Lo lắng trong công việc là điều chẳng ai tránh được…

Trong thiền có một sự so sánh rất thú vị, những suy nghĩ và cảm xúc trong đầu chúng ta giống như con khỉ chuyền cành, nhảy hết từ cành này sang cành kia mà chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Những cảm xúc tốt và tích cực là động lực để chúng ta làm việc, tuy nhiên có vẻ như hàng ngày con khỉ trong đầu lại thích nhảy qua nhảy lại những cành cây tiêu cực hơn.

Một trong những cảm xúc tiêu cực thường gặp là sự lo lắng. Sự lo lắng có thể đến bất chợt vào một thời điểm trong ngày mà chẳng báo trước. Có thể là buổi sáng ngủ dậy, bỗng nhiên sự lo lắng về một buổi họp trong ngày chiếm trọn tâm trí. Hoặc là lo lắng về dự án khiến cho lên giường nằm đã lâu mà vẫn chưa ngủ được.

Sự lo lắng thường đến từ quá khứ, hoặc tương lai. Quá khứ đã có chuyện gì đó xấu xảy ra, bạn lo lắng sợ hậu quả, sợ bị đào lại… Tương lai có rất nhiều viễn cảnh, nhưng viễn cảnh thường được tua đi tua lại trong đầu chúng ta nhiều nhất là viễn cảnh thất bại. Lỡ buổi phỏng vấn thất bại, lỡ buổi pitching không thành công…

Sự lo lắng còn đến từ việc cố gắng giữ hình ảnh cái tôi đẹp đẽ trong mắt người khác. Bản thân muốn chứng minh mình là người giỏi nên lúc nào cũng áp lực phải làm thật tốt. Cái tôi cao khiến cho bản thân sợ bị cười chê, sợ bị đánh giá thấp, sợ bị xem thường, sợ khi so sánh mình với người khác.

Lo lắng trong công việc là điều chẳng ai tránh được... - Ảnh 1.

Lo lắng là một cảm xúc kiểu gì cũng có, không có cách nào không lo lắng – trừ khi chúng ta biến thành robot vô tri vô giác. Có lo mới có liệu, chính sự lo lắng đôi khi giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những việc cần làm. Cái dở là đôi khi chúng ta lại lo quá, tâm lý bất an, khiến hỏng hết việc. Vậy có thể làm gì:

1. Tập viết ra mỗi khi thấy bản thân lo lắng. Viết giúp bạn làm chậm dòng suy nghĩ, sắp xếp lại những dòng suy nghĩ tốt hơn. Viết về mối lo của mình, mình đang lo điều gì, nếu điều đó xảy ra chuyện gì có thể xảy ra, có đáng sợ đến thế không…

2. Tập nhận diện sự lo lắng trước khi nó xuất hiện. Khi lo lắng chúng ta có thể đi kèm các biểu hiện cơ thể như lạnh tay, toát mồ hôi, tim đập nhanh, ho khan, đau bụng… Tập nhận ra các dấu hiệu này khi nó mới xuất hiện cũng là một cách để giảm thiểu sự lo lắng. Bạn có thể tập bằng cách thực hành thiền, trong đó có bài Body Scan quét cơ thể. Ứng dụng Headspace có thể giúp bạn.

3. Thực hành sự biết ơn. Mỗi ngày bạn dành ra 5 phút trở lên để viết ra những điều bạn thấy biết ơn mình đang có trong cuộc sống này. Một mái nhà để ở, không có khoản nợ nào, một chiếc xe máy để đi, một người để yêu thương, rất nhiều điều khác nữa.

Lo lắng ban đầu có vẻ là thù, nhưng nếu biết cách, thù có thể trở thành bạn và một người trợ thủ đắc lực trong cuộc sống.


Anh Tuấn Lê

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan