[Doanh nghiệp địa ốc bắt “trend” Smart city]: Nhiều doanh nghiệp ngoại lộ diện

Nhiều doanh nghiệp ngoại sẵn sàng hợp tác với các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam để phát triển các dự án, đô thị thông minh tạo sự khác biệt trên thị trường.

[Doanh nghiệp địa ốc bắt “trend” Smart city]: Nhiều doanh nghiệp ngoại lộ diện 1

Mitsubishi và Nomura của Nhật Bản sẽ hợp tác với Tập đoàn Vingroup triển khai khu đô thị thông minh lớn tại TP.HCM (Nguồn: nikkei.com)

Ngay đầu năm 2020, Tập đoàn thương mại Mitsubishi và Tập đoàn bất động sản Nomura của Nhật Bản cho biết sẽ hợp tác với Tập đoàn Vingroup của Việt Nam xây dựng khu đô thị thông minh tại TP.HCM với số vốn đầu tư lên tới 100 tỷ yen (khoảng 908 triệu USD).

Doanh nghiệp ngoại lộ diện

Mitsubishi và Nomura dự kiến sẽ tham gia với Vinhomes trong việc xây dựng một phần dự án, cụ thể là xây dựng 21 tòa chung cư cao tầng để cung cấp cho thị trường 10.000 căn hộ. Tỷ lệ góp vốn lần lượt là Mitsubishi 40%, Nomura 40% và Vinhomes 20%.

Các tòa nhà thông minh sẽ được ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để giám sát người ra vào, xe buýt tự hành để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí, hệ thống điện phân tán để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và một số công nghệ tiên tiến khác. Dự án này sẽ hoàn tất vào năm 2023.

Cũng tại TP.HCM, ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata cho biết, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một số dự án thành phố thông minh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong… Hiện tại ở Việt Nam, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang diễn ra mạnh mẽ, nên Amata dự tính đầu tư thành phố thông minh để phù hợp với xu thế phát triển. 

Tại Đồng Nai, Amata có dự án Khu đô thị – dịch vụ Long Thành với diện tích 760 hécta đã có từ trước với mục đích xây dựng khu đô thị phục vụ chuyên gia, cư dân lao động trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cũng như lân cận và đón đầu sự phát triển của Sân bay Long Thành.

[Doanh nghiệp địa ốc bắt “trend” Smart city]: Nhiều doanh nghiệp ngoại lộ diện 2

Chủ tịch Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit nêu ý kiến đề xuất chuyển đổi dự án khu đô thị thành thành phố thông minh tại huyện Long Thành 

Tháng 10/2019, Amata đã đề xuất chuyển đổi dự án khu đô thị – dịch vụ này thành dự án thành phố thông minh. Theo đó, khu đô thị – dịch vụ này đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi tỉnh chấp thuận và các thủ tục chuyển đổi được thực hiện, bắt đầu từ năm 2020, Amata sẽ tiến hành xây dựng thành phố thông minh. 

Tháng 11/2019, tại Hàn Quốc, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ký kết hợp tác liên doanh với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam và Tập đoàn tài nguyên nước quốc gia Hàn Quốc (K-Water) với mục tiêu phát triển xây dựng Tổ hợp thành phố thông minh, du lịch, khách sạn, công viên giải trí Hà Nội. Tổng giá trị đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.

Dự án được triển khai dựa trên mô hình hoạt động của các thành phố thông minh tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới và khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, Tập đoàn tài nguyên nước quốc gia Hàn Quốc (K-Water) sẽ là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý vận hành thông minh, công nghệ xử lý nước và môi trường.

Tránh đầu tư dàn trải

Là đơn vị đang tư vấn xây dựng cho khoảng 20 đô thị thông minh, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống thuộc Công ty công nghệ thông tin VNPT giải thích: TP thông minh tương lai sẽ kết nối tất cả các dịch vụ với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Với AI, các đô thị thông minh sẽ chuyển đổi chính phủ “giấy” sang chính phủ điện tử thông qua quản lý định danh công dân từ giấy tờ tùy thân, số điện thoại, sinh trắc học; số hóa văn bản…

Tuy nhiên, ông Kiên băn khoăn bởi một trong những thách thức đối với việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam là việc chưa hình thành nên các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn do tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. 

Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đang bị phân tán, cát cứ tại nhiều ngành, số lượng các ứng dụng, dịch vụ được tích hợp còn thấp, chưa kết nối liên thông. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng đô thị thông minh rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Kiên mong muốn sớm có các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh. Các địa phương phải có hệ thống cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin riêng tư phải được đảm bảo.. 

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều lúng túng. Các quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh đang được soạn thảo, các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng, dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.

Ông Hưng khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, tránh đầu tư dàn trải, theo phong trào mà phải quán triệt nguyên tắc đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Về phía đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc JLL Việt Nam bày tỏ trong tương lại, các nhà phát triển sẽ phải nỗ lực hơn trong việc xây dựng căn hộ thông minh thực thụ tại Việt Nam, chứ không chỉ là một yếu tố marketing dùng để bán hàng, nhằm bắt kịp xu hướng mới và không bị bỏ lại phía sau so với những thị trường khác trong khu vực. 

“Hiện đang có rất ít chủ đầu tư thực hiện dự án căn hộ thông minh, đây là thời điểm tốt dành cho các chủ đầu tư nhỏ hơn hoặc mới gia nhập thị trường định vị thương hiệu với mô hình này” – ông Stephen Wyatt cho biết.

Kỳ III: Cơ hội song hành thách thức

PHƯƠNG UYÊN

Tin liên quan