Đội quân đặc chủng bí ẩn của Lưu Bị: Khiến quân Ngô sợ hãi, Khổng Minh không thể điều động

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, giai đoạn Tam Quốc được đánh giá là một trong những thời kỳ xảy ra nhiều biến động dữ dội hơn cả.

Cổ nhân có câu “thời thế tạo anh hùng”, cũng bởi vậy mà những năm tháng phân tranh của thời Tam Quốc đã từng sản sinh ra không ít đội quân đặc chủng sở hữu sức chiến đấu kinh hoàng. Và binh đoàn bí ẩn của quân chủ nhà Thục Hán là Lưu Bị cũng nằm trong số đó.

Hé lộ về đội quân đặc chủng dưới trướng Lưu Bị: Triệu Vân không thể so bì, Gia Cát Lượng cũng không có quyền điều động

 Đội quân đặc chủng bí ẩn của Lưu Bị: Khiến quân Ngô sợ hãi, Khổng Minh không thể điều động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Có ý kiến cho rằng, nếu so với các võ tướng nổi danh trong thời đại lịch sử đầy biến động khi ấy thì ba vị quân chủ khét tiếng thời bấy giờ lại sở hữu võ công hết sức bình thường, thậm chí có lúc còn bị coi là yếu thế. Vị quân chủ nhà Thục Hán là Lưu Bị cũng không phải ngoại lệ.

Vậy đâu là lý do khiến ông vẫn có thể bảo toàn mạng sống để gây dựng cơ đồ ngay cả khi đứng ở những vị trí “đầu sóng ngọn gió” trong thời loạn thế?

Kỳ thực mặc dù không có ưu thế trên phương diện võ công, nhưng Lưu Huyền Đức cũng giống như hai đối thủ Tào – Tôn, đều là những bậc kiêu hùng có tầm mắt nhìn xa trông rộng.

Vì vậy để tránh trường hợp vong mạng dưới lưỡi đao của thích khách, Lưu Bị đã an bài một số hộ vệ thân tín để ngày đêm kề cận bảo hộ mình. Một trong số đó chính là nhân vật từ sớm đã trở nên quen thuộc với hậu thế – Thường thắng tướng quân Triệu Tử Long.

Sinh thời, Triệu Vân từ sớm đã nổi danh là một anh tài sở hữu võ công xuất chúng. Năm xưa trong trận chiến khốc liệt ở Trường Bản, ông từng một mình đột phá vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân Tào để cứu ấu chúa về cho quân chủ.

Thế nhưng ngay cả khi có một chiến thần ở bên hộ mạng, Lưu Huyền Đức vẫn chưa thực sự an tâm. Vì để đảm bảo an nguy cho bản thân cũng như bảo vệ quyền lực của hoàng tộc sau này, ông đã bí mật lập ra một binh đoàn đặc chủng thần bí.

Điểm đáng nói còn nằm ở chỗ, đội quân bí ẩn tương truyền là sở hữu sức mạnh kinh hoàng này chỉ nhất nhất nghe theo mệnh lệnh của một mình quân chủ. Ngay cả nhân vật được trọng dụng hàng đầu như Gia Cát Khổng Minh cũng không có quyền được điều động.

Bạch Nhị quân: Nỗi khiếp điểm của quân Ngô và cũng là một trong những bí ẩn của lịch sử Trung Quốc 

 Đội quân đặc chủng bí ẩn của Lưu Bị: Khiến quân Ngô sợ hãi, Khổng Minh không thể điều động - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo Qulishi, sự tồn tại của binh đoàn đặc chủng bí mật dưới tay Lưu Bị từng được bộc lộ thông qua một bức thư mà Gia Cát Lượng từng gửi cho Trung đô hộ Lý Nghiêm như sau:

“Nếu ngài nghi ngờ quân ở Bạch Đế không tinh nhuệ, nên nhớ Đốc tướng Đáo là Bạch Nhị binh dưới trướng tiên đế, cũng là đội quân thượng đẳng ở phía Tây”.

