EQ cao: Không phải công cụ để lấy lòng người khác, mà là để “thu phục” chính mình

01

Giáo dưỡng tốt không đồng nghĩa với EQ cao

Vài ngày có một người bạn tới tâm sự với tôi, cô ấy nói gần đây áp lực vô cùng lớn. Cô ấy nói mình đang học cách làm sao để nâng cao EQ của mình, muốn mình được yêu thích hơn.

Cô ấy học cách nghe lời nói và quan sát sắc mặt, học cách để ý tới cảm nhận của người khác, cũng học cách làm sao để nói ra những lời mà người khác thích nghe.

Nhưng càng ngày cô ấy càng cảm thấy mệt mỏi, nội tâm trống rỗng, giống như có một lượng lớn cục tức và sự bí bách trong người, không cách nào giải tỏa được.

Cô ấy nói đồng nghiệp của mình đều khen cô ấy có EQ cao, nói là ở cạnh cô ấy cảm thấy rất thoải mái.

Nhưng bản thân cô ấy lại ngày một không hề thoải mái, cô ấy bắt đầu hoài nghi, mọi người ai cũng thảo luận về tầm quan trọng của EQ cao, mặc dù EQ cao quả thực có thể khiến cô ấy hòa hợp hơn trong các mối quan hệ, nhưng cô ấy lại càng ngày càng không biết mình là ai.

Cô ấy nói, nhà văn người Đài Loan Kevin Tsai từng nói trong một chương trình truyền hình thực tế rằng: “EQ là nhìn thấy hạnh phúc của mình, chung sống hòa bình với nó; trong khi tôi nghĩ tới cảm xúc của bạn, thì đó là cái lương tâm.”

Theo lời của anh ấy thì rất nhiều người, bao gồm cả cô bạn của tôi thực ra đều đang hiểu lầm về cái gọi là EQ. EQ cao trước giờ chưa bao giờ là cái mánh khóe xử thế dùng để nghênh hợp hay làm vừa lòng người khác, nếu không thì nó cũng sẽ chỉ là công cụ lợi ích của bạn trong giao tiếp xã hội.

EQ cao thực sự là có thể tiếp nhận bản thân, quản lý có hiệu quả những cảm xúc tiêu cực của bản thân, là khi hòa thuận với mình nhưng cũng không quên đặt người khác ở trong lòng.

Cũng có thể nói, muốn có EQ cao, trước tiên, phải học cách hoàn thiện bản thân.

Thì ra mọi người đều hiểu sai về cái gọi là EQ cao: EQ không phải công cụ để lấy lòng người khác, mà là để thu phục chính mình - Ảnh 1.

  02

Người có EQ cao, trước giờ không phản bội bản thân

Nhà tâm lý học Daniel Goleman, người đưa ra khái niệm “EQ” năm đó thực ra cũng có định nghĩa giống như cách hiểu của Kevin Tsai.

Ông chia EQ ra làm 5 loại lớn.

Nhận thức bản thân, có năng lực phát hiện ra cảm xúc hiện tại của bản thân.

Quản lý cảm xúc, có năng lực kiểm soát hiệu quả cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Khích lệ bản thân, biết cách trì hoãn sự hài lòng và kiểm soát những kích động nhất thời.

Nhận biết cảm xúc của người khác, có sự đồng cảm và biết cách đổi lập trường tư duy.

Quan hệ xã hội, chung sống hòa bình với mọi người cũng như có năng lực đánh tan những tình huống ngượng ngùng.

Hai năng lực cuối cùng thường được phần lớn mọi người hiểu là EQ, nhưng trong mắt của Daniel, năng lực nhận thức và quản lý cảm xúc của bản thân mới là điều quan trọng nhất, đây cũng là nền tảng của sự đồng cảm.

Kevin Tsai từng nhận xét về Lâm Chí Linh, người bạn của anh, đồng thời cũng là siêu mẫu số 1 của Đài Loan rằng cô ấy chính là hình mẫu điển hình cho cái gọi là EQ cao trong mắt mọi người, luôn nở nụ cười trên môi, cư xử vô cùng chuẩn mực và lịch sự.

Nhưng đối với anh, nếu cô ấy có thể để ý, thương mình hơn một chút thôi, thì đó mới được xem là EQ cao nhất.

