Giải pháp đẩy nhanh sự phục hồi của bất động sản

Đề xuất những giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, giúp thị trường bất động sản sớm khởi sắc và phát triển bền vững, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều tiết thị trường thời gian vừa qua và học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế. Chính phủ cần có cách tiếp cận đa chiều để đưa ra hai nhóm chính sách cả ngắn hạn và dài hạn để phát triển thị trường bất động sản. 

Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường hiện nay, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý, hàng trăm dự án sẽ được giải tỏa, dòng tiền sẽ trở lại thị trường. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý cũng chính là củng cố niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó là vấn đề về vốn cho thị trường bất động sản. Tại tọa đàm “Uông Bí – Quảng Ninh – Điểm sáng đầu tư 2023”, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Lực cho rằng, nóng nhất hiện nay chính là câu chuyện trái phiếu

Giải pháp đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản
Tại Tọa đàm: Uông Bí – Quảng Ninh – Điểm sáng đầu tư 2023, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức

Theo tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn tiền khó, việc mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.

Mặt khác, vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cũng đang ách tắc. TS. Cấn Văn Lực đề xuất các ngân hàng cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Tuy nhiên, việc này có thể gây ý kiến trái chiều bởi nhiều ngành đang trong hoàn cảnh cần cơ cấu nợ. 

Cũng theo vị chuyên gia này, việc nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động ở thời điểm hiện tại là chưa cấp thiết, bởi trong năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản đã tăng trưởng 24,2% thì năm 2023 không thể cao hơn. 

Một dòng vốn rất quan trọng khác của thị trường bất động sản là vốn từ M&A, hiện nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A.

“Tôi cho rằng, nên cho phép việc này vì hoàn toàn khả thi và nhu cầu là có thật. Khi giao dịch M&A, doanh nghiệp có 70% vốn, phần còn lại, ngân hàng có thể tài trợ 30%”, ông Lực đề xuất.

Về dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách để điều chỉnh giá bất động sản về ngưỡng hợp lý. Hiện nay, quan hệ cung cầu, giá cả bất động sản vẫn còn những trường hợp bất cân đối. 

Giá và chi phí cao, pháp lý kéo dài khiến giá bất động sản bị đẩy cao so với thu nhập của người dân. Một người dân tại Việt Nam mất 23 năm để mua được một căn hộ, trong khi nước khác chỉ mất khoảng 8 năm. 

Để đưa ra được các phương án điều chỉnh giá bất động sản hợp lý hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, đơn vị, chính quyền để đáp ứng nhu cầu, ông Lực nhấn mạnh và đề xuất, Việt Nam nên có quỹ bình ổn như Singapore để người dân có thể dễ dàng sở hữu nhà ở.

Thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý III/2023

Nhấn mạnh những khó khăn rất lớn mà thị trường bất động sản đang gặp phải, song theo chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực nhờ vào các động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Trong đó có đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Vì sao giá bất động sản vẫn chưa giảm?

Nhiều chỉ đạo của Chính phủ cũng được tiếp tục đưa ra để tái cơ cấu cho nền kinh tế. Nhà nước đang tích cực triển khai và hỗ trợ thông qua các chính sách điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam, tránh chồng chéo trong các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.

Theo ông Đính, việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tại nền kinh tế, nguồn lực doanh nghiệp và cấu trúc lại các dòng sản phẩm bất động sản để dễ hấp thụ trên thị trường sẽ góp phần rất lớn trong việc phục hồi thị trường bất động sản, đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp. 

“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị rất lớn đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành nghị quyết cụ thể về gói ưu đãi này, bao gồm về tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn để thuận lợi cho công tác thực hiện”, ông Đính cho hay.

Với sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… cùng sự đồng lòng của các đơn vị tổ chức, các nhà môi giới cá nhân, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên từ quý III/2023.

Tin liên quan