Giữa tháng 1/2021, Tập đoàn Foxconn Việt Nam do Tổng Giám đốc Zhuo Xiam Hong làm trưởng đoàn đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu 7 KCN trên địa bàn để Tập đoàn Foxconn Việt Nam tìm hiểu đầu tư. Đó là KCN đô thị – dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương; KCN Giang – Quang – Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Lam Sơn – Sao Vàng; KCN số 6 và số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống.
Về phía Tập đoàn Foxconn Việt Nam, Tập đoàn này khá ấn tượng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là việc phát triển hạ tầng, cơ sở đào tạo của tỉnh Thanh Hóa và cho thấy Tập đoàn sẽ tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tập đoàn khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa là một trong những lựa chọn để tập đoàn đầu tư.
Tiết lộ trên Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Minh Tuấn – chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – cho biết thời gian qua đại diện tập đoàn chế tạo linh kiện điện tử của Đài Loan Foxconn đã 3 lần làm việc với UBND tỉnh để xúc tiến thủ tục đầu tư. Foxconn đã “chấm” ba địa điểm để đặt nhà máy tỉ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple tại Thanh Hóa là Khu kinh tế Nghi Sơn, KCN phía Tây TP Thanh Hóa, hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa.
Được biết, Foxconn là Tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử và đứng thứ 27/500 tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Doanh thu của Tập đoàn năm 2020 đạt hơn 210 tỷ USD, trong đó doanh thu của Tập đoàn Foxconn Việt Nam năm 2019 đạt 3 tỷ USD, năm 2020 đạt 6 tỷ USD, dự kiến năm 2021 đạt hơn 10 tỷ USD. Để đạt doanh thu 40 tỷ USD trong 3 đến 5 năm tới, Tập đoàn đang tìm hiểu để đầu tư thêm dự án.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với hơn 2,5 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67% và có trình độ văn hóa. Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược và giao thông thuận lợi. Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT; Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế; có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, liên thông với nhiều nước trong khối ASEAN.
Tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hoá có giá trị, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú rất thuận lợi để phát triển đa dạng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và du lịch. Nhất là, có Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước.
Khu kinh tế Nghi Sơn đang trở thành trung tâm công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản của khu vực Bắc Trung Bộ với các nhà máy lọc hóa dầu, xi măng, luyện cán thép, sản xuất dầu ăn… và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động khác. Đồng thời, là trung tâm năng lượng với 3 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 2.400 MW và đang chuẩn bị đầu tư nhà máy điện khí và khí hóa lỏng. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có 8 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và đang quy hoạch thêm nhiều KCN mới.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào “Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020” với 4 KCN đó là: KCN – đô thị – dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; KCN – đô thị – dịch vụ Phú Quý; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương. Hiện trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách theo quy định của Chính phủ đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN.