Không dễ phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Để công nhân gắn bó với các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp tại Việt Nam đang phát triển với quy mô và số lượng lớn trên khắp cả nước, tuy nhiên số lượng các đô thị được hình thành từ khu công nghiệp còn rất hạn chế. Hiện toàn quốc chỉ có khoảng 20 khu đô thị – công nghiệp của một số nhà đầu tư lớn như VSIP, Becamex, Amata…

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước mới có 2,58 triệu m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Con số này chỉ đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, đạt tỷ lệ 13%.

Trong khi đó, tính đến tháng 2/2021 cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập, tạo việc làm cho khoảng 4 triệu lao động trực tiếp, 3 triệu lao động gián tiếp, chiếm khoảng 14% lao động trên toàn quốc.

Điều này đã tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội lên các khu dân cư gần khu công nghiệp. Qua khảo sát thực tế tại một số khu vực gần khu công nghiệp cho thấy, nhiều địa phương chỉ có 1.000 dân sinh sống, nhưng có tới 10.000 lao động lưu trú, tương đương với dân số của 2 Đô thị loại V.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hinh, Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cuộc sống của người lao động tại các khu công nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực dân cư xung quanh các khu công nghiệp đã hình thành nên các xóm trọ gây nhiều tệ nạn, mất trật tự và an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, do không có các dự án phục vụ nhu cầu nhà ở cho người lao động nên phần lớn họ đều có tâm lý ở, làm việc tạm thời, mùa vụ. Môi trường lao động tại khu công nghiệp chưa tạo được sự hấp dẫn và ổn định an sinh xã hội đối với người dân.

Minh chứng rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, các khu nhà trọ cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do mật độ dân số đông. 

Nhiều người lao động đã rời bỏ các thành phố lớn để trở về quê nhà sau thời gian dài giãn cách xã hội, không có việc làm, phải sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn.

Không dễ phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp
Ông Hà Quang Hưng

Đây chính là nguyên nhân khiến ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, bài toán đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế sau dịch.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Hinh chỉ ra rằng, việc phát triển nhà ở cho công nhân là không đơn giản.

Hiện nhà nước chưa có kế hoạch, quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ khu nhà ở công nhân với phát triển khu công nghiệp, chưa có sự kết nối giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn với quy hoạch các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn thiết kế chính thức cho nhà ở công nhân chưa được ban hành. Hiện nay đã có một số quy định về tiêu chí thiết kế nhà ở công nhân, tuy nhiên lại thấp hơn nhiều tiêu chí cho nhà ở đô thị. Điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng xã hội.

Quy hoạch, thiết kế khu nhà ở công nhân đa số mới chỉ giải quyết vấn đề ở, chưa quan tâm đến cuộc sống, gia đình, nhu cầu vui chơi có giải trí cho người dân.

Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng chưa có quy định pháp lý cho bất động sản dịch vụ khu công nghiệp, nhà ở công nhân, để tạo nên một hành lang pháp lý cho mô hình nhà ở và khu dịch vụ công nhân phát triển, ông Hinh chỉ rõ.

Cần sửa luật để thu hút đầu tư

Về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân, ông Hinh cho rằng, Nhà nước cần xây dựng đồng bộ hệ thống pháp lý khuyến khích các nhà đầu tư tham gia, bảo đảm cho quyền lợi của bất động sản là nhà ở và dịch vụ cho công nhân khu công nghiệp, bình đẳng trước các sản phẩm bất động sản khác trên thị trường.

Theo đó, Chính phủ cần sửa đổi đồng bộ các quy định về việc sử dụng đất cho phát triển nhà ở công nhân trong Luật Đất đai và các luật khác, ưu tiên vị trí, quy mô sử dụng đất đai để phát triển khu nhà ở và dịch vụ cho công nhân khu công nghiệp.

Chính phủ cần tạo thuận lợi về cơ chế huy động vốn đầu tư, tiếp cận các nguồn lực tài chính cho dự án; cần bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Việc xây dựng nhà ở cho công nhân cần có sự đồng thuận của chính quyền, nhà đầu tư bất động sản, người sử dụng lao động cùng quy hoạch để xây dựng những khu đô thị công nghiệp phát triển bền vững.

Không dễ phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp 1
TS. Nguyễn Đình Thọ

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Thọ Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. 

Đồng thời, ông Thọ cũng đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân.

Để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê. Trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động.

Bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những sự tác động không nhỏ đến việc định hướng phát triển khu công nghiệp. Phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững, ông Thọ nhấn mạnh.

Về các giải pháp nhằm ưu đãi lãi suất và giảm giá nhà cho người lao động, theo ông Hà Quang Hưng, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội thực hiện theo pháp luật nhà ở xã hội hiện hành. Giá cho thuê đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng và thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.

Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 gồm cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định.

Bộ này đề xuất cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Ngoài ra, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Tin liên quan