Như vậy chúng ta phần nào có thể suy đoán, đội quân bí mật do đích thân Lưu Bị rèn luyện và chỉ huy có tên là Bạch Nhị quân.

Cũng theo phân tích của chuyên trang lịch sử Trung Quốc Qulishi, năm xưa trong trận Di Lăng, Lưu Bị từng suýt vong mạng trước đòn hỏa công của tướng Đông Ngô là Lục Tốn. Và một trong những lý do khiến vị quân chủ ấy có thể may mắn thoát chết trong trận chiến khốc liệt này chính là nhờ vai trò to lớn của đội ngũ thân binh Bạch Nhị.

 Đội quân đặc chủng bí ẩn của Lưu Bị: Khiến quân Ngô sợ hãi, Khổng Minh không thể điều động - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo đó, vào thời điểm Lưu Bị thua trận rút lui, chỉ huy Trần Đáo của quân Bạch Nhị đã dẫn theo mấy tinh binh chặn hậu. Những người này chỉ dựa vào thứ vũ khí đơn bạc trên tay mình mà có thể cản được đường tiến của quân Ngô đang ở thế đuổi giết như vũ bão.

Bấy giờ, quân địch trùng trùng lớp lớp đánh thẳng về phía những binh lính của Bạch Nhị quân với suy nghĩ nhanh chóng tiêu diệt nhóm quân lính đơn lẻ với quân số chỉ vẻn vẹn vài trăm người khi ấy.

Thế nhưng không ai trong số họ ngờ rằng, Bạch Nhị quân chỉ với số lượng ít ỏi đã tạo nên một bức tường chắn vô cùng vững chãi. Quân Ngô dẫu cho có sở hữu khí thế ào ào như vũ bão cũng không thể nào vượt qua được bức tường bảo vệ này.

Cũng chính đội ngũ chặn hậu ấy đã dùng sức chiến đấu kinh người của mình để đảm bảo cho tàn quân Thục Hán thủ tại Di Lăng rút lui an toàn.

Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, nếu năm xưa không có Bạch Nhị quân, Lưu Bị đến cơ hội gửi gắm di ngôn ở thành Bạch Đế cũng không còn.

Không lâu sau trận đại chiến ở Di Lăng, Lưu Bị qua đời vì u sầu tại Bạch Đế Thành. Dưới sự phò tá của Gia Cát Lượng, con trai ông là Lưu Thiện thuận lợi kế vị.

Binh đoàn Bạch Nhị đặc chủng cũng vì vậy mà được tiếp quản bởi Tân đế, tiếp tục đi theo phò tá cho Lưu Thiện tới khi vị quân chủ này đầu hàng Tào Ngụy.

Tương truyền rằng sau khi chính quyền Thục Hán diệt vong, toàn bộ binh đoàn đặc chủng này đã biến mất không dấu vết chỉ trong vòng một đêm. Những tinh binh trong hàng ngũ ấy đã đi đâu về đâu là điều mà cho tới ngày nay vẫn không ai dám chắc.

Có giả thuyết cho rằng, Bạch Nhị binh đã bị giải tán sau biến cố sụp đổ của Thục Hán. Theo đó, những chiến binh sở hữu sức chiến đấu kinh hoàng trong đó đều xuất thân từ những dân tộc thiểu số ở phía Tây Nam.

Sau khi Thục Hán bị diệt vong, những người này đã mất đi chủ nhân để thần phục và bảo vệ. Vì thế rất có thể họ đã trở về nơi mình sinh ra, hoặc cũng có thể những tinh binh ấy đã biến mất một cách bí ẩn trong biển người mênh mông của thời đại loạn lạc khi ấy…

*Theo quan điểm của Qulishi


Theo Trần Quỳnh

Tin liên quan