tiểu nhiều gây mất nước.

Lương Y Bùi Hồng Minh khuyến cáo, chỉ nên dùng nhân trần liều từ 10-25g/ngày. Nếu dùng nhân trần là thuốc điều trị thì phải phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị và bác sĩ Đông y. Lưu ý người có chứng thấp nhiệt, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ đang mang thai không nên dùng.

– Khi mua nhân trần cần phải phân biệt với nhân trần Trung Quốc. Nhân trần Việt Nam cây thân thảo, cao gần 1m, hình trụ thẳng, đơn hay có khi phân cành, nhánh, lá, phiến lá hình trứng nhọn, mép răng cưa thưa, cuống lá ngắn. Tràng hoa màu tím hay lam. Lá mùi thơm, vị cay hơi đắng.

– Nhân trần bồ bồ còn gọi là nhân trần hoa đầu có mùi hắc hơn nhân trần và giá rẻ hơn.

– Nhân trần nhiều lá bắc, họ hoa mõm sói, lá không cuống, phiến lá thon dài, mùi thơm, mọc trên đất phèn.


Ngọc Minh

Tin liên quan