Năm 2015, tôi được đọc cuốn sách “Sự liều lĩnh vĩ đại” (tên tiếng Anh là Daring Greatly) của Tiến sĩ Brené Brown. Trong cuốn sách khó có thể đọc nhanh này, tác giả đã đề cập đến việc đối mặt với sự tổn thương và hổ thẹn – cảm xúc mà một con người bình thường đều phải đối diện ít nhất một vài lần, thậm chí rất nhiều lần trong đời – để tìm lại cuộc sống hạnh phúc.
Cuốn sách là kết quả của hành trình gần thập kỷ nghiên cứu với hàng ngàn câu chuyện, hàng trăm cuộc phỏng vấn dài, những nhóm chuyên đề của Brené về tổn thương, mối liên hệ giữa tổn thương và hạnh phúc, cách con người phải lựa chọn đối mặt với tổn thương để chạm tay được vào hạnh phúc.
Theo Brené, sự tổn thương khiến chúng ta ngắt bỏ kết nối, co mình lại và giấu mình đi. Nhưng ngay cả khi đơn độc một mình, nếu người đó vẫn thấy còn sợ hãi, giận dữ, phán xét, kiểm soát, đòi hỏi sự cầu toàn… điều đó có nghĩa sự tổn thương vẫn tiếp tục tấn công họ. Né tránh sự hổ thẹn và tổn thương gây ra sự đứt gẫy kết nối, những rạn nứt và rất nhiều bất đồng, đau khổ trong cuộc sống gia đình, trong mối quan hệ giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái… Bởi con người không thể đóng băng những cảm xúc này, mà không đóng băng những tác động, cảm xúc khác của mình. Khi chúng ta ghìm nén sự tổn thương, thì đồng thời chúng ta cũng đóng băng niềm vui, sự biết ơn, niềm hạnh phúc…
Trong nền văn hóa bị sự hổ thẹn thống trị, khi các bậc phụ huynh, các nhà lãnh đạo và điều hành khuyến khích một cách có ý thức hay vô thức việc gắn kết giá trị của bản thân mọi người vào sản phẩm của mình; thì ở đó có sự lỏng lẻo, đổ lỗi, hào nhoáng, hời hợt, thiên vị và chắc chắn là thiếu thốn sự sáng tạo và đổi mới. Bởi sự hổ thẹn trở thành nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi dẫn đến ngại mạo hiểm. Ngại mạo hiểm sẽ giết chết sự sáng tạo.
Điều may mắn là trong cuốn sách, cũng là công trình nghiên cứu cực kỳ có ý nghĩa này, Brené đã gọi việc dũng cảm đối mặt với tổn thương là một sự liều lĩnh vĩ đại, đồng thời chứng minh sự đúng đắn và khuyến khích mọi người thực hiện sự liều lĩnh này. Những người dũng cảm dấn thân vào cuộc đời, dám đối mặt với tổn thương được bà gọi là những người Sống Toàn Tâm, và hầu hết đều là những người hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Tập cách Sống Toàn Tâm, cũng là luyện tập cách thích ứng với hổ thẹn và tổn thương, cần phải được rèn luyện trong thời gian dài. Mỗi người cần phải viết hoặc kể ra được những hổ thẹn và tổn thương của mình, để thoát khỏi được chúng, ngược lại chúng ta sẽ mãi mãi bị ám ảnh và lún sâu trong cái hố và nanh vuốt của chúng.
Hơn thế nữa, khi dám đối mặt với tổn thương, con người sẽ tìm ra được dũng khí cần có để phản ứng lại với nó theo cách thức tương hợp với các giá trị của bản thân, thay đổi cuộc sống, công việc, cách thức lãnh đạo và cả cách nuôi dạy con của mình.
Cá nhân tôi cho rằng “Sự liều lĩnh vĩ đại” thật xứng đáng với những lời ca tụng là một cuốn sách xuất sắc và đầy chất nhân văn, có thể thay đổi cuộc sống của mỗi người. Trên thực tế, kể từ khi phát hành đến nay đã có hơn 2 triệu bản in của cuốn sách đến tay độc giả, và tác phẩm này luôn nằm trong Top sách bán chạy nhất của Amazon và New Yorks Times, tờ báo uy tín nhất nước Mỹ về điểm sách.
Quay trở lại với cuốn sách “Khu vườn của Jenny” của tác giả Trần Phương Hoa, ngay khi vừa đọc xong tôi đã nghĩ tác phẩm này chính là phiên bản văn học của cuốn sách “Sự liều lĩnh vĩ đại”.
“Khu vườn của Jenny” kể về một cô gái nhỏ dù đã nỗ lực trải qua khủng hoảng bị xâm hại lúc 5 tuổi, những áp lực vì “mưu hèn kế bẩn” nơi công sở… nhưng cuối cùng cô vẫn nhận thấy những tổn thương đó như sợi xích vô hình ngăn trở cô đến với hạnh phúc.
Hành trình cùng chú mèo thông thái biết nói Galant dũng cảm nhìn lại mọi tổn thương u ám cũng như tất cả những khoảnh khắc tươi sáng trong chặng đường đã qua, cuối cùng đã giúp Jenny chặt đứt được những sợi xích vô hình, để bước chân về phía hạnh phúc. Thông qua hành trình đó độc giả cũng cùng cô gái nhỏ học hỏi được những kinh nghiệm, bài học quý giá cho cuộc sống như luật hấp dẫn, tình yêu, quyền tự quyết…
Dù vẫn còn chút thiếu khuyết là tâm trạng của nhân vật Jenny chưa được khắc sâu đủ mức cần thiết ở đầu cuốn sách, nhưng với cách dẫn dắt câu chuyện thông minh, hành văn khá tinh tế, cuốn sách “Khu vườn của Jenny” là một cuốn sách hấp dẫn với những ai quan tâm đến chủ đề này.
Và bên cạnh “Sự liều lĩnh vĩ đại”, tôi cho rằng “Khu vườn của Jenny” cũng là cuốn sách cần có cho bất kỳ ai muốn chữa lành sau những tổn thương giấu kín, chưa biết rằng có thể chia sẻ cùng ai!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị