Đừng “đam mê” thức đêm: Ngủ yên giấc trên chiếc giường tuềnh toàng ở nhà vẫn hơn trằn trọc trên chiếc giường tiện nghi nhất của bệnh viện

(1)

Cách đây vài hôm, sau khi trò chuyện rôm rả, tôi đã quyết định chào tạm biệt người bạn mình bằng một câu chúc cửa miệng quen thuộc: “Chúc ngủ ngon”. Với tôi, câu chúc này mang một ý nghĩa khá đặc biệt, bởi nó giúp tôi ngắt kết nối với tất cả những người xung quanh. Lời chúc ngủ ngon như một trợ thủ đắc lực giúp tôi được một mình chiếm trọn và toàn quyền sử dụng màn đêm.

Sinh hoạt vào ban đêm đã trở thành “mốt” của không ít người trong thời đại ngày nay. Cảm giác được làm chủ khoảng thời gian sau 12 giờ đêm thực sự là một chất gây nghiện có sức cám dỗ cực lớn và góp phần không nhỏ trong việc phác hoạ nên chân dung của hầu hết người trẻ trong xã hội hiện đại.

Nguyên nhân cho điều này không khó để lý giải. Trong guồng quay tất bật của cuộc sống, khoảng thời gian ban ngày của người trẻ luôn xoay quanh quá trình bận rộn giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công việc và gia đình. Chỉ đến khi màn đêm buông xuống, họ mới dôi ra được một chút khoảng thời gian dành riêng cho bản thân. Vậy nên chả trách được khi họ tằn tiện với giấc ngủ của bản thân và cố gắng căng mắt ra để nhìn những thông báo tin nhắn đến trên điện thoại. Họ cố gắng thức lâu nhất có thể, trước khi ngủ thiếp đi trong sự trống rỗng và ăn năn hối hận.

Đến ngày hôm sau, vì thiếu ngủ mà tinh thần họ trở nên mẫn cảm và dễ cáu bẩn. Điều này dẫn tới hậu quả là sự giảm sút trong hiệu quả học hành và công việc. Hệ quả, họ buộc phải thức khuya muộn hơn để có thêm thời gian bù đắp cho khoảng thời gian kém năng suất và đáng thất vọng vừa trải qua trong ban ngày. Đây chính là vòng luẩn quẩn mà phần lớn người trẻ ngày hôm nay đã và đang hàng ngày phải trải qua.

Rất nhiều người ý thức được việc thức thâu đêm ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, nhưng bản thân họ lại không đủ bản lĩnh để có thể ngăn mình làm bạn với màn đêm.

Suy cho cùng, có hai nguyên nhân phổ biến lý giải cho việc thức khuya: Một là hiệu quả công việc không tốt, hai là chưa đủ bản lĩnh để khống chế bản thân. Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện bởi nhóm marketing tại trường đại học nổi tiếng tại Hà Nội cho biết chỉ có 10% số người được khảo sát trả lời họ thức đêm là do tính chất công việc, trong khi 90% còn lại trả lời rằng họ thức thâu đêm bởi vì tự bản thân họ muốn như vậy.

Đừng đam mê thức đêm: Ngủ yên giấc trên chiếc giường tuềnh toàng ở nhà vẫn hơn trằn trọc trên chiếc giường tiện nghi nhất của bệnh viện - Ảnh 1.

(2)

Thức khuya trong một khoảng thời gian dài khiến người ta dần trở nên mất cảm giác đề phòng và mặc định cho rằng việc thức khuya không để lại hậu quả gì quá nghiêm trọng.  Nhưng trên đời này, có rất nhiều việc mà: Lúc trẻ không hay, về già mới thấm thía và hối hận. Thức khuya là một trong số đó.

Theo lời của bác sĩ, việc thức thâu đêm khiến con người ta trở nên thiếu linh hoạt, chậm chạp. Những người thức khuya cũng có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn hẳn so với những người sinh hoạt điều độ. Những năm gần đây, không khó để bạn bắt gặp những bài báo trên mạng thông tin về những trường hợp thương tâm mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thức đêm thường xuyên.

Tác hại của việc thức khuya thường xuyên sẽ hình thành và lớn dần lên bên trong cơ thể bạn. Thức khuya nhiều lần, cái mà bạn đang được là màn đêm, trong khi cái mà bạn phải đánh đổi chính là sức khoẻ hay thậm chí mạng sống của mình.

Tôi từng đọc được một bài báo đầy ám ảnh. Tác giả bài báo nói rằng sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh đã bắt đầu hình thành thói quen thức khuya mỗi ngày. Qua vài năm như thế, da anh nổi nhiều mụn, đầu anh rụng nhiều tóc, còn chân tay thì luôn trong tình trạng đau nhức. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết anh bị thiếu máu cơ tim và ra lệnh cho anh phải đi ngủ trước 11 giờ tối.

Sự khác biệt giữa thức khuya và không thức khuya thật ra đơn giản đến kinh ngạc. Tại nước Anh, đã có một cuộc thử nghiệm so sánh sự khác biệt của một người khi ngủ mỗi ngày 6 tiếng và khi ngủ mỗi ngày 8 tiếng trong vòng 5 ngày liên tiếp. Kết quả cho thấy, khi ngủ mỗi ngày 6 tiếng, người đó đã trông già đi so với khi ngủ mỗi ngày 8 tiếng gần 10 tuổi. Cần nhớ rằng, đây mới chỉ là kết quả so sánh rút ra trong 5 ngày. Liệu bạn có thể hình dung việc thức thâu đêm thường xuyên có thể gây nguy hại đến nhường nào?

Đừng đam mê thức đêm: Ngủ yên giấc trên chiếc giường tuềnh toàng ở nhà vẫn hơn trằn trọc trên chiếc giường tiện nghi nhất của bệnh viện - Ảnh 2.

(3)

Tôi có biết một chị gái. Tuy đã gần 40, chị ấy vẫn sở hữu một làn da sáng mịn với nhan sắc rung động lòng người. Bất cứ khi nào gặp chị, tôi đều được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp tràn đầy sức sống với nụ cười toả sáng mà hiếm người trong độ tuổi ấy có được.

Sau này, tình cờ trong một lần nói chuyện tôi mới biết, chị trước giờ luôn đảm bảo cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi điều độ. Kể từ khi đi làm, không hôm nào chị thức quá 11 giờ đêm. Mỗi sáng, chị đều dậy sớm chạy bộ nửa tiếng. Có thể vì sinh hoạt khoa học như vậy, chị mới có thể sở hữu được một cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng để làm việc khi bước sang tuổi trung niên.

Nếu ví thức khuya như một chất gây nghiện hạng nhất, thì những người không thức khuya có thể được coi là những cá nhân có ý chí sắt đá và tinh thần thép đáng nể nhất. Ít ai biết rằng, đằng sau tất cả những tháng ngày ngủ sớm của một người là sự kiên trì và kỷ luật mà bạn không tài nào có thể tưởng tượng nổi.

Càng thành công, bạn sẽ càng thấu hiểu tầm quan trọng trong việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Càng trưởng thành, bạn sẽ càng thấu hiểu tầm quan trọng của một giấc ngủ tốt. Bạn sẽ hối hận những ngày còn trẻ thức thâu đêm để cày phim, nhắn tin tán gẫu trong khi những người khác đang nghỉ ngơi. Bạn sẽ thèm khát khi nhìn thấy những người khác tràn đầy năng lượng để đi làm, trong khi ngậm ngùi trông bản thân mệt mỏi, yếu đuối ra sao vì thiếu ngủ. Hệ quả của việc này là trong khi những người khác được thăng chức, tăng lương, bạn vẫn giậm chân tại chỗ và ngáp ngắn ngáp dài….Sự cách biệt giữa người với người chính là từ một chút khác biệt nhỏ đó mà thành.

Thức thêm một đêm, lười thêm một lần, nghỉ thêm một lát, tất cả những điều này chẳng khác nào những con dao mà bạn đang cầm nắm và tự tay đâm vào cuộc sống sau này của chính mình.

Thử nghĩ mà xem, nếu như đến giấc ngủ mà bạn cũng không thể kiểm soát được, điều gì trong cuộc sống này bạn còn có thể làm chủ được nữa? Không có sức khỏe, bạn lấy gì ra để theo đuổi ước mơ, để chăm sóc gia đình, người yêu và phấn đấu cho nửa sau của cuộc đời mình?

Đừng thức thâu đêm nữa, bởi suy cho cùng, nằm ngủ yên giấc trên chiếc giường tuềnh toàng ở nhà vẫn hơn trằn trọc trên chiếc giường tiện nghi nhất ở bệnh viện hạng sang nào đó trong nửa cuối cuộc đời bạn sau này.


Đình Trọng

Tin liên quan