Dự án Kim Chung – Di Trạch: Hồi sinh hay “sóng ảo”?

Siêu dự án Kim Chung Di Trạch được “lột xác” với tên Hinode Royal Park và rao bán rầm rộ

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi, quá khứ “tai tiếng” của dự án cũ có được “rửa sạch” hay vẫn chỉ là “bình mới – rượu cũ”?

“Thổi” giá đất

Dự án Khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, được triển khai theo Quyết định của UBND Tỉnh Hà Tây số 1256/QĐ-UBND v/v phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 ngày 17/7/2007 và Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của UBND Tỉnh Hà Tây số 135/TĐ-SXD ngày 11/10/2007 Công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ).

Dự án được ra mắt thị trường từ năm 2008 thế nhưng nhiều năm nay dự án này bị bỏ hoang, phần lớn diện tích để hoang hóa chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng.

Đáng nói, từ đầu năm 2020, dự án này bất ngờ được giới “cò đất” rao bán rầm rộ, cuối tháng 11 vừa qua, dự án này cũng được chủ đầu tư thay tên thành “Hinode Royal Park”. Giá bán tại dự án này cũng bị đẩy lên từ 50 – 70 triệu đồng/m2, cao gấp 2,5 lần so với thời điểm hoàng kim trước đó.

Một số sàn giao dịch tại đây cho biết, dự án này vẫn chỉ đang bán dưới hình thức phiếu thu đặt cọc giữ chỗ. Người mua sẽ đặt cọc 200 triệu đồng, sau 7 – 10 ngày sẽ phải nộp đủ 50% giá trị khu đất. Đồng thời, cam kết tháng 12/2020, chủ đầu tư sẽ ra hợp đồng mua bán.

Cẩn trọng “chết chìm”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 1/500 và quyết định chủ trương đầu tư hồi giữa năm 2020. Không những vậy, thông tin từ Chi cục Thuế huyện Hoài Đức, tính đến ngày 30/9/2020, chủ đầu tư dự án KĐT Kim Chung Di Trạch chậm nộp tiền sử dụng đất còn nợ tạm tính 459 tỷ đồng và nợ tiền nộp chậm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 4,8 tỷ đồng.

Hạ tầng dự án vẫn ngổn ngang, không có nhiều thay đổi

Hạ tầng dự án vẫn ngổn ngang

Đặc biệt, chia sẻ với phóng viên, đại diện một số sàn giao dịch bất động sản tại huyện Hoài Đức, thời gian qua đã xuất hiện một nhóm nhà đầu cơ chuyên nghiệp đã bỏ hàng chục tỷ đồng mua gom nhiều lô đất tại dự án Kim Chung – Di Trạch với giá rẻ, sau đó mở ra nhiều văn phòng môi giới để cùng tạo sóng, thổi giá để bán hàng.

Người này cũng cho biết, hạ tầng đô thị chưa có nhiều chuyển biến, các tiện ích đô thị như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại không có, các biệt thự bỏ hoang có thể tăng giá như hiện tại là một điều rất phi lý.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, nhiều chủ đầu tư tiến hành thay tên dự án để phù hợp chiến lược phát triển tuy nhiên cũng không ít dự án được thay tên chỉ để che đậy quá khứ đầy “tai tiếng” liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ, để khách hàng mới khó lòng tìm hiểu được cội nguồn dự án.

Tuy nhiên, thực tế không phải bất kỳ dự án nào cũng thành công nhờ việc này. Tại Hà Nội, khách hàng tại các dự án như Tincom Pháp Vân, Thành An Tower, Hà Nội LandMark 51, Sky View Trần Thái Tông,… cũng từng được chủ đầu tư thay tên đổi họ để hồi sinh, thế nhưng chỉ khiến những khách hàng mới “chết chìm” cùng dự án.

DIỆU HOA

 

Tin liên quan