Anh nói, có một lần có hai khách mời tặng quà cho Lâm Chí Linh, hai món quà đều là váy. Vì không muốn làm tổn thương ai, cô quyết định mặc cả hai chiếc váy lên người dù thời tiết hôm đó vô cùng nóng.

Nhưng đây suy cho cùng cũng chỉ là cái lương tâm của Lâm Chí Linh chứ không xem là biểu hiện của EQ cao, vì sao? Vì cô ấy đang làm tủi thân chính mình.

Kevin Tsai trong chương trình nói: “EQ cao chính là làm sao để quản lý được chính mình, chứ không phải là làm sao để “nắm” được người khác, bởi lẽ không ai có thể bị “nắm bắt” cả.”

Với Kevin Tsai, bạn nên quan tâm và để ý nhiều hơn tới suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, đó mới là tất cả.

Người có EQ cao, là người biết cách biểu đạt cảm xúc và mong muốn của bản thân!

Thì ra mọi người đều hiểu sai về cái gọi là EQ cao: EQ không phải công cụ để lấy lòng người khác, mà là để thu phục chính mình - Ảnh 2.

  03

Học cách hòa giải với cảm xúc tiêu cực

Thực ra, cách hiểu của Kevin Tsai với EQ cao có thể gói gọn trong bốn chữ, “nội thông ngoại thuận”. Chỉ có điều chúng ta quá để ý tới cái “ngoại thuận” (thuận lợi bên ngoài), mà lơ là đi cái “nội thông” (nghĩ cho chính mình) để nó phải chịu tủi thân, dần dần nó học cách hài lòng và thích ứng.

Còn tủi thân, đó là bởi phần lớn thời gian, mọi người không cách nào nhìn thẳng vào cảm xúc của mình, xem nó là một thứ có tính công kích, không dám biểu đạt, sợ làm tổn thương tới đối phương.

Trên thực tế, mọi cảm xúc đều là một cơ chế tiến hóa để bảo vệ bản thân, nó là một phần của tình cảm.

Nhà tâm lý học Donald Woods Winnicott từng nói, tính công kích là một sức mạnh tự nhiên. Với ông, biểu đạt cảm xúc tiêu cực là điều hết sức bình thường. Nếu cảm xúc tiêu cực của bạn được đối phương tiếp nhận, đồng cảm, nó sẽ được hóa giải, chuyển thành năng lượng màu trắng.

Cũng có nghĩa là, nếu sự phẫn nộ của bạn được đối phương hiểu và tôn trọng, sự phẫn nộ ấy sẽ được hóa giải.

Còn nếu cảm xúc tiêu cực của bạn bị dồn nén hoặc lâu ngày không được giải tỏa đúng cách, nó sẽ chứa đựng vô cùng nhiều sức phá hủy.

Thì ra mọi người đều hiểu sai về cái gọi là EQ cao: EQ không phải công cụ để lấy lòng người khác, mà là để thu phục chính mình - Ảnh 3.

  04

Cảm xúc tự do, mới có được EQ cao

Khi bạn có thể nhìn nhận thẳng thắn, đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, không còn xem nó là cảm xúc khiến con người xấu hổ, bạn mới học được cách quản lý cảm xúc của mình, từ đó có thể lý tính hơn trong việc đưa ra những quyết định, sẽ không còn vì mất khống chế cảm xúc nhất thời mà làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ cá nhân.

Đây là nền tảng trong việc nâng cao EQ. Muốn học cách quản lý cảm xúc, bạn có thể thử một vài kiến nghị dưới đây.

1. Bồi dưỡng năng lực phát hiện ra cảm xúc

Phát hiện ra cảm xúc là nền tảng của quản lý cảm xúc. Muốn nhận biết cảm xúc hiện tại, bạn cần phải nhận thức ra được tình huống đang xảy ra.

Thực ra, con người, phần lớn thời gian đều ở trong trạng thái vô ý thức, chúng ta cho rằng mình đang chuyên tâm làm việc, nhưng trên thực tế rất có thể bạn đang nghĩ đến chuyện vừa xảy ra, hay nghĩ tới chuyện phải làm sắp tới trong vô ý thức.

Thiếu đi sự chú tâm cho hiện tại rất dễ khiến bản thân chìm đắm vào những đau khổ trong quá khứ, chẳng hạn như cứ nghĩ về cái mail gửi sai khi nãy mà lòng cứ mãi bất an.

