Hà Nội: Cao ốc “lùa” dân vào ở trái phép

Ngày 18/9, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với liên danh chủ đầu tư dự án này 75 triệu đồng vì bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Thời điểm lập biên bản, có khoảng chục hộ dân đã dọn vào ở dự án trên.

Hà Nội: Cao ốc "lùa" dân vào ở trái phép 1

Chủ đầu tư dự án The Legacy 106 Ngụy Như Kon Tum  bị phạt 75 triệu vì chưa nghiệm thu đã cho dân vào ở nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng Quận Thanh Xuân, tính đến ngày 23/12/2020, dự án này vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu theo quy định của pháp luật.

Cách đó chỉ hơn 500m, cư dân tại dự án chung cư Hoành Sơn Complex của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang “kêu trời” vì phải sống chui trong căn hộ của mình.

Cụ thể, theo phản ánh của cư dân, tháng 6/2020, sau 9 tháng quá hạn bàn giao nhà theo hợp đồng, chịu áp lực từ việc phản đối của người dân, chủ đầu tư CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã tiến hành bàn giao kỹ thuật cho cư dân vào hoàn thiện căn hộ. Theo đó, khoảng 300 hộ dân đã dọn về ở tại dự án trên.

Hà Nội: Cao ốc "lùa" dân vào ở trái phép 2

Chủ đầu tư Hoành Sơn Complex để người dân dọn vào ở khi dự án vẫn ngổn ngang công trình xây dựng.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, Ban quản lý dự án này có công văn thông báo đến cư dân về việc chậm bàn giao nhà bởi dự án chưa nghiệm thu xong PCCC, trạm điện chính chưa được đấu nối, hệ thống điện căn hộ tòa B chưa đảm bảo an toàn…

Mới đây, trong danh sách các dự án phải kiểm tra, xác minh đối với những tồn tại trong đầu tư xây dựng tại hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Nội của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai (tên thương mại là Hinode City) cũng được điểm danh với hàng loạt sai phạm, trong đó có việc chủ đầu tư đã tiến hành bàn giao căn hộ cho 162 hộ về ở nhưng dự án chưa được nghiệm thu PCCC.

Hay trước đó là trường hợp của chung cư Golden West (Lê Văn Lương – Hà Nội), dù đã về ở gần 3 năm nhưng cư dân cho biết công trình này vẫn chưa được nghiệm thu hoàn công, cũng như đảm bảo an toàn PCCC. Đặc biệt, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế không đúng phê duyệt nhằm mục đích kinh doanh.

Chủ đầu tư coi thường tính mạng cư dân

Hầu hết các công trình trên đều có điểm chung là chủ đầu tư vướng những sai phạm trong quá trình thi công xây dựng như sai khác so với hồ sơ thiết kế, xây sai giấy phép xây dựng nhưng không khắc phục, dẫn đến không đủ điều kiện để nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo quy định.

Trong khi đó, việc đưa người dân vào ở khi chưa đủ điều kiện được đánh giá là “coi thường” tính mạng cư dân, không đảm bảo các trường hợp phòng cháy, cứu hộ, cứu nạn nếu có hỏa hoạn xảy ra.

Không những vậy, người dân mua nhà tại các dự án trên còn đứng trước nguy cơ không được cấp sổ hồng do chủ đầu tư không thực hiện thủ tục hoàn công. Thậm chí, không thể hoàn công, nghiệm thu theo quy định do tồn tại những sai phạm lớn.

Trên thực tế, Hà Nội đã nhiều lần “quyết tâm” siết công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, tổ chức các đợt tổng kiểm tra công tác PCCC tại các chung cư cao tầng. Nhiều trường hợp vi phạm đã được “chỉ mặt điểm tên” nhưng mức phạt dường như quá nhẹ khiến các chủ đầu tư vẫn bất chấp tái diễn.

Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt nhìn vào lợi ích mà chủ đầu tư có được khi bàn giao công trình sớm cho cư dân, hoàn toàn có thể thấy được vì sao doanh nghiệp sẵn sàng làm trái quy định, bởi số tiền bị phạt hiện hành nếu chậm tiến độ bàn giao sẽ lớn hơn nhiều số tiền doanh nghiệp bị phạt do cố tình bàn giao nhà cho cư dân khi chưa nghiệm thu đủ điều kiện.

Luật sư Luân lý giải, khi có thông báo bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư dự án sẽ thu về một khoản tiền lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng từ việc thu tiền giá trị căn hộ đợt cuối, ngoài ra còn tránh được việc bàn giao nhà cho khách hàng chậm hơn so với cam kết trong hợp đồng, mà điều này có thể dẫn tới tranh chấp pháp lý, chủ đầu tư phải trả lãi bàn giao chậm.

“Đa phần những dự án chưa được nghiệm thu đều liên quan đến hệ thống PCCC chưa đủ quy định, các công trình phụ trợ của dự án chưa hoàn thành như trong giấy phép được cấp,… Nếu cư dân nhận nhà tại những dự án chưa được nghiệm thu như vậy có thể gặp nguy hiểm, chưa kể sau khi bàn giao nhà cho cư dân xong, chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không xây dựng các hạng mục phụ trợ cho cư dân…” – Luật sư Luân chia sẻ.

Trong khi đó, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo quy định, trường hợp chủ đầu tư đưa nhà, công trình chưa nghiệm thu về PCCC vào sử dụng thì sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC” (khoản 6, khoản 7, Điều 36 Nghị định 167/2013). “Mức phạt này rõ ràng mức xử phạt này là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe đối với các chủ đầu tư” – ông Hùng khẳng định.

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định tăng nặng mức xử phạt, các chế tài, biện pháp khắc phục đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC.

DIỆU HOA

Tin liên quan