Khách hàng Manhattan Tower khó đòi được tiền

Sau khi DĐDN đăng 2 kỳ liên tiếp bài: “Khách hàng Manhattan lao đao” trên số 41 và 42, tháng 5/2020, BBT đã nhận được bài viết từ Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Khách hàng Manhattan Tower khó đòi được tiền 1

Anh Lê Tuấn Hải – đại diện nhóm khách hàng mua dự án Manhattan Tower phản ánh thông tin tới Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo Luật sư Hà, tại dự án Thành An Tower (tên cũ của Manhattan Tower) chủ đầu tư này đã thu từ khách hàng hơn 300 tỷ đồng, cộng thêm số tiền 290 tỷ đồng bị ngân hàng GPBank khởi kiện, việc đòi tiền và đòi nhà của khách hàng Manhattan Tower vẫn là một hành trình rất dài.

Trước sự đẩy bóng trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà phát triển dự án LMH, khách hàng Manhattan Tower khó lòng đòi lại tiền và đối diện với nguy cơ trắng tay.

Về trách nhiệm của Landmark Holding (LMH) với khách hàng cần căn cứ vào 2 văn bản: Hợp đồng phân phối dự án giữ LMH và chủ đầu tư; Hợp đồng thuê và cho thuê mua giữa LMH với khách hàng. Đặc biệt là căn căn cứ vào hợp đồng thứ 2 để thấy được quyền và nghĩa vụ của LMH với khách hàng.

Đây là hợp đồng thuê và cho thuê mua căn hộ, trong đó có việc LMH thay mặt chủ đầu tư giao dịch với khách hàng, thu tiền của khách hàng, vậy LHM phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người thuê và mua căn hộ tại dự án trong đó có nghĩa vụ bàn giao căn hộ đúng thời hạn, đúng chất lượng như đã ký trong hợp đồng.

Trong trường hợp có sự thay đổi về chủ thể phân phối dự án, LHM phải thông báo cho khách hàng và ký biên bản thanh lý với chủ đầu tư, trong đó phải đề cập đến việc chủ đầu tư sẽ phải thay mặt LHM giải quyết tiếp quyền lợi của khách hàng khi mua và thuê dự án, đăc biệt là nghĩa vụ giao nhà đúng thời hạn.

Chỉ và chỉ khi 2 bên có sự thoả thuận rõ ràng trong điều kiện bảo vệ toàn bộ quyền lợi của khách hàng thì LHM mới có thể rút ra khỏi dự án.

Trong trường hợp giữa chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án không tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn và LHM quyết tâm rút khỏi dự án thi khách hàng sẽ là người chịu nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro là không được giao nhà đúng thời hạn, quyền lợi về tài chính không được đảm bảo và nguy cơ trắng tay nếu chủ đầu tư tiếp tục chơi “trốn tìm”.

“Nếu lúc đó, người mua nhà khởi kiện hoặc khiếu kiện lên cơ quan chức năng thì tương đối mất thời gian, thông thường để có một vụ kiện, có bản án thì có khi mất hàng năm và còn thời gian thi hành án cũng rất lâu” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định.

DIỆU HOA

 

Tin liên quan