Mới đây, Tập đoàn Vingroup thông báo, Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác trong đó có Vinhomes đã được thành lập.
Công ty VMI có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.
Theo giới thiệu, VMI được thành lập để khai thác tiềm năng từ việc đầu tư dòng sản phẩm này thông qua việc mở rộng khả năng tham gia thị trường cho các nhà đầu tư có ít vốn.
Công ty sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản đươc chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Khi chưa có mô hình như VMI, nhà đầu tư phải có lượng vốn lớn để mua toàn bộ một bất động sản thấp tầng, hoặc cũng phải có vốn tối thiểu bằng 30% giá trị căn nhà thì mới được ngân hàng cho vay phần còn lại. Nhưng hợp tác với VMI, nhà đầu tư chỉ cần có vốn tối thiểu bằng 2% giá trị căn nhà.
Ví dụ, với một căn trị giá 6 tỷ sẽ được chia thành tối đa 50 suất đầu tư Fantasy Home, nhà đầu tư chỉ cần tối thiểu 120 triệu đồng đã có thể gia nhập thị trường.
Mặt khác, VMI cam kết dù thị trường suy giảm nhà đầu tư vẫn được chia sẻ lợi nhuận tối thiểu là 7,5%/năm sau 5 năm, tương đương lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay. Nếu thị trường khả quan, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thu lợi từ 15-20% /năm thậm chí cao hơn. Nói cách khác, “nhà đầu tư luôn chắc thắng”.
Ông Phan Thành Long, Tổng giám đốc công ty chia sẻ, có thể hình dung VMI giống như một đại lý phân phối bất động sản, nhưng thay vì phân phối cả căn với giá trị lớn thì VMI mời các nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư với các suất đầu tư giá nhỏ vừa sức để nhiều người có thể cùng tham gia đầu tư.
Khi mua lô lớn từ Vinhomes, VMI hưởng các quyền lợi và chiết khấu mà Vinhomes dành cho khách mua lô lớn. Lợi nhuận của VMI cũng đến từ đây.
Mặc dù vậy, VMI là công ty dịch vụ, có sứ mệnh thúc đẩy thanh khoản, tăng giá trị các bất động sản đã đầu tư và tạo sản phẩm đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chứ không phải là công ty đầu tư, không đặt nặng lợi nhuận.
Trong bối cảnh trái phiếu gặp khó, ngân hàng hết room tín dụng để cho khách hàng vay mua bất động sản thì việc chia bất động sản thành các suất đầu tư được kỳ vọng là một kênh đầu tư giúp khơi thông thị trường.
Mặc dù vậy, theo ông Long, ngay cả khi không có khó khăn về nguồn vốn thì mô hình như VMI vẫn rất có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thông qua các suất đầu tư được VMI gọi là Fantasy Home, những nhà đầu tư ít vốn vẫn có thể tham gia đầu tư vào một bất động sản cụ thể và được quyền tự quyết định về việc kinh doanh bất động sản đó, từ đó mở rộng cơ hội được đầu tư cho số đông người dân.
Đó là lý do trên thế giới mô hình hợp tác đầu tư bất động sản đã phổ biến từ lâu, giúp đa dạng hóa kênh đầu tư, phù hợp với khẩu vị và tiềm lực tài chính của từng khách hàng.
Tại Việt Nam, có thể đã có một số mô hình góp vốn đầu tư chung nhỏ lẻ nhưng VMI là mô hình đầu tiên đảm bảo đầu tư an toàn cho nhà đầu tư và được xây dựng hết sức bài bản trên cơ sở pháp luật hiện hành.
Để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, trước mắt, VMI chỉ đầu tư các sản phẩm thấp tầng của Vinhomes. Đây là dòng sản phẩm luôn có tỷ suất lợi nhuận rất cao tại các dự án đã bán của Vinhomes. Trong trường hợp thị trường diễn biến xấu, với tiềm lực vốn 18.000 tỷ đồng, VMI cũng đảm bảo được quyền lợi tối thiểu như cam kết cho các nhà đầu tư.
“Nói cách khác, VMI mở ra mô hình đầu tư bất động sản lô nhỏ có đảm bảo lợi ích tối thiểu và rất an toàn cho mọi người. VMI đưa ra mức tăng giá kỳ vọng tối thiểu 15%/năm, nhưng thực tế các sản phẩm thấp tầng Vinhomes gần đây đều đạt mức tăng giá cao hơn nhiều.”, ông Long cho biết.
Chia sẻ về những rui ro pháp lý mà mô hình của VMI có thể gặp phải, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chưa có luật nào quy định cụ thể về sở hữu chung bất động sản, ông Long cho biết phương án kêu gọi hợp tác đầu tư của VMI tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Với các suất đầu tư, người mua có thể chuyển nhượng các chứng nhận quyền tài sản này trên thị trường thứ cấp thông qua sự hỗ trợ, tư vấn từ nền tảng thông tin trực tuyến do VMI xây dựng.
Bản chất việc chuyển nhượng này là nhà đầu tư sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình trên hợp đồng hợp tác đầu tư sang cho bên khác và việc chuyển nhượng tuân theo các nguyên tắc trong thỏa thuận giao dịch dân sự và các thủ tục được quy định tại hợp đồng.
Nếu VMI vì lý do nào đó dừng hoạt động thì phần vốn góp hợp tác đầu tư bất động sản đã được công ty cấp chứng nhận để xác nhận vẫn là của nhà đầu tư chứ không bị mất đi.
“Tuy nhiên, mục tiêu của VMI là tham gia đầu tư lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở một vài dự án. Bên cạnh đó, cổ đông sáng lập của VMI gồm ông Phạm Nhật Vượng (tỷ lệ góp vốn 90%), bà Phạm Thu Hương (5%), Vinhomes (5%). Các tổ chức, cá nhân này hoàn toàn có đủ năng lực tài chính và uy tín để đảm bảo cho hoạt động đầu tư của khách hàng”, ông Long cho biết.