Đối với vấn đề này thì thiền là một phương pháp khá hữu ích. Khi bạn nhận thức được sự đến và đi của cảm xúc giữa một nhịp hít vào và một hơi thở ra, bạn mới có thể chú ý đến những cảm xúc hiện tại khi bạn gặp vấn đề.

2. Quan sát bản thân mà không phán xét

Con người ta khi tức giận hay bị tổn thương rất dễ phán xét những cảm xúc tiêu cực, phóng đại những đau khổ lên. Nếu có làm gì sai, cũng rất dễ phủ nhận bản thân.

Trong khi quan sát bản thân mà không phán xét, trước tiên là học cách không đưa ra quá nhiều nhận định chủ quan về những điều khách quan.

Nếu phát hiện ra mình đang tự phủ nhận mình, hãy học cách dùng những suy nghĩ tích cực để nhắc nhở rằng mình cũng có thực lực và rất thành công ở một lĩnh vực nào đó.

Nếu tức giận với ai đó, trước tiên hãy nhận định, phán đoán một cách khách quan xem xem cảm nhận của bạn tới từ sự thật hay là phỏng đoán chủ quan.

Chẳng hạn như bạn vừa cãi nhau với đồng nghiệp, bạn lại nhìn thấy anh ta đang nói thầm nói thì với đồng nghiệp khác, bạn liền nghĩ chắc chắn là đang nói xấu mình, nhưng suy nghĩ như vậy chắc chắn sẽ khiến bạn tức giận hơn.

Thì ra mọi người đều hiểu sai về cái gọi là EQ cao: EQ không phải công cụ để lấy lòng người khác, mà là để thu phục chính mình - Ảnh 4.

3. Học cách cân bằng suy nghĩ

Cân bằng suy nghĩ là học cách kết hợp giữa lý tính và cảm tính.

Chẳng hạn, vốn dĩ bạn đã luôn rất bận rộn, nhưng sếp vẫn giao cho bạn một nhiệm vụ mới. Bạn cảm thấy rất tức giận và không công bằng.

Bạn nhận thức được cảm xúc của bản thân, nhưng bạn không lựa chọn bộc phát ngay lúc đó, bởi lẽ làm vậy bạn sẽ mất đi công việc. Khi bạn bình tĩnh lại, bạn có thể sắp xếp lại từ ngữ của mình rồi trao đổi lại với sếp về điều này một cách hòa khí hơn.

Những người có khả năng cân bằng suy nghĩ sẽ ưu tiên các mục tiêu dài hạn của mình, họ sẽ không bốc đồng, cũng không che giấu cảm xúc mà thể hiện chúng một cách khôn ngoan.

4. Học cách đối phó với khủng hoảng cảm xúc

Ai cũng có thể gặp phải những trường hợp cảm xúc mãnh liệt, muốn bùng nổ. Khi gặp nó, bạn có thể thử tưởng tượng mình là người bạn cũng cùng cảnh ngộ, ngồi nói chuyện với mình, đứng từ góc độ của người khác để nhìn nhận vấn đề, đồng thời thử đưa ra phương án giải quyết.

Nếu bạn phát hiện ra mình thường xuyên rơi vào trạng thái bùng nổ này, bạn có thể học cách lập trước kế hoạch ứng phó với khủng hoảng, bao gồm tóm tắt những gì có thể khiến tâm trạng của bạn thay đổi, bạn có thể có những biểu hiện nào, và trong trường hợp đó bạn sẽ có những kiến nghị ra sao cho mình.

Nói tóm lại, EQ không phải dùng để làm hài lòng người khác, mà là làm chủ được cảm xúc của mình, và đồng thời vẫn đặt người khác ở trong tim.

Muốn nắm bắt được cảm xúc của mình, bạn phải nhận thức được xem cảm xúc tiêu cực của mình không phải là không tốt, chúng ta phải học cách nhìn thẳng vào nó, đồng thời biểu đạt bản thân một cách thông minh.

Khi bạn đạt đến cảnh giới “tự do cảm xúc”, không bị cảm xúc khống chế, dùng một cái đầu lạnh, bình tĩnh đi suy nghĩ và đưa ra quyết định, bạn mới có thể có được những mối quan hệ hòa hợp.

Đây mới chính là cái gọi là EQ cao.


Như Nguyễn

Tin liên quan