Làm sao để trở thành người có giá trị khi bản thân không tạo ra giá trị?

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.

Với nữ chuyên gia, tạo được giá trị bản thân trong công việc chính là điều mà bất kì ai cũng cần phải hướng tới, không kể bạn đảm nhiệm vị trí nào. Làm được như vậy, bạn sẽ yêu công việc mình hơn và tự tin vào khả năng của mình.

Làm sao để trở thành người có giá trị khi bản thân không tạo ra giá trị? - Ảnh 1.

“Làm sao để thành người có giá trị khi bản thân không tạo ra giá trị?

Hồi mới ra đời, cứ ngỡ nhiều chiêu, cần gì từ ai thì phải tìm đủ cách để người ta cho mình thứ mình cần là thắng trận. Đi gặp người khác, chỉ toàn chăm chăm được lợi cho mình. Chưa một ngày được ai dạy phải hỏi mình, ủa người đời dại dột lắm hay sao mà chỉ lo lợi lạc cho ta? Cuối cùng, bản thân ta mang lại giá trị gì cho họ? Đường một chiều hoài, họ cho ta nhận, quan hệ kiểu này kéo được bao lâu?

Bài này, là ông chủ tịch tập đoàn cũ dạy tôi, khi dặn tôi đi gặp anh CEO trình bày về kế hoạch tái cấu trúc team quốc tế. Chỉ là thương nên dạy, nói Phi coi lại cách tiếp cận của mình đi. Đừng có xông ra chỉ lo nói chuyện của mình. Câu hỏi đầu tiên cần hỏi trước khi gặp bất kỳ ai là, ta sẽ tạo ra giá trị gì cho người đối diện. Khi bản thân tạo ra giá trị, nền tảng quan hệ mới vững bền. Mình tạo ra giá trị cho người khác thì bất kỳ ai cũng sẽ cảm kích mà sẵn sàng mang lại giá trị có khi to lớn hơn mình có thể tưởng tượng ra.

Mang theo lời dạy đó, cả phần đời còn lại của mình, tôi luôn hỏi bản thân trước khi hẹn gặp ai, “What value can I bring to the table today? Tôi sẽ mang lại giá trị gì trong buổi gặp gỡ hôm nay?”. Và tôi hỏi mình câu hỏi này dù gặp ai, dù họp nghiêm trọng, gặp gỡ thân mật, hay đăng đàn diễn thuyết. Vì 2 chữ giá trị, tôi không bao giờ xuất hiện và chia sẻ qua loa, cho xong, cho có. Sự nghiêm túc tạo ra giá trị chính là chìa khoá đưa tôi đến thành công trên thị trường quốc tế, vì tôi nhận được sự trân trọng, tình yêu thương, quan hệ vững bền với mọi người mình gặp gỡ trong đời. Nếu chỉ biết đi bươi như gà để mổ lia mổ lịa thì, bạn nghĩ đi ta chơi được với ai?

Làm sao để trở thành người có giá trị khi bản thân không tạo ra giá trị? - Ảnh 2.

Bạn đã bao giờ ngồi nghe những người chỉ chăm chăm bán thứ họ có, ngắm nghé thứ họ cần mà chẳng quan tâm gì đến người trước mặt hay chưa? Tôi gặp rất nhiều người như vậy trong đời và tôi kệ họ, chẳng thèm nhớ sau một lần gặp gỡ. Bạn có bao giờ sẵn lòng giúp đỡ ai đó, nhưng người ta không biết trân trọng những gì bạn đang làm? Tôi gặp nhiều người như vậy trong đời, và thường thẳng thắn, em nghĩ em là ai mà chị dành cho em 2 tiếng đồng hồ chẳng để làm gì cả? Nếu chi phí thời gian của tôi tính bằng ngàn USD/giờ, và tôi đã từ chối không biết bao nhiêu lời mời chia sẻ cho các tổ chức lớn sẵn sàng trả số tiền như vậy, tại sao tôi lại dành thời gian 2 giờ đồng hồ cho một bạn trẻ vô danh? Giá trị tạo ra nằm ở đâu? Đó chính là câu hỏi. 

Vì vậy, khi ai đó dành thời gian mang đến cho ta giá trị, hãy học cách trân trọng và biết ơn những gì người khác cho ta. There is nothing like a free lunch – Không có bữa ăn trưa nào là miễn phí. Hoặc là người ta cần gì ở bạn, hoặc là người ta đang làm vì mục đích cao cả hơn vài thứ tính toán linh tinh. Biết đó là gì, sẽ biết cách hành xử sao cho phải lẽ.

What value can you bring to the table today? Bạn sẽ mang giá trị gì đến từng buổi gặp gỡ hôm nay? Có lẽ bạn khoan gặp ai nữa và dừng lại hỏi mình trước đã. Bạn có thể sống cuộc đời chỉ đi ăn cắp giá trị của người đối diện, và hỏi mình đời này sao lại quá cô đơn. Hoặc bạn có thể lựa chọn tạo ra giá trị tại mỗi điểm tương tác trong đời, và để lại sự trân quý trên mỗi trạm dừng của hành trình cuộc sống.

Cuối cùng, ta để cho đời giá trị gì khi tay trắng ra đi?”


PV

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan