Có một câu ngạn ngữ rất nổi tiếng: “80% của cải trên thế giới nằm trong tay 20% số người nào đó.”
Hiện tượng này được người ta gọi là quy tắc 2-8, được phát hiện bởi nhà kinh tế học người Ý Barreto. Theo ông: “Trong bất kì tập hợp nào cũng vậy, thứ quan trọng nhất chiếm khoảng 20%, 80% còn lại chỉ là thứ yếu.”
Điều này cũng đúng khi áp dụng cho cuộc sống. Chúng ta sẽ chấp nhận 80% cuộc đời bình thường, hay 20% nỗ lực để thành công, điều đó sớm đã được thể hiện trong hành vi của mỗi người.
(01)
20% số người làm vì sự nghiệp, 80% số người làm vì tiền
Ba người thợ xây đang tạc tượng đá thì có người hỏi: “Các anh đang làm gì vậy?”
Người thợ đầu tiên đáp: “Tôi đang đục viên đá, đục xong có thể về nhà rồi.”
Người thợ thứ hai đáp: “Tôi đang làm tượng, rất vất vả, nhưng vì nuôi gia đình phải chịu thôi.”
Người thợ thứ ba đáp: “Tôi đang làm nên một tác phẩm nghệ thuật.”
Hai người thợ đầu tiên coi công việc như một loại nghĩa vụ, vì mục đích kinh doanh hoặc mưu sinh, nên họ mới làm. Chỉ có người thứ ba coi công việc thành sở thích, và anh ta tự hào về công việc của mình.
Nếu bạn coi công việc thành sự nghiệp yêu thích, bạn đang sống cuộc đời của chính mình. Ngược lại, chỉ là đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà thôi.
Triết học có câu: “Nếu một người có thể coi công việc thành sự nghiệp thì người đó đã thành công một nửa.”
Nhưng đáng buồn thay, hầu hết chúng ta đều chán ghét công việc mình đang làm, xem nó là một “công việc”, hoàn thành vì để mưu sinh, còn nội tâm bạn lại không hề thích nó.
Điều này khiến bạn luôn cảm thấy vô vị, mệt mỏi, như đang sống trong một chiếc lồng sắt.
Nhưng công việc là thứ theo ta suốt cuộc đời, bạn đừng xem nó là phương tiện mưu sinh cho cuộc sống, hãy tìm đúng công việc để chúng ta có thể gầy dựng sự nghiệp sau này.
(02)
20% số người có trí nhớ tốt, 80% số người dễ quên việc
Theo nghiên cứu, bộ não con người tương đương với dung lượng của đĩa cứng 1975618 GB. Mặc dù nó rất lớn, nhưng nó lại không tỷ lệ thuận với trí nhớ.
“Đường cong quên lãng” của Ebbinghaus đã chỉ ra rằng: Khi chúng ta học một kiến thức mới và tạm thời ghi nhớ nó, chúng ta rất nhanh sẽ sớm quên nó. Điển hình là quên 42% sau 20 phút, quên 56% sau 1 giờ, quên 66% sau 1 ngày và quên 75% sau 6 ngày.
Thế nên có người từng nói rằng:
“Bộ não con người không phải một ổ đĩa cứng, mà là bộ phận trung tâm điều khiển cơ thể. Chức năng chính của nó là tính toán và xử lý dữ liệu, chứ không phải để lưu trữ dữ liệu.”
Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta lại quá đề cao trí nhớ của mình, ngây thơ nghĩ rằng bản thân sẽ nhớ được rất nhiều thứ, nhưng lại quên mất rằng những thứ có thể nhớ được cần phải lặp đi lặp lại liên tục.
Tục ngữ có câu: “Một trí nhớ tốt không bằng một cây bút tồi.”
Nhờ ghi chú, bạn mới có thể lặp lại những gì cần nhớ. Khi bộ não quên, vẫn sẽ còn ghi chú, trừ khi bạn làm mất sổ hoặc xóa chúng, nếu không chúng sẽ mãi tồn tại.
Ghi chú thực sự không phải để ghi lại quá khứ, mà để tạo ra tương lai.
(03)
20% số người có mục tiêu, 80% số người làm không mục đích
Mục tiêu giống như một ngọn hải đăng soi sáng cho người đi bộ trong đêm, cho họ hướng đi và niềm hy vọng.
Người có mục tiêu cụ thể, dù bước đi thế nào cũng không đánh mất chính mình.
Những người sống mà không có mục tiêu rất dễ lạc phương hướng, thích suy nghĩ lung tung và dễ bị người khác ảnh hưởng. Họ thường sợ thất bại và vì vậy không đủ can đảm thử dù bất cứ việc gì.
Ý nghĩa của cuộc sống nằm ở việc luôn chăm chỉ vì mục tiêu của mình. Nhưng bi kịch lớn nhất của cuộc đời không phải vì không đạt được mục tiêu, mà là bạn không có mục tiêu để đạt được.
Lý do tại sao la bàn có thể xoay cả một vòng tròn? Là vì tâm nó luôn không thay đổi, chỉ có kim đang di chuyển.
Chúng ta cũng vậy, nhiều người chưa thực hiện được ước mơ là vì trái tim chúng ta không chắc chắn, đôi chân thì còn đang rối loạn trong đủ loại phương hướng.
Nếu hướng đi bạn xáo trộn, cuộc sống của bạn cũng sẽ bị xáo trộn!
(04)
20% số người nghĩ cách thay đổi chính mình, 80% số người nghĩ cách thay đổi người khác
Rất lâu về trước, khi con người còn đi chân trần trên đất. Có một vị vua đi du ngoạn xa, bị sỏi đá làm đau chân, thế nên liền bực bội ra chiếu chỉ:
“Hãy dùng da bò lát mọi con đường trong nước.”
Nhưng vấn đề là dù có giết tất cả gia súc trong nước, cũng không đủ để lót đường cả nước.
Khi đó, một người hầu thông minh đã mạnh dạn thưa với vua:
“Thưa đức vua, thay vì hy sinh nhiều con bò như vậy, tại sao ngài không quấn hai miếng da bò nhỏ vào chân mình?”
Nhà vua bừng tỉnh, hóa ra chỉ là giấc mơ, nhưng nhờ giấc mơ đó, ông đã có một gợi ý thông minh cho người dân cả nước cũng như chính mình.
Hãy thay đổi bản thân trước khi nghĩ đến việc thay đổi người khác. Bởi vì bản thân bạn, bạn có thể kiểm soát, còn người khác thì không!
Đừng cố gắng thay đổi thế giới, nếu bạn muốn làm được điều đó, trước hết hãy nên học cách thay đổi chính mình.
(05)
20% số người việc ngày mai để hôm nay làm, 80% số người việc hôm nay để ngày mai làm.
Trên mạng thường khuyên: “Việc hôm nay lo làm hôm nay, việc ngày mai cũng lo chuẩn bị trước. Lập kế hoạch tốt cho tương lai…”
Trong thời đại thay đổi nhanh chóng hiện nay, để thành công, bạn không chỉ cần phải dựa vào năng lực, mà còn cần có ý chí cầu tiến. Suy cho cùng, cơ hội luôn chỉ dành cho những người đã chuẩn bị tốt.
Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen trì hoãn mọi việc, để mai hẳn làm.
Đáng sợ hơn là đến ngày mai, họ vẫn tiếp tục trì hoãn, cho đến khi cuộc sống tụt dốc mới thấy hối hận.
Đừng đợi “nước đến chân mới nhảy”, khi phát hiện ra cũng đã muộn.
Mỗi khi bạn lười biếng, chính là lúc bạn bỏ lỡ một cơ hội, và đào một cái hố sâu cho tương lai.
Newton từng nói: “Nếu nói tôi có tầm nhìn xa hơn người khác, đó chính là vì tôi chấp nhận đứng trên vai những người khổng lồ.”
Không có con đường tắt dẫn đến thành công, nhưng nếu bạn chịu khó học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, bạn sẽ tránh được rất nhiều con đường vòng.
Thay vì sao chép kinh nghiệm người khác, hãy kết hợp thực tế, lấy cốt lõi, bỏ những điều không phù hợp.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị