Chấn thương đầu có thể được hiểu là bất kỳ chấn thương nào xảy ra ởvùng đầu, bao gồm cả não, sọ và da đầu. Loại chấn thương này có thể xảy ra với bất cứ ai khi gặp tai nạn xe cộ, va đập với vời khác, bị ngã và bị đụng đầu.
Bất ngờ vấp ngã có thể là dấu hiệu của chấn thương đầu.
Các trường hợp bị chấn thương ở đầu dù là vết thương nhẹ cũng vẫn cần được kiểm tra một cách cẩn thận để đảm bảo phần đầu không gặp vấn đề nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Sau khi bị ngã, nếu bạn nhận thấy cơ thể đang có những dấu hiệu này thì chứng tỏ phần đầu đã bị chấn thương, hãy nhanh chóng đi cấp cứu trước khi những điều tồi tệ hơn xảy đến.
1. Xuất hiện tổn thương bên ngoài
Nếu bạn bị tai nạn hoặc gặp các sự cố không may, bạn có thể dành vài phút xem xét kỹ những tổn thương bên ngoài. Hãy kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ đầu bằng cách dùng mắt quan sát và sờ một cách nhẹ nhàng.
Các dấu hiệu này có thể là:
– Những vết cắt hoặc vết trầy xước chảy máu, có thể chảy nhiều máu vì trên đầu có nhiều mạch máu hơn các bộ phận khác của cơ thể
– Mũi hoặc tai chảy máu hoặc dịch
– Da chuyển màu xanh đen bên dưới mắt hoặc tai
– Thâm tím
– Sưng cục
– Dị vật kẹt trong đầu
2. Xuất hiện các triệu chứng lạ bên trong
Các triệu chứng lạ bên trong có thể có thể cảnh báo chấn thương nghiêm trọng bên ngoài hoặc bên trong đầu. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc sau đó vài giờ.
Các dấu hiệu thường là:
– Ngưng thở
– Đau đầu dữ dội hoặc cường độ đau tăng dần
– Mất thăng bằng
– Mất ý thức
– Yếu sức
– Không thể điều khiển tay hoặc chân
– Kích thước đồng tử không đều hoặc chuyển động mắt bất thường
– Co giật
– Khóc không dứt (ở trẻ em)
– Mất vị giác
– Buồn nôn hoặc nôn
– Cảm giác váng vất hoặc quay cuồng
– Ù tai tạm thời
– Cực kỳ buồn ngủ
Đặc biệt, khi thấy mình hoặc người xung quanh sau khi ngã có dấu hiệu thay đổi tâm trạng, mất phương hướng, mất trí nhớ, nói líu lưỡi, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh… thì nên gọi cấp cứu ngay.
3. Cần làm gì để tự cứu mình nếu xuất hiện các dấu hiệu lạ sau khi ngã
Nếu sau khi ngã, bạn xuất hiện các triệu chứng bên trên thì khả năng cao đã bị chấn thương đầu, hãy đến bác sĩ hoặc gọi dịch vụ cấp cứu ngay để giảm thiểu nguy cơ chấn thương nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng và được điều trị thích hợp.
Bạn nên đến gặp bác sĩ trong vòng một hoặc hai ngày khi bị chấn thương đầu, ngay cả khi vết thương không đòi hỏi phải cấp cứu. Nhớ kể cho bác sĩ biết chấn thương đã xảy ra như thế nào và bạn đã dùng các biện pháp giảm đau nào ở nhà.
4. Sơ cứu y tế như thế nào với người bệnh gặp chấn thương đầu?
– Điều đầu tiên, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ để cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời.
– Nếu người bị chấn thương đầu còn tỉnh táo, điều quan trọng là cố định đầu của nạn nhân khi chăm sóc hoặc chờ cấp cứu.
– Dù chấn thương nhẹ hay nặng, điều quan trọng là phải cầm máu nếu nạn nhân chảy máu. Bạn có thể dùng băng gạc hoặc vải sạch áp vào vết thương trong mọi trường hợp chấn thương đầu.
– Một số trường hợp có thể cảm thấy buồn nôn khi bị chấn thương đầu, lúc này bạn cần lăn nạn nhân nằm nghiêng để hạn chế rủi ro bị nghẹn do nôn.
– Nếu thấy vết thương bị sưng, bạn có thể sử dụng các túi nước đá để kiềm chế sưng viêm, giảm đau hoặc cảm giác khó chịu.
– Tốt nhất là bạn nên theo dõi nạn nhân trong vài ngày hoặc cho đến khi có sự trợ giúp chuyên khoa.
(Tổng hợp)